HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU Tóm tắt Chương 2 – Đối xử Quốc gia và Mở cửa thị trường hàng hóa
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Tóm tắt Chương 2 – Đối xử Quốc gia và Mở cửa thị trường hàng hóa
Chương 2 EVFTA bao gồm các cam kết liên quan tới việc mở cửa thị trường của Việt Nam cho hàng hóa EU và ngược lại, bao gồm:
- Các cam kết cụ thể về việc loại bỏ thuế quan (theo từng dòng thuế, với lộ trình cụ thể theo từng năm tính từ thời điểm EVFTA có hiệu lực);
- Các vấn đề liên quan tới việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU (hải quan, thuế xuất khẩu, giấy phép xuất khẩu, thuế phí liên quan tới xuất nhập khẩu…)
- Các cam kết liên quan tới một số hàng hóa được xếp vào diện đặc thù (hàng tân trang, hàng sửa chữa, một số loại hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, dược phẩm, nông sản, ô tô và linh kiện ô tô…).
Sau đây là tóm tắt một số cam kết đáng chú ý:
I. Cam kết về thuế quan
1. Cam kết về thuế quan đối với hàng hóa trong EVFTA
Các cam kết về thuế quan bao gồm 02 loại:
- Cam kết về thuế nhập khẩu: Mỗi Bên (Việt Nam, EU) cam kết cắt giảm, loại bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu từ Bên kia ngay hoặc theo một lộ trình nhất định thể hiện trong Biểu cam kết về thuế nhập khẩu;
- Cam kết về thuế xuất khẩu: Mỗi Bên (Việt Nam, EU) cam kết loại bỏ thuế xuất khẩu đối với hàng hóa của mình khi xuất khẩu sang Bên kia. EU cam kết loại bỏ toàn bộ các loại thuế xuất khẩu, trong khi đó Việt Nam bảo lưu quyền duy trì thuế xuất khẩu đối với một số hàng hóa nhưng cam kết sẽ cắt giảm các mức thuế này theo Biểu cam kết về thuế xuất khẩu.
Về nội dung, Chương 2 của EVFTA bao gồm 02 phần:
- Phần cam kết trong Lời văn Chương 2: Phần này bao gồm các quy tắc chung liên quan tới thuế quan, áp dụng chung cho cả EU và Việt Nam (tuy nhiên cũng có một số nội dung nêu cụ thể chỉ áp dụng cho Việt Nam hoặc EU); và
- Phần cam kết tại các Phụ lục Chương 2: Chương 2 có 03 Phụ lục là:
o Phụ lục 2-A: Cắt giảm và xóa bỏ thuế quan
o Phụ lục 2-B: Phương tiện cơ giới và Phụ tùng, thiết bị của xe cơ giới
o Phụ lục 2-C: Dược phẩm và Trang thiết bị y tế
Cam kết về thuế quan của mỗi Bên (Việt Nam, EU) theo từng dòng sản phẩm (theo mã HS) được nêu tại Phụ lục 2-A. Phụ lục này lại bao gồm 05 Tiểu Phụ lục, trong đó 03 Tiểu Phụ lục liên quan đến cam kết thuế quan đó là:
- Tiểu Phụ lục 2-A-1: Biểu cam kết về thuế nhập khẩu của EU cho hàng hóa Việt Nam; Biểu cam kết này của EU áp dụng thống nhất cho hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào bất kỳ cảng nào, của bất kỳ nước Thành viên nào của EU;
- Tiểu Phụ lục 2-A-2: Biểu cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam cho hàng hóa từ EU
- Tiểu Phụ lục 2-A-3: Biểu cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam đối với một số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU
2. Cam kết về ưu đãi thuế nhập khẩu
Các ưu đãi thuế nhập khẩu trong EVFTA được phân làm 04 nhóm:
- Loại bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực: Ở hình thức ưu đãi này, thuế nhập khẩu sẽ được loại bỏ (về mức 0%) ngay từ thời điểm EVFTA có hiệu lực; các dòng thuế áp dụng theo hình thức này chiếm tỷ lệ phổ biến trong cả Biểu cam kết của EU và Việt Nam;
- Loại bỏ thuế quan theo lộ trình: Ở hình thức này, thuế nhập khẩu sẽ được giảm dần và loại bỏ (về mức 0%) sau một khoảng thời gian nhất định (gọi là lộ trình) kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Lộ trình phổ biến của EU cho các trường hợp ưu đãi theo hình thức này là 3 năm, của Việt Nam là 5-7 năm;
- Hạn ngạch thuế quan: Một số ít các dòng thuế sẽ được áp dụng hạn ngạch thuế quan, theo đó sẽ áp dụng mức thuế ưu đãi hoặc thuế 0% chỉ cho số lượng, khối
lượng hàng hóa nhất định được nhập khẩu (gọi là trong hạn ngạch), hàng hóa nhập khẩu vượt quá hạn ngạch sẽ không được hưởng ưu đãi;
- Không xóa bỏ thuế quan: Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế quan đối với một số dòng xe ô tô; trong khi EU không có cam kết thuộc nhóm này.
