HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Tóm tắt Chương 12 – Sở hữu trí tuệ
Chương 12 EVFTA tập trung tất cả các cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định này. Đây là Chương lớn của EVFTA, với nhiều cam kết tập trung vào 03 nhóm
(i) các vấn đề chung; (ii) các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT cụ thể; (iii) các biện pháp thực thi quyền SHTT.
Sau đây là tóm tắt một số cam kết đáng chú ý:
1. Nhóm các cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT)
Về nội dung, có thể phân nhóm các cam kết trong Chương 12 EVFTA thành 03 nhóm chủ yếu, gồm:
Nhóm các nguyên tắc chung
- Nguyên tắc Phù hợp WTO: EVFTA nhấn mạnh việc tiếp tục các cam kết về SHTT trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (Hiệp định TRIPS)
- Nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN): Việt Nam và EU cam kết dành cho công dân của nhau mức bảo hộ SHTT không kém hơn mức bảo hộ dành cho công dân của bất kỳ một nước thứ ba nào khác ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ theo Điều 4, 5 TRIPS (bảo hộ theo hiệp định tư pháp quốc tế, bảo hộ các quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất chương trình, nhà phát sóng mà không được quy định trong TRIPS…)
- Nguyên tắc cạn quyền: Việt Nam và EU được quyền tự do quy định về cạn quyền SHTT, miễn là phù hợp với TRIPS
Trên cơ bản thì các nguyên tắc này không tạo ra thay đổi gì lớn trong nghĩa vụ của Việt Nam về vấn đề này ngoài nguyên tắc về MFN, theo đó nếu Việt Nam có cam kết mức nào cao hơn bảo hộ SHTT cho bất kỳ đối tác nào trong các Thỏa thuận hiện tại (ví dụ CPTPP) hoặc tương lai thì cũng phải cho đối tác EU hưởng mức tương tự.
Nhóm các cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT cụ thể
Nhóm này bao gồm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ cụ thể đối với từng loại trong số 08 đối tượng quyền SHTT (quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng).
Phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của TRIPS. Tuy nhiên, EVFTA cũng bổ sung thêm một số tiêu chuẩn bảo hộ mới, cụ thể, ở từng đối tượng quyền SHTT.
Nhóm các cam kết liên quan đến các biện pháp thực thi quyền SHTT
Thực thi quyền SHTT luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tế thi hành pháp luật về SHTT, vì vậy cũng là chủ đề được phía EU chú trọng đàm phán trong EVFTA. Về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, theo hướng:
- Trao quyền cao hơn cho các cơ quan thực thi (đặc biệt là cơ quan hải quan và cơ quan có thẩm quyền khác tại biên giới) và chủ sở hữu quyền.
- Nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.
2. Cam kết về Chỉ dẫn địa lý
Các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA khá đồ sộ, với nội dung đặc thù, không giống các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong các Hiệp định, thỏa thuận về SHTT. Cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA cũng có phạm vi áp dụng đặc thù, trong khi các cam kết liên quan tới các đối tượng SHTT khác trong EVFTA có phạm vi áp dụng chung cho tất cả các nhóm chủ thể.
Về đối tượng bảo hộ, các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA chỉ áp dụng đối với 03 nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ lãnh thổ Việt Nam hoặc EU sau:
- Rượu vang, rượu mạnh
- Nông sản
- Thực phẩm.
Trên thực tế thì 03 nhóm này cũng bao quát gần như phần lớn các sản phẩm có thể là đối tượng của chỉ dẫn địa lý.
Về cơ chế bảo hộ, tuy không đề cập trực tiếp nhưng EVFTA yêu cầu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng (quy trình công nhận chỉ dẫn địa lý), độc lập với cơ chế bảo hộ “nhãn hiệu”.
Về mối quan hệ với nhãn hiệu, EVFTA ghi nhận quyền được bảo hộ của các nhãn hiệu dù có tên gọi giống với chỉ dẫn địa lý nhưng đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp trước thời điểm EVFTA có hiệu lực hoặc trước ngày đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó được nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Về các trường hợp được bảo hộ đương nhiên, Phụ lục 12-A, Chương 12 EVFTA liệt kê 169 chỉ dẫn địa lý của EU và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam mà hai Bên cam kết bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại… như quy trình thông thường. Trong tương lai, danh mục các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đương nhiên này có thể được rà soát lại bởi Nhóm công tác về SHTT (trong đó có chỉ dẫn địa lý) của EVFTA.
