HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Tóm tắt Chương 15 – Giải quyết tranh chấp
Chương 15 EVFTA bao gồm các cam kết liên quan tới cơ chế phòng tránh và giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và EU trong giải thích và áp dụng các cam kết trong EVFTA. Đây là cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ, chỉ có thể sử dụng bởi các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên (Việt Nam và EU) và chỉ sử dụng để giải quyết các tranh chấp xuất phát từ hoặc dựa trên các cam kết của EVFTA.
Các ngoại lệ không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong EVFTA bao gồm các nhóm cam kết nằm rải rác ở các Chương khác nhau của EVFTA mà được nêu rõ là không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại Chương 15 của EVFTA, ví dụ:
- Các cam kết trong Mục A (Biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp), Mục B (Tự vệ toàn cầu) của Chương 3 - Các biện pháp phòng vệ thương mại;
- Các cam kết trong Mục A (Hành vi hạn chế cạnh tranh), Điều 10.8 (Tham vấn) Chương 10 – Chính sách cạnh tranh;
- Các cam kết tại Chương 13 - Thương mại và Phát triển bền vững.
Quy trình giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ trong Chương 15 của EVFTA bao gồm các bước sau:
• Bước 1: Tham vấn
Mọi tranh chấp phải được bắt đầu giải quyết bằng bước tham vấn giữa hai Bên. Bên có khiếu nại phải gửi yêu cầu tham vấn bằng văn bản đến cho Bên kia, hai Bên sẽ phải cùng tham vấn trong vòng 30 ngày. Sau 45 ngày mà việc tham vấn chưa tiến hành, hoặc đã tiến hành nhưng không đạt kết quả thì coi như kết thúc Bước này.
Các thời hạn này có thể ngắn hơn (lần lượt là 15 ngày và 20 ngày) đối với các trường hợp khẩn cấp (ví dụ liên quan tới hàng hóa dễ hư hỏng hay dịch vụ theo mùa). Tuy nhiên trong mọi trường hợp hai Bên đều có thể thỏa thuận gia hạn các thời hạn này.
• Bước 2: Trọng tài
- Thành lập Hội đồng trọng tài
Nếu hai Bên không đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp qua tham vấn hoặc không thực hiện tham vấn trong thời hạn quy định thì Bên có khiếu kiện có thể gửi yêu cầu thành lập Hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp bằng quy trình trọng tài. Yêu cầu phải được lập thành văn bản, gửi tới cho Bên kia và Ủy ban Thương mại của EVFTA.
Hội đồng trọng tài bao gồm 03 trọng tài viên, được thành lập trên cơ sở thỏa thuận của hai Bên về thành phần cụ thể của Hội đồng trọng tài. EVFTA có quy định cụ thể về điều kiện trọng tài viên, các bước để chỉ định trọng tài viên và thời hạn thành lập Hội đồng trọng tài. Một Danh sách trọng tài sẵn sẽ được thiết lập trong vòng 06 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực bởi Ủy ban Thương mại của EVFTA để phục vụ cho mục tiêu này.
- Tiến hành tố tụng trọng tài
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài được thành lập, hai Bên sẽ cùng với Hội đồng trọng tài quyết định về các vấn đề cần thiết như khung thời gian, thù lao, chi phí trọng tài… trừ các vấn đề đã được cam kết sẵn trong EVFTA.
Quy trình tố tụng trọng tài được nêu trong Phụ lục 15-A của Chương 15 EVFTA (cách thức thông báo, đệ trình các lập luận, bắt đầu tố tụng, thay thế trọng tài viên, phiên điều trần, bảo mật thông tin trong quá trình tố tụng, các lập luận được đệ trình bởi các nhóm chủ thể có liên quan…). Các Bên tự thỏa thuận với nhau và với Hội đồng trọng tài về các vấn đề tố tụng mà EVFTA không đề cập.
Các phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài là công khai trừ khi có quy định khác tại Phụ lục 15-A của EVFTA. Tuy nhiên, các thảo luận nội bộ của các trọng tài viên thì là họp kín, với tài liệu được bảo mật.
Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, trong vòng 3 ngày tính từ khi Hội đồng trọng tài thành lập, Hội đồng trọng tài có thể tiếp nhận các văn bản giải trình từ các cá nhân là công dân hoặc tổ chức thành lập trên lãnh thổ của một trong hai Bên.
- Báo cáo của Hội đồng trọng tài
Trong vòng 90 ngày (có thể gia hạn nhưng không quá 120 ngày) kể từ ngày thành lập, Hội đồng trọng tài phải ra báo cáo sơ bộ, với các nội dung về thực tế vụ việc, áp dụng các quy định, căn cứ ra quyết định và khuyến nghị liên quan. Trường hợp khẩn cấp, báo cáo sơ bộ sẽ được đưa ra trong vòng 45 ngày (có thể gia hạn đến 60 ngày) kể từ khi thành lập Hội đồng trọng tài.
Các Bên có quyền bình luận hoặc gửi yêu cầu về các nội dung của báo cáo sơ bộ cho Hội đồng trọng tài trong vòng 14 ngày sau khi được thông báo về báo cáo sơ bộ (7 ngày trong trường hợp khẩn cấp).
Hội đồng trọng tài sau đó sẽ cân nhắc ý kiến, bình luận, yêu cầu của các Bên, điều chỉnh nội dung báo cáo và thông qua Báo cáo cuối cùng trong vòng 120 ngày (hoặc tối đa là 150 ngày nếu có gia hạn) kể từ ngày thành lập Hội đồng trọng tài (các thời hạn này lần lượt là 60 và 75 ngày trong trường hợp khẩn cấp).
• Bước 3: Thực thi
Về nguyên tắc, các Bên có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp cần thiết để thực thi kết luận vụ việc trong Báo cáo cuối cùng của Hội đồng trọng tài.
- Thời gian cần thiết để thực thi:
Trường hợp Bên phải thực thi cần thời gian để thực thi thì phải thông báo điều này cho Bên kia và Ủy ban Thương mại của EVFTA (trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo cuối cùng). Trường hợp hai Bên không thống nhất được với nhau về thời gian thực thi cần thiết thì Hội đồng trọng tài đã xử lý vụ việc sẽ được triệu tập lại (theo yêu cầu của Bên khởi kiện) để ra quyết định về khoảng thời gian cần thiết để thực thi này.
- Xem xét lại biện pháp thực thi
Khi kết thúc thời hạn thực thi, Bên phải thực thi phải thông báo cho Bên kia và Ủy ban Thương mại của EVFTA về các biện pháp mà mình đã thực hiện để thực thi kết luận giải quyết tranh chấp. Trường hợp hai Bên vẫn có tranh cãi về các biện pháp này thì có thể triệu tập lại Hội đồng trọng tài đã xử lý vụ việc để Hội đồng này ra quyết định về vấn đề này.
- Biện pháp khắc phục tạm thời trong trường hợp khuyến nghị không được thực thi
Trong trường hợp qua các bước nêu trên mà biện pháp thực thi cần thiết vẫn không được thực hiện thì Bên phải thực thi có thể đưa ra đề xuất về khoản bù đắp tạm thời nếu Bên được thực thi có yêu cầu.
Nếu Bên được thực thi không có yêu cầu về biện pháp đền bù tạm thời hoặc đã có yêu cầu nhưng không đạt được thỏa thuận về khoản bù đắp tạm thời thì có quyền đơn phương ngừng các nghĩa vụ trong EVFTA với mức độ tương đương mức độ vi
phạm/thiệt hại (với điều kiện là thông báo cho Bên kia và Ủy ban Thương mại của EVFTA và nêu rõ mức độ tạm ngừng các nghĩa vụ).
• Hoà giải
Theo EVFTA, vào bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng (tham vấn, trọng tài, thực thi…) các Bên đều có thể sử dụng quy trình hoà giải (với quy tắc nêu tại Phụ lục 15-C Chương 15) để giải quyết bất kỳ nội dung tranh chấp nào.