HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
Tóm tắt Chương 2 – Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa
Chương này quy định về các nguyên tắc, các cam kết và các vấn đề khác liên quan tới việc mở cửa thị trường hàng hóa giữa các nước thành viên CPTPP. Dưới đây là tóm tắt một số nhóm cam kết quan trọng nhất của Chương này.
Cam kết về thuế quan
Các cam kết về thuế quan trong CPTPP bao gồm 02 nhóm: cam kết về thuế nhập khẩu và cam kết về thuế xuất khẩu. Các đề cập về cam kết thuế quan trong Tóm tắt này được hiểu là cam kết đối với thuế nhập khẩu (trừ trường hợp nêu rõ là thuế xuất khẩu hoặc các loại khác).
Trong CPTPP, các cam kết về thuế quan được thể hiện chi tiết theo từng dòng thuế trong Biểu thuế và mỗi nước CPTPP sẽ có một Biểu cam kết thuế quan riêng áp dụng cho từng đối tác hoặc cho tất cả các đối tác CPTPP.
Các Biểu cam kết thuế quan ưu đãi trong CPTPP
- Có 07 nước CPTPP đưa ra Biểu thuế quan áp dụng chung cho tất cả các đối tác CPTPP khác, bao gồm: Úc, Brunei, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam;
- Có 04 nước CPTPP đưa ra Biểu thuế quan áp dụng riêng cho từng đối tác CPTPP khác, bao gồm: Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico. Mặc dù Biểu
thuế của 04 nước này phân chia cột áp dụng riêng cho từng đối tác nhưng nội dung các dòng thuế cho các đối tác phần lớn giống nhau, chỉ khác nhau ở một số dòng, ví dụ, Canada 6 dòng, Chile 168 dòng, Mexico khoảng 98 dòng.
Các cam kết dành ưu đãi thuế quan trong CPTPP thường là theo 03 hình thức:
- Cam kết loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực: Đối với các trường hợp này, thuế quan sẽ là 0% vào thời điểm CPTPP có hiệu lực;
- Cam kết loại bỏ thuế quan theo lộ trình: Thuế quan sẽ được đưa về 0% nhưng không phải ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực mà là sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình). Trong CPTPP phần lớn là lộ trình 3-7 năm, tuy nhiên cũng nhiều trường hợp lộ trình là 10, 15 năm, cá biệt có những trường hợp lộ trình trên 20 năm;
- Cam kết hạn ngạch thuế quan: Đối với các trường hợp này thuế quan chỉ giảm hoặc loại bỏ với một số lượng, khối lượng hàng hóa…nhất định (gọi là mức hạn ngạch); còn vượt ra khỏi mức hạn ngạch thì thuế quan sẽ cao hơn (hoặc thuế quan không được ưu đãi).
Cách đọc biểu cam kết thuế quan trong CPTPP?
Các cam kết về thuế quan trong CPTPP được nêu tại các Phụ lục 2D - Lộ trình cắt giảm thuế thuộc Chương II Văn kiện CPTPP. Phụ lục 2D bao gồm 11 Phụ lục thành phần, tương ứng với cam kết của 11 nước.
Cam kết của mỗi nước bao gồm các nội dung chính sau:
- Chú giải chung: giải thích về phân loại hàng hóa, thuế suất cơ sở, các ký hiệu sử dụng trong Biểu cam kết thuế quan;
- Biểu cam kết thuế quan: nêu chi tiết cam kết về mức thuế và lộ trình cho
từng dòng thuế chi tiết đến HS 8, 9 hoặc 10 số tùy thuộc từng nước; và
Các tiểu phụ lục: một số nước có thêm một số tiểu phụ lục về Hạn ngạch thuế quan, Biện pháp tự vệ đối với nông sản, Thỏa thuận song phương, Danh mục các mặt hàng có cam kết thuế quan khác nhau áp dụng quy tắc xuất xứ riêng.