EVFTA xác định hình thức ưu đãi, mức ưu đãi cụ thể đối với mỗi loại hàng hóa (từng dòng thuế, theo mã HS 10 số), được nêu trong Biểu thuế của EU (Tiểu phụ lục 2-A-1) và Biểu thuế của Việt Nam (Tiểu phụ lục 2-A-2) tại phần Phụ lục Chương 2 EVFTA tương ứng với mã HS của hàng hóa đó.
3. Ý nghĩa của các ký hiệu trong Biểu thuế quan
Biểu cam kết thuế quan nhập khẩu trong EVFTA được ký hiệu bằng các ký tự như A, B3, B5, B7, B9, B10, B10* tương ứng với từng hình thức, lộ trình giảm thuế cụ thể. Các ký
hiệu này được sử dụng chung cho cả Biểu thuế của EU và Việt Nam.
Do đó doanh nghiệp cần hiểu ý nghĩa của từng ký hiệu này tại Phụ lục 2-A trước khi tra cứu dòng thuế sản phẩm mà mình quan tâm trong các Tiểu phụ lục 2-A-1 và 2-A-2 để biết được hình thức và lộ trình ưu đãi thuế của sản phẩm đó.
Lưu ý:
- Mức thuế cơ sở làm căn cứ tính thuế là: i) mức thuế MFN năm 2012 đối với Việt Nam và, ii) mức thuế chung của EU năm 2012 đối với EU. Mức thuế cơ sở này đã được nêu trong Biểu cam kết thuế. Thuế quan cam kết cắt giảm là cắt giảm từ mức thuế cơ sở này chứ không phải là mức thuế tại thời điểm có hiệu lực của EVFTA.
- Thời điểm cắt giảm thuế lần 1 là ngày có hiệu lực của EVFTA (01/08/2020), thời điểm cắt giảm thuế lần 2 là ngày 01 tháng 01 của năm liền sau đó (01/01/2021), cứ như vậy xác định các mốc tương tự cho các lần cắt giảm tiếp theo.
Bảng dưới đây tổng hợp các ký hiệu được sử dụng trong Biểu thuế quan nhập khẩu của EVFTA và giải thích ý nghĩa.
Bảng – Giải thích ký hiệu Biểu ưu đãi thuế quan trong EVFTA
Ký hiệu | Giải thích |
A | Xóa bỏ thuế ngay sau khi EVFTA có hiệu lực |
B3 | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực |
B5 | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực |
B7 | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực |
B9 (chỉ có trong Biểu thuế của Việt Nam | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 10 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực |
B10 (chỉ có trong Biểu thuế của Việt Nam) | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 11 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực |
B10*, B10** (Chỉ có trong Biểu thuế của Việt Nam) | Xóa bỏ thuế trong vòng 11 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực với mức giảm hàng năm như quy định cụ thể trong Phụ lục 2-A Chỉ áp dụng đối với 2 mã: 2203.00.10, 2203.00.90 |
B10-in-quota (Chỉ có trong Biểu thuế của Việt Nam) | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 11 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực và chỉ áp dụng đối với lượng nhập khẩu trong hạn ngạch. |
B15 (Chỉ có trong Biểu thuế của Việt Nam) | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 16 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực |
CKD (Chỉ có trong Biểu thuế của Việt Nam) | Không có cam kết về thuế quan |
A+EP (Chỉ có trong Biểu thuế của EU) | Xóa bỏ thuế tính theo giá trị hàng hóa (%) ngay khi EVFTA có hiệu lực nhưng vẫn giữ thuế tuyệt đối áp dụng đối với hàng hóa đó |
R75 (Chỉ có trong Biểu thuế của EU) | Giảm thuế theo quy định cụ thể trong Phụ lục 2-A về 75% từ năm 2025 trở đi |
TRQ (Chỉ có trong Biểu thuế của EU) | Đây là các sản phẩm mà EU áp dụng hạn ngạch thuế quan, với mức thuế là 0% đối với lượng nhập khẩu trong hạn ngạch |
Ví dụ về cách xác định thời điểm cắt giảm thuế quan theo lộ trình
Cam kết thuế đối với sản phẩm áo sơ mi nữ làm từ lụa của EU nêu trong Biểu cam kết của EU như sau:
CN2012 | Mô tả hàng hóa | Thuế suất cơ sở | Danh mục |
6206 10 00 | Áo blouse, sơ mi và sơ mi cách điệu (shirt-blouses) dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái từ tơ tằm hoặc phế liệu tơ tằm | 12% | B3 |
Cam kết này được hiểu là: Sản phẩm mã HS 6206 10 00 với miêu tả như trên sẽ được xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Do EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 nên lộ trình cắt giảm thuế của sản phẩm này theo các năm sẽ như sau:
Mức thuế cơ sở | Mức thuế năm 1 (từ 01/08/2020 đến hết 31/12/2020) | Mức thuế năm 2 (bắt đầu từ 01/01/2021) | Mức thuế năm 3 (bắt đầu từ 01/01/2022 | Mức thuế năm 4 và các năm tiếp theo (bắt đầu từ 1/1/2023 |
12% | 9% | 6% | 3% | 0% |
4. Cam kết của EU về thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam
