HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Tóm tắt Chương 11 – Doanh nghiệp Nhà nước
Chương 11 EVFTA mặc dù thường được gọi tắt là Chương Doanh nghiệp nhà nước, tên gọi chính thức và các cam kết ở Chương này áp dụng cho 03 nhóm doanh nghiệp “đặc biệt”, bao gồm:
- Doanh nghiệp nhà nước;
- Doanh nghiệp được cấp đặc quyền hoặc ưu tiên đặc biệt; và
- Doanh nghiệp độc quyền chỉ định.
Như vậy không chỉ các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo nghĩa thông thường (doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước) mà cả các doanh nghiệp có quyền/ưu tiên đặc biệt và doanh nghiệp độc quyền – hai nhóm doanh nghiệp không nhất thiết là DNNN từ góc độ vốn – cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương 11 EVFTA. Để thuận tiện cho việc trình bày, sau đây cả 03 nhóm doanh nghiệp này được gọi chung là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp thuộc 03 nhóm nêu trên đều sẽ thuộc diện điều chỉnh và phải tuân thủ các cam kết trong Chương 11 của EVFTA. EVFTA có quy định giới hạn cụ thể về phạm vi các DNNN thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định, bao gồm:
- Giới hạn DNNN áp dụng chung cho tất cả các Bên trong Hiệp định (Việt Nam, EU và các nước thành viên EU); và
- Các ngoại lệ chung cho cả Việt Nam và EU về các trường hợp DNNN hoặc hoạt động của DNNN không thuộc diện điều chỉnh của Chương DNNN này.
- Các ngoại lệ riêng về một số DNNN nhất định (chủ yếu là ngoại lệ riêng cho Việt Nam).
Sau đây là tóm tắt một số cam kết đáng chú ý:
1. Phạm vi điều chỉnh của DNNN trong EVFTA
EVFTA quy định 03 nhóm tiêu chí để xác định một DNNN hoặc các hoạt động của một DNNN có thuộc diện điều chỉnh của Chương 11 Hiệp định này hay không, gồm:
- Tiêu chí về nguồn gốc vốn sở hữu hoặc phạm vi quyền;
- Tiêu chí về lĩnh vực hoạt động;
- Tiêu chí về quy mô doanh thu.
Một DNNN hoặc phần hoạt động của DNNN chỉ bắt buộc phải tuân thủ cam kết tại Chương 11 EVFTA khi đáp ứng đồng thời cả 3 tiêu chí này.
Bảng – Tiêu chí xác định các doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của Chương DNNN của EVFTA
Khía cạnh | Về nguồn gốc vốn / quyền kiểm soát | Lĩnh vực hoạt động | Quy mô doanh thu |
Doanh nghiệp Nhà nước | -Có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ; hoặc Nhà nước kiểm soát trên 50% số phiếu biểu quyết; hoặc -Nhà nước nắm quyền bổ nhiệm hơn nửa thành viên Ban quản trị/Bộ máy lãnh đạo -Nhà nước có thể thực hiện quyền kiểm soát đối với các quyết định chiến lược của DN | Có hoạt động thương mại Trường hợp có cả hoạt động thương mại và không thương mại thì chỉ áp dụng đối với phần hoạt động thương mại | - DN ở trung ương: Có doanh thu từ hoạt động kinh doanh từ 200 triệu SDR/năm (tương đương khoảng 6.280 tỷ đồng) trở lên trong ba năm liền trước; - DN ở địa phương: Được loại trừ trong vòng 05 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hết 05 năm thì áp dụng ngưỡng quy mô doanh thu như doanh nghiệp ở trung ương |
Doanh nghiệp có đặc quyền hoặc ưu tiên đặc biệt | DN (của Nhà nước hoặc tư nhân) được Nhà nước trao đặc quyền hoặc ưu tiên đặc biệt tại một khu vực địa lý hoặc thị trường sản phẩm | ||
Độc quyền chỉ định | Tổ chức, cơ quan Nhà nước, DN thành viên được Nhà nước chỉ định làm người mua/nhà cung cấp độc quyền một loại hàng hóa/dịch vụ nhất định trên một thị trường nhất định |
2. Các loại trừ trong cam kết về phạm vi điều chỉnh DNNN
Chương 11 EVFTA loại trừ các trường hợp sau khỏi phạm vi điều chỉnh dù DNNN liên quan đáp ứng đủ 03 tiêu chí liên quan về nguồn gốc vốn, tính chất hoạt động và quy mô doanh nghiệp.
Các loại trừ này áp dụng cả cho DNNN của EU và Việt Nam, bao gồm:
- Hoạt động liên quan tới các biện pháp tạm thời của Nhà nước nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp nội địa hoặc toàn cầu;
- Hoạt động mua sắm công của Nhà nước hoặc Đơn vị mua sắm thuộc diện điều chỉnh của Chương Mua sắm công;
- DNNN sở hữu hoặc được kiểm soát bởi một Cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về an ninh quốc phòng, trật tự an ninh công cộng (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng); trừ trường hợp các DNNN này chỉ thực hiện các hoạt động thuần túy thương mại không có liên quan tới an ninh quốc phòng, trật tự an ninh công cộng;
- Các dịch vụ nhằm thực hiện chức năng của Nhà nước.
3. Các trường hợp được loại trừ khỏi cam kết về DNNN trong EVFTA
Chương 11 có một Phụ lục (Phụ lục 11) về bảo lưu của Việt Nam với một số trường hợp ngoại lệ riêng của Việt Nam cũng như một số DNNN mà Việt Nam có cam kết loại trừ riêng.