Cam kết về thuế quan của các nước CPTPP cho Việt Nam có thể tóm tắt như sau:
- Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực cho khoảng từ 78-95%
số dòng thuế trong Biểu thuế;
- Đến cuối lộ trình giảm thuế, sẽ xóa bỏ đến 97-100% số dòng thuế trong Biểu thuế.
Lộ trình xóa bỏ thuế: đối với hàng hóa thông thường là khoảng từ 5-10 năm, đối với hàng hóa nhạy cảm là trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Bảng tóm tắt mức cam kết thuế quan của các nước đối tác CPTPP đối với Việt Nam
Nước Cam kết chung | |
Brunei | Cam kết chung: • 92% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực • 99,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 7 • 100% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 11 |
Canada | Cam kết chung: • 94,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực • 96,3% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 4 • Duy trì hạn ngạch thuế đối với 96 dòng thuế của 3 nhóm mặt hàng: |
(i) thịt gà; (ii) trứng và (iii) bơ sữa và sản phẩm bơ sữa Cam kết đối với một số sản phẩm: • Dệt may: xóa bỏ 100% thuế vào năm thứ 4. • Giày dép: Đa số xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại vào năm thứ 7 trong đó: ⮚ 01 dòng thuế có có kim ngạch lớn sẽ được cắt giảm 75% so với mức hiện hành, và ⮚ 09 dòng cam kết xóa bỏ vào năm thứ 12. | |
Chile | Cam kết chung: • 95,1% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực • 99,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 8. Cam kết đối với một số sản phẩm: • Các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam: xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. • Dệt may: xóa bỏ thuế vào năm thứ 8. • Xxxx dép, cao su: xóa bỏ thuế vào năm thứ 4. |
New Zealand | Cam kết chung: • 94,6% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực • Các dòng thuế còn lại xóa bỏ vào năm thứ 7. |
Nhật Bản | Cam kết chung: • 86% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực • 95,6% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 11 Cam kết đối với một số sản phẩm: |
• Gạo: không cam kết • Thịt trâu bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và các chế phẩm phẩm của chúng: áp dụng hạn ngạch thuế quan, hoặc cắt giảm một phần, hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại. • Thủy sản: đa số được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản: ⮚ Cam kết suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ.... ⮚ Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong CPTPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. • Rau quả: xóa bỏ thuế vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. • Mật ong: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 8. • Giày dép: 79,5 % kim ngạch sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 10, các mặt hàng còn lại (giày da) sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 16. • Vali, túi xách bằng da: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 16. • Dệt may: 98,8% số dòng thuế sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Những mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 10. | |
Malaysia | Cam kết chung: • 84,7% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực • 99,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 11. • Áp dụng hạn ngạch thuế đối với 15 dòng thuế trứng gia cầm, thị gà, |
thịt lợn và thịt bò | |