Theo Biểu cam kết tại Tiểu Phụ lục 2-A-1 Chương 2 Văn kiện EVFTA thì EU sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, số còn lại loại bỏ theo lộ trình hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Như vậy, không phải toàn bộ thuế nhập khẩu của EU sẽ được xóa bỏ ngay lập tức cho hàng hóa Việt Nam từ 01/08/2020. Vẫn còn nhiều sản phẩm chỉ được xóa bỏ sau một thời gian, và một số sản phẩm áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Trong tổng thể, EU cam kết ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam theo lộ trình như sau:
- Xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của Việt Nam sang EU;
- Sau 07 năm, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của Việt Nam sang EU;
- Đối với khoảng 0,8% số dòng thuế còn lại (là một số ít sản phẩm mà EU cho là nhạy cảm đối với sản xuất nội địa của họ), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Bảng - Tóm tắt cam kết thuế quan của EU dành cho một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam
Cam kết | Cam kết thuế quan của EU dành cho Việt Nam |
Nhóm hàng Nông – thủy sản | |
Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) | Xóa bỏ ngay khoảng 50% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực |
50% số dòng thuế còn lại được xóa bỏ sau 3, 5 hoặc 7 năm | |
Riêng với cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn/năm và 500 tấn/năm. | |
Gạo | Áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan, lượng nhập khẩu trong hạn ngạch được hưởng mức thuế 0%. Tổng hạn ngạch là 80.000 tấn/năm, cụ thể: - Gạo chưa xay xát: lượng hạn ngạch là 20.000 tấn/năm - Gạo xay xát: lượng hạn ngạch là 30.000 tấn/năm - Gạo thơm: lượng hạn ngạch là 30.000 tấn/năm |
Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm, và các sản phẩm từ gạo sau 3 hoặc 5 năm | |
Cà phê | Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực |
Đường | Áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức là 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa trên 80% đường một năm, lượng nhập khẩu trong hạn ngạch được hưởng mức thuế 0%. |
Mật ong tự nhiên | Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực |
Sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi | Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực |
Các hàng nông sản khác | Một số sản phẩm được áp dụng cam kết về hạn ngạch thuế quan của EU dành cho Việt Nam: - Trứng gia cầm đã qua chế biến: 500 tấn/năm - Tỏi: 400 tấn/năm - Ngô ngọt (trừ loại có đường kính lõi từ 8 mm trở lên nhưng không quá 12 mm): 5.000 tấn/năm - Tinh bột sắn: 30.000 tấn/năm - Nấm: 350 tấn/năm - Cồn etylic: 1.000 tấn - Một số sản phẩm hóa chất (manitol, sorbitol, dextrins,…): 2.000 tấn |
Nhóm hàng công nghiệp |
Dệt may | 42,5% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực (chủ yếu là nguyên liệu dệt may) |
Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3 -5-7 năm. | |
Giày dép | 37% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực |
Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3, 5 hoặc 7 năm. | |
Gỗ và sản phẩm gỗ | Khoảng 83% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực |
Khoảng 17% còn lại (gồm ván dăm, ván sợi và gỗ dán,…) sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3 - 5 năm. | |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện | 74% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. |
Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3 hoặc 5 năm | |
Một số sản phẩm khác | Một số mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực ví dụ như sản phẩm nhữa, điện thoại các loại và linh kiện, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù… |
Theo quy định của EVFTA, trong quá trình thực hiện Hiệp định nếu Việt Nam hoặc EU thấy có nhu cầu đẩy nhanh lộ trình cắt giảm hoặc mở rộng phạm vi cắt giảm thuế đối với một/một số sản phẩm cụ thể thì có thể yêu cầu tham vấn với Bên kia để xem xét việc này.
5. Cam kết của EU về hạn ngạch thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam
Trong EVFTA, EU cam kết dành ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch (chỉ ưu đãi thuế cho một khối lượng sản phẩm nhất định) đối với một số sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam như gạo, đường, cá ngừ, cá viên, trứng, tỏi, ngô ngọt….