Cụ thể, đối với Việt Nam, các trường hợp sau đây không phải tuân thủ các nghĩa vụ cam kết trong Chương 11 EVFTA:
- Các biện pháp liên quan tới tư nhân hóa, cổ phần hóa, tái cấu trúc, thoái vốn/tài sản thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ;
- Các biện pháp của Chính phủ nhằm mục tiêu ổn định kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam (ví dụ yêu cầu DNNN phải bán theo giá, số lượng, các điều kiện khác do Nhà nước ấn định…);
- Các biện pháp nhằm các mục tiêu phát triển (ví dụ bảo hiểm thu nhập, an ninh trật tự, phúc lợi xã hội, giảm đói nghèo, phát triển giáo dục, chăm sóc trẻ em, cải thiện thu nhập và tạo việc làm cho người dân ở các khu vực kém phát triển…) miễn là các biện pháp này không nhằm lẩn tránh các nghĩa vụ về không phân biệt đối xử/tính toán thương mại của Chương 11 EVFTA;
- Hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa DNNN với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam (chỉ loại trừ đối với nghĩa vụ không phân biệt đối xử và tính toán thương mại của Chương 11);
- Ngoại lệ đối với một số DNNN cụ thể của Việt Nam khi thực hiện các hoạt động cụ thể được liệt kê nhằm mục tiêu công ích.
Đồng thời, Việt Nam còn bảo lưu không áp dụng cam kết EVFTA về DNNN cho một số trường hợp cụ thể, với các phần/lĩnh vực hoạt động cụ thể. Bảng dưới đây tóm tắt các trường hợp ngoại lệ riêng của Việt Nam về vấn đề này.
Bảng – Các trường hợp Việt Nam bảo lưu không áp dụng cam kết Chương DNNN của EVFTA
DNNN được hưởng ngoại lệ | Phần hoạt động được xem là ngoại lệ |
PetroVietnam | Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí và các dịch vụ điều hành bay phục vụ cho hoạt động dầu khí |
EVN và các DN trực thuộc | Sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện, điện hạt nhân, nhà máy điện liên quan đến an ninh quốc phòng; truyền tải; phân phối tất cả các loại điện, năng lượng và điện thay thế |
VINACOMIN | Bán than, khoáng sản |
Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC | Quản lý tài sản, đầu tư và các hoạt động liên quan, sử dụng tài sản tài chính của Chính phủ Việt Nam |
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) | Các hoạt động liên quan đến tái cơ cấu nợ theo quy định của pháp luật hoặc biện pháp của chính phủ nhằm thực hiện một mục đích hoặc nhiệm vụ công |
Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) | Dịch vụ mặt đất |
DNNN trong các lĩnh vực in ấn, thông tin đại chúng, dịch vụ nghe nhìn | Mọi hoạt động trong lĩnh vực in ấn, xuất bản và truyền thông đại chúng; mua và bán các sản phẩm nghe nhìn và dịch vụ phân phối. |
4. Nguyên tắc đối với doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của Chương DNNN
Theo EVFTA, doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của Chương DNNN phải tuân thủ 02 nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc 1: Phải hoạt động dựa trên tính toán thương mại thuần túy
Theo nguyên tắc này, trừ trường hợp DNNN thực hiện nhiệm vụ công ích hoặc được Nhà nước chỉ định độc quyền trên một thị trường nhất định, DNNN phải ra các quyết định kinh doanh dựa trên “tính toán thương mại”.
Nói cách khác, các DNNN phải phân tích dựa trên các tiêu chí mang tính thương mại như giá cả, chất lượng, khả năng cung ứng, tiếp thị, vận tải… hoặc những yếu tố khác tương tự như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác khi ra quyết định kinh doanh.
Nguyên tắc 2: Không được phân biệt đối xử khi mua bán hàng hóa, dịch vụ
Theo nguyên tắc này, DNNN của một Bên phải bảo đảm
- Khi mua hàng hóa: đối xử với hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp Bên kia cung cấp hoặc do nhà đầu tư Bên kia cung cấp trên lãnh thổ của mình không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhà đầu tư nội địa trong các điều kiện tương tự;
- Khi bán hàng hóa: đối xử với doanh nghiệp của Bên kia hoặc nhà đầu tư của Bên kia trên lãnh thổ mình không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nội địa của mình.
5. Nguyên tắc đối với Nhà nước trong quản lý, kiểm soát các DNNN thuộc diện điều chỉnh của EVFTA
EVFTA yêu cầu Việt Nam và EU khi quản lý, kiểm soát các doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh (gọi chung là DNNN) phải tuân thủ 04 nghĩa vụ cơ bản sau đây:
- Nỗ lực để bảo đảm các DNNN tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp đã được thừa nhận trên thế giới;
- Bảo đảm không cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan được giao chức năng quản lý Nhà nước nào phải chịu trách nhiệm (giải trình) về các DNNN mà họ quản lý, nhằm bảo đảm tính hiệu quả và khách quan với tất cả các doanh nghiệp tổ chức khác mà cơ quan này quản lý trong hoàn cảnh tương tự;
- Áp dụng và thực thi pháp luật thống nhất và không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, trong đó có các DNNN;
- Cung cấp thông tin chi tiết như cam kết về DNNN thuộc diện điều chỉnh (thông tin về chủ sở hữu, về cơ cấu bỏ phiếu, cơ cấu tổ chức…) cho Cơ quan có thẩm quyền của Bên kia khi được yêu cầu.