Mexico | Cam kết chung: • 77,2% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực • 98% số dòng thuế sẽ tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 10 Cam kết đối với một số sản phẩm: • Không cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng đường và áp dụng hạn ngạch thuế đối với sữa kem và sản phẩm; dầu cọ. • Thủy sản: ⮚ Cá tra, basa, xóa bỏ thuế vào năm thứ 3; ⮚ Tôm đông lạnh xóa bỏ vào năm thứ 13; ⮚ Tôm chế biến xóa bỏ vào năm thứ 12; ⮚ Cá ngừ chế biến xóa bỏ thuế vào năm thứ 16, trong đó giữ nguyên mức thuế cơ sở trong 5 năm đầu tiên rồi giảm dần về 0%. • Gạo: Thóc, gạo lứt và gạo tấm xóa bỏ thuê ngay khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng gạo xay xát sẽ giảm về 0% vào năm thứ 10. • Dệt may: Xóa bỏ thuế theo lộ trình và tối đa vào năm thứ 16. • Xxxx dép: Xóa bỏ thuế theo lộ trình và tối đa vào năm thứ 13. • Túi xách: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 10. • Cà phê: Xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. • Gạo: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 11. |
Peru | Cam kết chung: • 80,7% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có |
hiệu lực • 99,4% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 17 • Pê-ru duy trì thuế theo biến động giá đối với 47 dòng thuế gồm sữa, ngô, gạo, đường. Cam kết đối với một số sản phẩm: • Điều, chè, tiêu, rau quả, một số loại cà phê: xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. • Dệt may, giày dép: xóa bỏ thuế vào năm thứ 10 đến năm thứ 16 | |
Singapore | Cam kết chung: • 100% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. |
Úc | Cam kết chung: • 93% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực • Các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 4. |
Nguồn: Bộ Tài chính
Bảng tóm tắt cam kết CPTPP đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Mặt hàng Mức cắt giảm thuế quan của các đối tác CPTPP cho Việt Nam | |
Cà phê | - 9 nước xóa bỏ thuế quan ngay đối với cà phê nguyên liệu HS 09 và cà phê hòa tan HS 21 - Mexico cắt giảm 50-70% thuế suất, có lộ trình 5-10 năm. |
Hạt tiêu | - 9 nước xóa bỏ thuế quan ngay - Mexico xóa bỏ thuế có lộ trình 16 năm đối với hạt tiêu xanh |
Hạt điều | - Tất cả các nước xóa bỏ thuế quan ngay |
Chè | - 9 nước xóa bỏ thuế quan ngay - Nhật Bản xóa bỏ lộ trình 5 năm |
Mật ong | - 9 nước xóa bỏ thuế quan ngay, - Nhật Bản xóa bỏ với lộ trình 7 năm |
Đường Và sản phẩm đường | - 6 nước xóa bỏ thuế quan ngay: Canada, Úc, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore; - Peru và Chile: xóa bỏ thuế quan nhưng áp dụng hệ thống điều chỉnh thuế nhập khẩu nếu trong nước có biến động giá. - Nhật Bản: cam kết hạn ngạch TPP đối với đường tiêu dùng thông thương nhưng lượng hạn ngạch nhỏ không đáng kể. - Các sản phẩm đường được xóa bỏ với lộ trình 4-16 năm tùy dòng. |
Dệt may | - Canada: xóa bỏ toàn bộ thuế quan cho dệt may sau 3 năm - Mexico và Peru: chỉ xóa bỏ sau 16 năm |
Gỗ và sản phẩm gỗ | - 9 nước xóa bỏ thuế quan ngay đối với hầu hết sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm từ 85-100% kim ngạch xuất khẩu tùy từng đối tác. - Nhật Bản áp dụng lộ trình 15 năm đối với các mặt hàng gỗ cây lá kim ván ép và áp dụng quy chế ngưỡng nhập khẩu đối với một vài mặt hàng nhưng đảm bảo lợi ích xuất khẩu của Việt Nam |
Thủy sản | - Tất cả các sản phẩm thủy sản sẽ được xóa bỏ thuế, phần lớn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các sản phẩm còn lại xóa bỏ theo lộ trình, trong đó: |
- Nhật Bản: 99% các sản phẩm sẽ được xóa bỏ thuế quan trong vòng 11 năm và còn lại là 16 năm - Canada: Tất cả các sản phẩm thủy sản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực - Pê-ru: Ngay khi Hiệp định có hiệu lực tất cả các mặt hàng thủy sản sẽ xóa bỏ thuế |
Nguồn: Bộ Tài chính
Cam kết về thuế quan của Việt Nam cho các đối tác CPTPP
Việt Nam đưa ra một Biểu thuế quan ưu đãi theo từng dòng thuế và áp dụng chung cho tất cả các đối tác CPTPP. Như vậy với mỗi loại hàng hóa (theo dòng thuế), Việt Nam cam kết mở cửa (ưu đãi thuế quan) theo mức và lộ trình khác nhau; được áp dụng chung cho hàng hóa nhập khẩu liên quan từ bất kỳ nước nào trong CPTPP.