Việc phân bổ hạn ngạch theo các cam kết này do phía EU quy định, áp dụng đối với các nhà nhập khẩu các sản phẩm liên quan phía EU. Trước khi EVFTA có hiệu lực (01/08/2020), EU đã ban hành và công bố các văn bản quy định về cơ chế hạn ngạch thuế quan theo EVFTA. Xem cụ thể nội dung các văn bản này tại địa chỉ: xxxxxxxxxxx.xx >> Mục Vấn đề nóng EVFTA >> Ấn phẩm – Tài liệu
6. Cam kết của Việt Nam về thuế quan đối với hàng hóa của EU
Biểu cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam được quy định tại Tiểu phụ lục 2-A-2, Chương 2 của EVFTA. Theo đó, Việt Nam cam kết thuế ưu đãi theo từng dòng thuế và áp dụng thống nhất cho hàng hóa đến từ bất kỳ nước Thành viên EU nào.
Trong tổng thể, Việt Nam cam kết thuế ưu đãi cho hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam theo lộ trình như sau:
- Loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của EU sang Việt Nam;
- Sau 07 năm, sẽ loại bỏ thuế quan đối với tổng cộng 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam;
- Sau 10 năm, sẽ loại bỏ thuế quan đối với tổng cộng 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam;
- Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan (đường, muối, trứng gia cầm và thuốc lá…), hoặc không cam kết cắt giảm thuế quan (một số sản phẩm ô tô).
Bảng - Tóm tắt cam kết thuế quan của Việt Nam dành cho một số sản phẩm xuất khẩu của EU
Cam kết | Cam kết thuế quan của Việt Nam dành cho EU |
Máy móc, thiết bị | 61% dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. |
Thuế nhập khẩu của số còn lại sẽ được đưa về 0% với lộ trình tối đa 10 năm. | |
Ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy | Ô tô: Đa số có lộ trình dài, xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 9-10 năm hoặc không xóa bỏ thuế |
Phụ tùng ô tô: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm | |
Xe máy: - xe máy trên 150 cm3 xóa bỏ thuế sau 7 năm - xe máy khác xóa bỏ thuế sau 10 năm | |
Đồ uống có cồn | Rượu vang và rượu mạnh: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm |
Bia: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm | |
Các loại thịt sống | Thịt lợn: - thịt lợn đông lạnh: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm - thịt khác: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 9 năm |
Thịt gà: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm |
Thịt bò: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 3 năm | |
Dược phẩm | Khoảng 71% xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực |
Phần còn lại xóa bỏ thuế nhập khẩu sau từ 5 đến 7 năm | |
Hóa chất và sản phẩm hóa chất | Khoảng 70% xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có Hiệu lực |
Phần còn lại xóa bỏ thuế nhập khẩu sau tối đa là 7 năm | |
Nguyên phụ liệu dệt may, da giày | Khoảng 80% xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Hiệp định có hiệu lực |
Phần còn lại xóa bỏ thuế nhập khẩusau từ 3 đến 5 năm | |
Sữa và sản phẩm từ sữa | Khoảng 44% xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm |
Phần còn lại xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 5 năm | |
Xăng dầu | Xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm |
Đường, Muối, Trứng gia cầm, Thuốc lá | Áp dụng hạn ngạch thuế quan, với mức thuế trong hạn ngạch được xóa bỏ dần trong vòng 11 năm, còn mức thuế ngoài hạn ngạch không có cam kết |
7. Cam kết về thuế xuất khẩu hàng hóa
Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết không áp dụng bất kỳ loại thuế, phí xuất khẩu nào trừ các trường hợp được bảo lưu rõ (thực tế chỉ có Việt Nam có bảo lưu về vấn đề này, EU không có bảo lưu nào).
Như vậy, trừ các trường hợp có bảo lưu (của Việt Nam), Việt Nam và EU sẽ không áp dụng loại thuế, phí nào riêng đối với hàng xuất khẩu mà không áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa, không áp dụng mức thuế, phí đối với hàng xuất khẩu cao hơn mức áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa.
Theo bảo lưu của Việt Nam trong EVFTA, đối với 603 dòng thuế xuất khẩu hiện hành của Việt Nam, Việt Nam sẽ:
- Giữ nguyên mức thuế 0% hiện hành đối với 134 dòng thuế;
- Loại bỏ thuế xuất khẩu đối với 412 dòng thuế sau 5, 7, 10, 12 hoặc 15 năm;
- Bảo lưu thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, gồm các sản phẩm như cát, đá phiến, đá granit, một số loại quặng và tinh quặng, dầu thô, than đá, than cốc, vàng,... Trong đó giới hạn thuế xuất khẩu ở 20% đối với 56 dòng thuế sau 05 năm, riêng với quặng măng-gan (mangan) thì giới hạn là 10%.
8. Cam kết về đình chỉ ưu đãi thuế quan đối với một loại hàng hóa
Bên cạnh từ chối ưu đãi thuế quan cho từng lô hàng cụ thể (ví lý do như gian lận chứng từ xuất xứ), theo EVFTA, nước nhập khẩu còn có thể tạm thời đình chỉ (tạm ngừng) ưu đãi thuế quan đối với toàn bộ các lô hàng liên quan tới một/một số loại hàng hóa.