Trong tổng thể, Việt Nam cam kết ưu đãi thuế quan cho hàng hóa từ các nước CPTPP
như sau:
- 65,8% số dòng thuế sẽ được loại bỏ (thuế suất 0%) ngay khi Hiệp định có hiệu lực;
- 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực;
- 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực;
- Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối
đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Bảng Tóm tắt cam kết thuế quan của Việt Nam cho một số sản phẩm nhập khẩu từ các nước CPTPP
Sản phẩm | Mức cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam cho các nước CPTPP |
Công nghiệp | - Sắt thép, xăng dầu: chủ yếu xóa bỏ thuế vào năm thứ 11 - Nhựa và sản phẩm nhựa; Hóa chất và sản phẩm hóa chất; Giấy, đồ gỗ; Máy móc, thiết bị: phần lớn xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xóa bỏ vào năm thứ 4 |
- Dệt may, giày dép: xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. | |
- Rượu bia: xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 3 đối với rượu sake, các mặt hàng còn lại xóa bỏ thuế vào năm thứ 11, một số loại vào năm thứ 12 | |
- Ô tô: | |
+ Xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10;. | |
+ Áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Thuế trong hạn ngạch giảm về 0% vào năm thứ 16, thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất MFN. | |
Nông nghiệp | - Thịt gà: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau vào năm thứ 11/12 - Thịt lợn: xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10 đối với thịt lợn tươi vào năm thứ 8 năm đối với thịt lợn đông lạnh - Thực phẩm chế biến: Chế biến từ thịt xóa bỏ vào năm thứ 8-11, chế biến từ thủy sản xóa bỏ vào năm thứ 5 - Đường, trứng, muối: Thuế trong hạn ngạch của WTO với trứng xóa bỏ vào năm thứ 6, với đường, muối là vào năm 11; Thuế ngoài hạn ngạch giữ như MFN - Sữa và sản phẩm sữa: xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xoá bỏ vào năm thứ 3 - Gạo: xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực |
- Ngô: Xóa bỏ sau vào năm thứ 5 một số loại bỏ vào năm thứ 6 - Phân bón: xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực - Lá thuốc lá: xóa bỏ thuế trong hạn ngạch vào năm thứ 11 đối với lượng hạn ngạch 500 tấn, mỗi năm tăng thêm 5% trong vòng 20 năm. Thuế suất ngoài hạn ngạch duy trì ở mức MFN đến năm thứ 20, đến năm 21 thuế nhập khẩu về về 0%. - Thuốc lá điếu: xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16. |
Nguồn: Bộ Tài chính
Thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu theo diện đặc thù (tạm nhập, nhập sau khi xuất để sửa chữa…)
CPTPP quy định các nước Thành viên không áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm
được nhập khẩu theo diện đặc thù (không phụ thuộc vào xuất xứ sản phẩm), sau đây:
- Các sản phẩm được nhập khẩu trở lại sau khi tạm xuất sang một nước thành viên
CPTPP khác để sửa chữa, thay đổi;
- Các sản phẩm tạm nhập để phục vụ hoạt động chuyên môn của cá nhân (trang thiết bị chuyên ngành, thiết bị phục vụ báo chí, truyền hình, phần mềm…)
- Các sản phẩm phục vụ trưng bày, triển lãm; sản phẩm mẫu thương mại; ấn phẩm quảng cáo in (chỉ một bản cho mỗi ấn phẩm quảng cáo và tổng cộng không tạo thành lô hàng lớn)…;
- Dụng cụ phục vụ hoạt động thể thao cụ thể;
- Chú ý là các công-ten-nơ và pa-let dùng để vận chuyển hàng hóa quốc tế (đang để
không hoặc đang chứa hàng) sẽ được coi như hàng tạm nhập được miễn thuế.
Mặc dù cam kết không áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nhập khẩu diện này, các nước CPTPP vẫn có quyền quy định các điều kiện miễn thuế cụ thể cho các sản phẩm này (ví dụ điều kiện là sản phẩm không được bán hoặc đưa vào lưu thông trong nội địa,
chỉ được sử dụng duy nhất bởi chủ thể nhập khẩu vào, có số lượng không vượt quá một mức nhất định…).
Thuế quan đối với các sản phẩm công nghệ thông tin
Đối với các sản phẩm công nghệ thông tin, các nước CPTPP cam kết sẽ trở thành thành viên và thực thi Hiệp định Công nghệ Thông tin của WTO (ITA). Việt Nam đã là thành viên của ITA và hiện cũng đang cùng với các nước CPTPP khác đàm phán trong khuôn khổ WTO để mở rộng ITA (còn gọi là ITA2).
Theo ITA các nước sẽ phải xóa bỏ thuế quan và các loại thuế khác áp dụng đối với phần lớn các sản phẩm công nghệ thông tin, bao gồm máy tính, thiết bị viễn thông, chất bán dẫn, các thiết bị khoa học dùng để sản xuất và thử nghiệm chất bán dẫn… và hầu hết các bộ phận của các sản phẩm này.
Cam kết về thuế xuất khẩu đối với hàng hóa
Trong WTO, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu ngoại trừ một số sản phẩm mà Việt Nam bảo lưu quyền tiếp tục áp thuế xuất khẩu.
Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các sản phẩm còn bảo lưu/giữ quyền áp dụng thuế xuất khẩu trong WTO (với lộ trình xóa bỏ thuế là từ 5-15 năm) và chỉ giữ lại quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 70 sản phẩm thuộc các nhóm:
- Nhóm khoáng sản: cát (Chương 25), đá phiến (thuộc mã HS 2514), đá làm tượng đài hoặc xây dựng (2516), quặng dolomite (2518), quặng amiăng (2524), đá vôi (2521), quặng steatit (2526);
- Nhóm quặng: quặng đồng (2603), cô ban (2605), quặng nhôm (2606), quặng chì (2607), quặng kẽm (2608), quặng urani (2612), xxxxx xxxxx (2612), quặng
titan (2614), quặng zircon (2615), quặng vàng (2616) và quặng antimon (2617);
- Nhóm than: than đá (2701), than non (2702), than bùn (2703), và dầu thô (2709);
- Nhóm vàng (7108) và vàng trang sức (7113-7115).
CPTPP nhắc lại các nghĩa vụ trong WTO, theo đó các nước không được ban hành hoặc duy trì bất kỳ biện pháp cấm, hạn chế nhập khẩu hoặc xuất khẩu nào ngoại trừ các trường hợp đã có cam kết và các ngoại lệ trong WTO. Như vậy, trừ các trường hợp đã quy định trong cam kết, Việt Nam sẽ không thể cấm, hạn chế nhập khẩu hay xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh các nghĩa vụ trong WTO, CPTPP còn yêu cầu các nước Thành viên không
được áp dụng các biện pháp có tính hạn chế xuất/nhập khẩu sau đây:
- Các yêu cầu về giá xuất khẩu, nhập khẩu, ngoại trừ các trường hợp thực hiện các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp;
- Các biện pháp cấp phép nhập khẩu dựa trên tiêu chí về hoạt động (performance requirement), ví dụ yêu cầu về tỷ lệ xuất khẩu tối thiểu, yêu cầu về mức độ nội địa hóa…;
- Chỉ cho phép tham gia nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu một loại hàng hóa nếu có quan hệ hợp đồng hoặc quan hệ khác với một nhà phân phối nội địa;
- Các hạn chế xuất khẩu tự nguyện theo yêu cầu của một nước nhập khẩu nào đó
không phù hợp với các quy định của WTO.