Cụ thể, nước nhập khẩu có thể tạm ngừng ưu đãi thuế quan đối với một loại hàng hóa nhất định (không phân biệt của nhà xuất khẩu nào, thuộc lô hàng nào) trong các trường hợp sau:
- Phát hiện vi phạm hải quan một cách có hệ thống liên quan đến cam kết ưu đãi thuế quan trong EVFTA;
- Phát hiện Bên kia không tuân thủ một cách có hệ thống việc thực hiện công tác giám sát, truy gốc, hậu kiểm, xuất xứ.
Việc đình chỉ ưu đãi thuế quan phải tuân thủ quy trình sau:
Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu sau khi kiểm tra phát hiện và kết luận là có tình huống có thể đình chỉ ưu đãi thuế quan
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để trao đổi. Nếu sau 30 ngày mà hai Bên không tìm được giải pháp xử lý thì Nước nhập khẩu thông báo cho Ủy ban thương mại của EVFTA về việc này.
Bước 3: Ủy ban Thương mại của EVFTA thảo luận khuyến nghị giải pháp xử lý giữa hai Bên. Nếu sau 60 ngày mà không tìm được giải pháp chung thì Nước nhập khẩu có quyền ra quyết định tạm đình chỉ ưu đãi thuế quan.
Thời hạn đình chỉ tạm thời ưu đãi thuế quan được nêu trong quyết định của Nước nhập khẩu nhưng không được quá ba tháng. Nếu sau ba tháng mà tình huống liên quan vẫn tiếp diễn, thì sau khi tham vấn Ủy ban Thương mại, Nước nhập khẩu có thể gia hạn thêm ba tháng nữa.
II. Cam kết về các vấn đề khác có liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hóa
1. Cam kết về về quy chuẩn kỹ thuật liên quan tới ghi nhãn hàng hóa
EVFTA có một số cam kết cụ thể về TBT liên quan tới ghi nhãn hay dấu hiệu trên hàng hóa, trong đó đáng chú ý có cam kết:
- Thông tin bắt buộc phải có trên dấu, nhãn hàng hóa chỉ bao gồm các thông tin có ý nghĩa đối với người tiêu dùng/người sử dụng sản phẩm, hoặc thông tin về sự phù hợp của sản phẩm với các quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc;
- Trừ trường hợp vì lợi ích công cộng, nếu hàng hóa đã đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc liên quan thì không bắt buộc phải đăng ký hay xin phê duyệt nhãn hoặc dấu của hàng hóa đó trước khi lưu hành trên thị trường;
- Phải cho phép thực hiện gắn, bổ sung nhãn mác tại một địa điểm được chấp thuận trên lãnh thổ nước nhập khẩu (ví dụ kho ngoại quan tại cửa khẩu đến), tuy nhiên có thể yêu cầu giữ (không gỡ bỏ) nhãn cũ trên sản phẩm;
- Cho phép ghi thông tin bằng các ngôn ngữ bổ sung khác ngoài ngôn ngữ theo yêu cầu của nước nhập khẩu, hoặc bổ sung các thuật ngữ, chữ tượng hình, biểu tượng hoặc hình ảnh được chấp thuận quốc tế và các thông tin khác ngoài thông tin yêu cầu bởi nước nhập khẩu;
- Khuyến khích việc chấp thuận các loại dấu, nhãn mác không cố định, có thể tách/bóc ra khỏi hàng hóa hoặc các dạng nhãn mác đi kèm các tài liệu liên quan khác mà không gắn trực tiếp vào hàng hóa.
Bên cạnh đó, EVFTA cũng có một cam kết đặc biệt liên quan tới quyền ghi nhãn của hàng hóa EU xuất khẩu sang Việt Nam. Cụ thể, đối với hàng hóa phi nông sản (trừ dược phẩm), Việt Nam có cam kết rằng nếu pháp luật Việt Nam yêu cầu buộc phải có thông tin về nước xuất xứ thì việc doanh nghiệp ghi trên nhãn sản phẩm là “Made in EU” hoặc “Sản xuất tại EU” được coi là đã thỏa mãn yêu cầu này.
2. Cam kết về thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu
Hợp pháp hóa lãnh sự là thủ tục xin cơ quan đại diện của nước nhập khẩu tại nước xuất khẩu xác nhận lại các giấy tờ phát hành bởi các chủ thể tại nước xuất khẩu. Đây là thủ tục gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của doanh nghiệp và gây ra nhiều vướng mắc trong quy trình xuất nhập khẩu, đặc biệt trong một số lĩnh vực được cho là “nhạy cảm” (ví dụ nhập khẩu phương tiện vận tải, một số loại máy móc thiết bị đặc biệt…).
Theo cam kết trong EVFTA, sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (tức là từ 01/08/2022), Việt Nam và EU sẽ phải loại bỏ tất cả các yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ phải xuất trình hải quan khi làm thủ tục xuất nhập khẩu.