Đối với các trường hợp có bảo lưu tiếp tục giữ một số quy định cấm và/hoặc hạn chế xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhất định, các nước CPTPP cũng phải cam kết nếu có sửa đổi các quy định đó trong tương lai thì chỉ có thể theo hướng mở hơn, không được hạn chế hơn mức đã bảo lưu.
Về vấn đề này, Việt Nam bảo lưu các biện pháp cấm xuất hoặc cấm nhập khẩu tại Nghị định số 187/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ và Thông tư số 04/2014/TT-BCT
ngày 27/01/2014 của Bộ Công thương hướng dẫn Nghị định này đối với một số loại hàng
hóa được liệt kê, ví dụ:
- Việt Nam vẫn được quyền giữ các quy định cấm nhập khẩu đối với phương tiện vận tải tay lái nghịch, phương tiện vận tải cũ trên 5 năm và một số sản phẩm đã qua sử dụng (bao gồm quần áo, giày dép, đồ gỗ, máy tính xách tay, thiết bị y tế, xe đạp, xe ba bánh…).
- Việt Nam vẫn được cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước, các sản phẩm gỗ (trừ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm được sản xuất từ gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu, hoặc pallet nhân tạo).
Chú ý là các cam kết liên quan tới các biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu trong CPTPP sẽ được áp dụng cho cả hàng hóa tân trang (hàng hóa có một phần hoặc toàn bộ các bộ phận đã được tân trang lại nhưng có tuổi thọ và chức năng giống như một sản phẩm mới). Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ không cấm hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu các hàng hóa tân trang trong khu vực CPTPP. Việt Nam cũng cam kết thêm là sẽ không áp dụng các biện pháp về xuất nhập khẩu đối với hàng tân trang ở mức khắt khe hơn so với biện pháp áp dụng đối với hàng mới cùng loại, nếu có.
Tuy nhiên, CPTPP yêu cầu thêm rằng nếu một nước áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với sản phẩm cũ thì biện pháp đó không áp dụng cho hàng hóa tân trang. Việt Nam bảo lưu toàn bộ nghĩa vụ này trong vòng 03 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực và bảo lưu không áp dụng nghĩa vụ này vĩnh viễn đối với hàng tân trang thuộc 16 nhóm hàng hóa (được liệt kê trong Phụ lục 2-B Remanufactured Goods Chương 2 Hiệp định).
Cấp phép nhập khẩu
CPTPP không cấm các nước sử dụng giấy phép nhập khẩu, mà chỉ yêu cầu các nước phải tuân thủ các yêu cầu về giấy phép nhập khẩu trong Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu của WTO (chủ yếu là các yêu cầu để đảm bảo thủ tục cấp phép được rõ ràng, thuận lợi).
Ngoài ra, CPTPP có thêm các quy định khá chi tiết liên quan tới quy trình cấp phép nhập khẩu, nhấn mạnh các yêu cầu minh bạch hóa. Ví dụ, các nước CPTPP có nghĩa vụ:
- Thông báo cho các nước Thành viên khác về thủ tục cấp phép nhập khẩu hiện hành (danh sách hàng hóa phải cấp phép, đầu mối thông tin về điều kiện cấp phép, tên văn bản quy định về cấp phép nhập khẩu, cơ quan cấp phép, phân loại giấy phép – là giấy phép tự động hay không tự động, thời hạn cấp phép…)
- Khi ban hành một thủ tục cấp phép nhập khẩu mới hoặc sửa đổi một thủ tục cấp phép nhập khẩu đang có, phải thông báo cho các nước Thành viên khác không muộn hơn 60 ngày trước khi thủ tục đó có hiệu lực và không muộn hơn 60 ngày kể từ ngày công bố thủ tục đó;
- Phải đăng tải các quy định mới hoặc bổ sung về thủ tục cấp phép nhập khẩu (điều kiện cấp phép, cơ quan cấp phép, các loại hàng hóa phải được cấp phép nhập khẩu…) trên một trang web chính thức của Cơ quan Chính phủ có thẩm quyền.
Các nước Thành viên sẽ không được áp dụng bất kỳ thủ tục cấp phép nhập khẩu nào đối với các hàng hóa từ các thành viên CPTPP khác nếu không thông báo cho tất cả các Thành viên khác về các thủ tục cấp phép nhập khẩu đang tồn tại và đăng công khai các thủ tục cấp phép nhập khẩu mới hoặc sửa đổi.
Nguyên tắc không phân biệt đối xử
CPTPP nhấn mạnh lại nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT) quy định trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994) của WTO, theo đó tất cả các thành viên CPTPP, mà cũng là các thành viên WTO, sẽ phải dành sự đối xử đối với hàng hóa nhập khẩu không kém thuận lợi hơn so với hàng hóa nội địa tương tự (ở những khía cạnh được liệt kê cụ thể, ví dụ thuế, phí nội địa, điều kiện bán hàng).
Do đó, về nguyên tắc, Việt Nam phải áp dụng các quy định các loại thuế, phí nội địa (ví dụ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…) hay các điều kiện bán hàng (ví dụ phải
bán hàng ở kênh nào, theo cách thức như thế nào)… ít nhất là bình đẳng giữa hàng hóa nội địa và hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, WTO và CPTPP đều chấp nhận những ngoại lệ chung và riêng cho một số nước liên quan đến nghĩa vụ này.
Việt Nam không có bảo lưu gì riêng cho nghĩa vụ NT này trong CPTPP. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện theo WTO, ít nhất là không được áp dụng các điều kiện bán hàng, các loại thuế phí nội địa hay bất kỳ các yêu cầu khác đối với hàng hóa từ các nước thành viên WTO (trong đó có các nước CPTPP) cao hơn so với hàng hóa nội địa tương tự trừ các trường hợp ngoại lệ chung theo WTO.
Trợ cấp đối với nông sản
CPTPP chỉ ràng buộc các nước Thành viên về các biện pháp đối với trợ cấp xuất khẩu cho nông sản. Cụ thể, CPTPP cấm các nước thành viên trợ cấp xuất khẩu cho nông sản sang các nước Thành viên CPTPP khác. Ngoài ra, các nước CPTPP cam kết sẽ cùng làm việc với nhau trong WTO để xây dựng các quy tắc đa phương về tín dụng xuất khẩu, các chương trình bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu.
CPTPP không có cam kết về trợ cấp nội địa đối với nông sản. Vì vậy, có thể hiểu là Việt Nam vẫn có thể tiếp tục sử dụng các biện pháp trợ cấp nội địa cho nông sản mà WTO cho phép (ví dụ các biện pháp trợ cấp cho nông nghiệp nông thôn không hoặc rất ít tác động bóp méo thương mại, trợ cấp trong chương trình “hỗ trợ phát triển sản xuất” như các trợ cấp đầu tư, “đầu vào” cho sản xuất nông nghiệp cho nông dân nghèo hoặc các vùng khó khăn, hoặc hỗ trợ các vùng chuyển đổi…).
Về doanh nghiệp nhà nước hoạt động xuất khẩu nông sản, CPTPP không có quy định cụ thể liên quan đến các doanh nghiệp thương mại Nhà nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, các nước CPTPP có cam kết sẽ cùng làm việc với nhau trong một Hiệp định của WTO về vấn đề này nhằm yêu cầu:
- Xóa bỏ các hạn chế gây bóp méo thương mại trong việc trao quyền xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp
- Xóa bỏ bất kỳ hình thức cấp vốn đặc biệt nào mà một thành viên WTO, dù trực tiếp hay gián tiếp, dành cho các doanh nghiệp thương mại nhà nước xuất khẩu chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng xuất khẩu một sản phẩm nông nghiệp của nước đó.
- Tăng cường minh bạch hóa sự vận hành và duy trì của các doanh nghiệp
thương mại nhà nước xuất khẩu.