3. Cam kết về các biện pháp hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu
Về nguyên tắc, trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết không áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất khẩu nào đối với thương mại hàng hóa giữa hai Bên (bao gồm cả các điều kiện xuất khẩu dựa trên tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ nhập khẩu và các biện pháp hạn chế xuất khẩu tự nguyện) ngoại trừ các trường hợp bảo lưu (tức là các ngoại lệ, cho phép giữ/áp dụng một số biện pháp cấm/hạn chế).
Đối với các trường hợp bảo lưu, Việt Nam và EU cam kết bảo đảm minh bạch hóa các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu mà mình áp dụng.
Các trường hợp Việt Nam bảo lưu quyền hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu được nêu tại Tiểu phụ lục 2-A-4, Chương 2 EVFTA, theo đó Việt Nam bảo lưu:
- Các biện pháp hạn chế/cấm nhập khẩu áp dụng với một số loại hàng hóa được liệt kê, bao gồm: phương tiện vận tải tay lái nghịch; hàng hóa đã qua sử dụng (quần áo, đồ điện tử, thiết bị y tế…); phương tiện vận tải và phụ tùng đã qua sử dụng; sản phẩm/vật liệu có chứa amiăng; máy và chương trình phần mềm mật mã chuyên dụng để bảo vệ bí mật Nhà nước.
- Các biện pháp hạn chế/cấm xuất khẩu áp dụng với: gỗ tròn và gỗ xẻ khai thác từ rừng tự nhiên; các máy và chương trình phần mềm mật mã chuyên dụng để bảo vệ bí mật nhà nước.
Tuy nhiên, nếu trong tương lai Việt Nam sửa đổi pháp luật hoặc có cam kết ưu đãi với bất kỳ đối tác thương mại nào về việc thu hẹp danh mục hàng hóa áp dụng bảo lưu trên thì việc này cũng tự động áp dụng cho EU.
4. Cam kết về cơ chế đối với các doanh nghiệp thương mại Nhà nước
Doanh nghiệp thương mại Nhà nước (State Trading Enterprises) là các doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân được Nhà nước chỉ định/lựa chọn giao đặc quyền/độc quyền xuất nhập khẩu một số loại hàng hóa nhất định. Trong WTO, Việt Nam bảo lưu quyền được duy trì các doanh nghiệp thương mại Nhà nước nhưng chỉ bao gồm các doanh nghiệp đã có tên trong danh sách bảo lưu, và với các loại hàng hóa nêu tương ứng.
Trong EVFTA, Việt Nam vẫn được duy trì các trường hợp này, và vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của WTO về các doanh nghiệp thương mại Nhà nước (về cách thức quản lý các doanh nghiệp này, về các nguyên tắc cạnh tranh và đối xử công bằng mà các doanh nghiệp này phải tuân thủ…).
Ngoài ra, EVFTA bổ sung thêm nghĩa vụ minh bạch thông tin của một Bên khi Bên kia có yêu cầu cung cấp thông tin về các doanh nghiệp thương mại nhà nước cụ thể (bao gồm cả thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp này cũng như quan hệ song phương của họ). Tất nhiên, nghĩa vụ này không buộc Việt Nam hay EU phải tiết lộ các thông tin bí mật có thể ảnh hưởng bất lợi tới các lợi ích công cộng hay lợi ích thương mại hợp pháp của các doanh nghiệp này.
5. Cam kết về hàng tân trang (remanufactured goods)
Hàng tân trang trong EVFTA được xác định là hàng hóa thuộc Chương 84, 85, 87, 90 và 9402 có một phần hoặc toàn bộ các bộ phận là từ hàng hóa đã qua sử dụng nhưng có tính năng, điều kiện hoạt động, tuổi thọ sử dụng và bảo hành tương tự sản phẩm mới.
Cam kết của cả Việt Nam và EU trong EVFTA đối với hàng tân trang như sau:
- Cam kết áp dụng cơ chế đối với hàng tân trang phải tương tự như áp dụng đối với sản phẩm mới (được phép nhập khẩu, được hưởng ưu đãi thuế quan nếu có chứng nhận xuất xứ theo EVFTA…);
- Mỗi Bên có quyền đặt ra các yêu cầu riêng về dán nhãn đối với hàng tân trang để người mua không nhầm lẫn;
- Thời điểm bắt đầu thực hiện cam kết về hàng tân trang là sau không quá 03 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Tuy nhiên, các cam kết về hàng tân trang nêu trên sẽ không áp dụng cho một số loại hàng hóa được liệt kê tại Phụ lục 2-A-5 Chương 2, ví dụ:
- Chương 84: Một số loại quạt, máy điều hòa không khí, tủ lạnh, tủ kết đông, máy in, máy giặt, lò nướng công nghiệp…
- Chương 85: Một số loại thiết bị cơ điện gia dụng, máy cạo, tông đơ, ấm đun siêu tốc, phích điện, điện thoại (cố định hoặc di động), micro, thiết bị ghi âm, thiết bị phát thanh vô tuyến truyền hình, camera truyền hình…
- Chương 87: Ô tô từ 10 chỗ trở lên, ô tô đua, ô tô chở người có khoang hành lý, ô tô chở hàng…
6. Cam kết về hàng sửa chữa (repaired goods)
Hàng sửa chữa trong EVFTA được hiểu là hàng hóa trải qua quy trình để khắc phục các lỗi hoạt động (operating error) hoặc các hư hại đáng kể (material damage), đưa hàng hóa trở lại chức năng ban đầu hoặc bảo đảm tuân thủ với các yêu cầu kỹ thuật để sử dụng. Hàng sửa chữa bao gồm cả hàng hóa được phục chế hoặc bảo trì.
Liên quan đến loại hàng hóa này trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết:
- Không áp dụng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa (dù là xuất xứ nào) được tái nhập khẩu trở lại sau khi đã được xuất khẩu tạm thời sang lãnh thổ Bên kia để sửa chữa (kể cả khi Bên mình đủ có năng lực để sửa chữa sản phẩm đó);
- Không áp dụng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu từ Bên kia vào lãnh thổ mình để phục vụ mục đích sửa chữa.
Chú ý, những trường hợp sau đây sẽ không được coi là “hàng sửa chữa”:
- Hàng trải qua quá trình phá hủy các đặc tính cơ bản của hàng hóa hoặc tạo ra một hàng hóa mới hoặc hàng hóa khác hẳn về thương mại;
- Hàng trải qua quá trình chuyển đổi từ hàng chưa hoàn chỉnh thành hàng hoàn chỉnh;
- Hàng hóa trải qua quá trình cải thiện, nâng cấp đặc tính kỹ thuật.
7. Cam kết phi thuế về dược phẩm và trang thiết bị y tế
EVFTA có một số các cam kết riêng (ngoài thuế quan) chỉ áp dụng cho dược phẩm và trang thiết bị y tế. Cụ thể, trong EVFTA, các cam kết phi thuế đặc biệt liên quan tới dược phẩm và trang thiết bị y tế được nêu tại:
- Lời văn Chương 2: Bao gồm 01 Điều khoản riêng về dược phẩm (Điều 2.15 – Các quyền thương mại và quyền khác liên quan tới dược phẩm) - Cam kết này chỉ áp dụng cho Việt Nam;
- Phụ lục 2-C Chương 2: Bao gồm một số cam kết cụ thể về các biện pháp phi thuế áp dụng trong quản lý nhập khẩu đối với dược phẩm và trang thiết bị y tế - Cam kết này áp dụng chung cho cả Việt Nam và EU;
- Lời văn Chương 12: Bao gồm 01 Điều khoản riêng về sáng chế đối với dược phẩm;
- Phụ lục Chương 9: Bao gồm cam kết về mở cửa thị trường mua sắm công đối với dược phẩm.
Dưới đây là một số cam kết đáng chú ý liên quan tới biện pháp phi thuế đối với dược phẩm, trang thiết bị y tế trong EVFTA:
- Về các tiêu chuẩn: Việt Nam và EU cam kết xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đối với dược phẩm và trang thiết bị y tế dựa trên các tiêu chuẩn, thông lệ và hướng dẫn quốc tế liên quan trừ trường hợp chứng minh được một cách khoa học là các tiêu chuẩn, thông lệ, hướng dẫn này không phù hợp hoặc không hiệu quả để thực hiện các mục tiêu hợp pháp của mình;
- Về thủ tục cấp phép lưu hành: Việt Nam cam kết bãi bỏ yêu cầu về khoảng thời gian tối thiểu giữa thời điểm cấp phép tại EU và thời điểm xin phép lưu hành tại Việt Nam; bãi bỏ các yêu cầu vượt quá thông lệ quốc tế về nghiên cứu lâm sàng (đặc biệt là thông lệ của Hội đồng quốc tế về hài hòa các thủ tục đăng ký dược phẩm sử dụng cho con người - ICH);
- Về minh bạch: Việt Nam và EU cam kết minh bạch hóa các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, tiêu chí và thủ tục liên quan tới việc định giá, niêm yết giá, bồi hoàn hoặc quản lý dược phẩm và thiết bị y tế;
- Về quyền kinh doanh: Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhập khẩu các dược phẩm đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không được tham gia bán buôn hay bán lẻ dược phẩm nhập khẩu mà chỉ được bán lại cho nhà phân phối hoặc nhà bán buôn được phép phân phối dược phẩm ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp này cũng được phép xây dựng kho để bảo quản dược phẩm nhập khẩu, thực hiện nghiên cứu lâm sàng/kiểm nghiệm để đảm bảo dược phẩm phù hợp với tiêu dùng nội địa của Việt Nam phù hợp với quy định của Bộ Y tế Việt Nam, thực hiện giới thiệu thông tin về thuốc nhập khẩu cho nhân viên y tế phù hợp với quy định của Bộ Y tế hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam
- Về sở hữu trí tuệ:
o Cam kết đền bù thời gian chậm trễ: Theo quy định, thuốc được cấp bằng sáng chế muốn lưu hành trên thị trường phải được cấp phép lưu hành. Cam kết trong EVFTA là nếu việc cấp phép lưu hành bị chậm trễ một cách bất hợp lý (quá 2 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp phép), khiến thời gian khai thác thương mại của thuốc được bảo hộ độc quyền bị rút ngắn (do hết thời hạn bảo hộ độc quyền) thì cơ quan có thẩm quyền phải có biện pháp đền bù bằng cách gia hạn thời gian bảo hộ độc quyền cho chủ sở hữu sáng chế theo
một trong hai cách: (i) thời gian cấp phép lưu hành hợp lý là 02 năm, chậm quá 02 năm đó thì chậm bao nhiêu thời gian thì đền bù bấy nhiêu thời gian nhưng tổng thời gian đền bù không quá 02 năm; hoặc (ii) thời gian gia hạn bằng khoảng thời gian từ lúc nộp đơn đến khi được cấp phép lưu hành lần đầu tiên trừ đi 05 năm nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 05 năm, và có thể kéo dài thêm 6 tháng trong trường hợp cụ thể.
o Cam kết về bảo hộ dữ liệu độc quyền: Cam kết không tiết lộ và bảo mật các dữ liệu thử nghiệm bí mật/dữ liệu khác được nộp cho cơ quan Nhà nước để xin cấp phép lưu hành dược phẩm trong vòng ít nhất 05 năm, không cho phép người nộp đơn sau đó cho cùng loại dược phẩm được dựa vào các thông tin, dữ liệu này để xin cấp phép lưu hành trừ khi được phép của người đã nộp thông tin, dữ liệu trước đó.
Chú ý, các cam kết về sở hữu trí tuệ nói chung và liên quan tới dược phẩm nói riêng trong EVFTA sẽ được áp dụng chung cho dược phẩm từ tất cả các nguồn chứ không chỉ riêng của EU hay Việt Nam.
8. Cam kết phi thuế đối với ô tô, xe máy và linh kiện
Phụ lục 2-B – Phương tiện cơ giới và Thiết bị, phụ tùng của Phương tiện cơ giới thuộc Chương 2 EVFTA có quy định về các biện pháp phi thuế riêng đối với ô tô, xe máy và thiết bị, phụ tùng của các sản phẩm này mà phần lớn là các cam kết về TBT.
Cụ thể, theo Phụ lục 2-B Chương 2, Việt Nam và EU cam kết:
− Công nhận quy định UNECE là tiêu chuẩn quốc tế đủ để bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người trong lĩnh vực phương tiện cơ giới và thiết bị, phụ tùng;
− Không đưa ra các TBT nội địa mới khác với các tiêu chuẩn theo UNECE trừ khi chứng minh được từ góc độ khoa học kỹ thuật rằng các tiêu chuẩn UNECE là không thích hợp, không hiệu quả đối với mình – và trong trường hợp này phải bảo đảm nghĩa vụ thông báo, giải trình lý do cũng như phải xem xét định kỳ lại các TBT nội địa này;
− Việt Nam công nhận các chứng nhận được thực hiện theo các nguyên tắc của Hiệp định UNECE 1958 (hệ thống tiêu chuẩn thông qua bởi Ủy ban Kinh tế của Liên Hợp Quốc về châu Âu) do EU cấp đối với một số loại sản phẩm phương tiện cơ giới và phụ tùng. EU cũng cam kết tương tự với chứng nhận do Việt Nam cấp sau khi Việt Nam gia nhập UNECE 1958.
Việt Nam hiện chưa là thành viên của Hiệp định UNECE 1958, do đó Phụ lục 2-B có một số cam kết chỉ áp dụng riêng cho Việt Nam, ví dụ:
− Khuyến khích Việt Nam gia nhập UNECE 1958;
− Việt Nam cam kết chấp nhận các xe nguyên chiếc loại M1 (theo định nghĩa UNECE) đã được EU cấp Chứng nhận kiểu loại xe nguyên chiếc quốc tế UNECE hợp lệ là phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật nội địa của Việt Nam (mà không yêu cầu thử nghiệm thêm). Nhà nhập khẩu kiểu xe đó lần đầu sẽ phải nộp kèm Chứng nhận nói trên trong hồ sơ nhập khẩu;
− Từ năm thứ 5 đến năm thứ 12, Việt Nam cam kết chấp nhận Chứng nhận hợp chuẩn cho toàn xe hợp lệ của EU…