EVFTA quy định các quy tắc bảo hộ riêng đối với các chỉ dẫn địa lý đương nhiên này, ví dụ Việt Nam và EU phải có biện pháp pháp lý để chủ thể quyền thực hiện việc:
- Ngăn cản việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm không xuất phát từ khu vực địa lý của nước xuất xứ được liệt kê, hoặc xuất phát từ nước xuất xứ nhưng không được sản xuất/gia công phù hợp với pháp luật nước xuất xứ (ngoại lệ với một số chỉ dẫn như “Asiago”, “Fontina”, “Gorgonzola”, “Feta”; với “Champagne” thì nghĩa vụ này được hoãn 10 năm với Việt Nam);
- Ngăn cản việc sử dụng trình bày trên nhãn mác hoặc giới thiệu theo cách khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ của sản phẩm vốn không có xuất xứ tại đó;
- Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới chỉ dẫn địa lý đó.
Bảng – Các chỉ dẫn địa lý Việt Nam được bảo hộ đương nhiên theo EVFTA
1. Nước mắm Phú Quốc 2. Trà Mộc Châu 3. Hạt cà phê Buôn Ma Thuột 4. Bưởi Đoan Hùng 5. Thanh long Bình Thuận 6. Hoa hồi Lạng Sơn 7. Vải Thanh Hà 8. Nước mắm Phan Thiết | 14. Xoài Hòa Lộc 15. Chuối Đại Hoàng 16. Vỏ quế Văn Yên 17. Mắm tôm Hậu Lộc 18. Hồng không hạt Bắc Kạn 19. Bưởi Phúc Trạch 20. Gạo Bảy Núi 21. Hạt dẻ Trùng Khánh 22. Mãng cầu Bà Đen 23. Cói khô Nga Sơn 24. Vỏ quế Trà My | 27. Hồng không hạt Bảo Lâm 28. Quýt Bắc Kạn 29. Xoài Yên Châu 30. Mật ong bạc hà Mèo Vạc 31. Bưởi Bình Minh 32. Mực nướng xắt miếng Hạ Lọng 33. Muối Bạc Liêu 34. Bưởi Luận Văn 35. Hoa Mai Vàng Yên |
9. Gạo Hải Hậu 10. Cam Vinh 11. Trà Tân Cương 12. Gạo Hồng Dân 13. Vải Lục Ngạn | 25. Nho Ninh Thuận 26. Bưởi Tân Triều | Tử 36. Sò Quảng Ninh 37. Gạo Điện Biên 38. Vú sữa Vĩnh Kim 39. Xxx Xxx Xxxxx |
Về cơ chế đăng ký và bảo hộ thông thường, theo EVFTA, Việt Nam và EU phải thiết lập cơ chế đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho ít nhất là 03 nhóm đối tượng thuộc diện điều chỉnh bảo đảm các yêu cầu:
- Phải có một hệ thống đăng ký liệt kê rõ các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ trên lãnh thổ của mình;
- Quy trình thẩm định hành chính để đưa hoặc duy trì một chỉ dẫn địa lý trên hệ thống đăng ký phải cho phép xác định được một sản phẩm có xuất xứ tại một khu vực địa lý nhất định và có chất lượng, uy tín, đặc điểm đặc thù chủ yếu nhờ vào việc sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý đó;
- Phải có quy trình cho phép các tổ chức, cá nhân có lợi ích liên quan được lên tiếng phản đối và được lắng nghe;
- Phải có quy trình cho phép điều chỉnh, hoặc đưa ra khỏi hệ thống đăng ký sau khi cân nhắc các ý kiến phản đối của các bên có lợi ích cũng như ý kiến phản biện của chủ thể quyền.
Về việc thực thi, EVFTA yêu cầu Việt Nam và EU phải có cơ chế pháp lý cho phép ngăn chặn việc sản xuất, đóng gói, mua bán, quảng cáo sai, lừa đảo hoặc gây hiểu nhầm về nguồn gốc của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. EVFTA đồng thời cũng nhấn mạnh các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng liên quan theo pháp luật nước sở tại.
3. Cam kết về Quyền tác giả và các quyền liên quan
EVFTA có cam kết cụ thể về nội dung và phạm vi các quyền được bảo hộ và các chủ thể được bảo hộ quyền liên quan tới khía cạnh quyền tác giả và quyền liên quan.
Trong số các cam kết này có một số nội dung đáng chú ý, với mức bảo hộ cao hơn TRIPS và pháp luật Việt Nam trước đó:
- Trong vòng 03 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, Việt Nam phải tham gia 02 hiệp định của WIPO về quyền tác giả và quyền liên quan mà hiện Việt Nam chưa phải là thành viên, bao gồm: WIPO Copyright Treaty (WCT) và WIPO
Performances and Phonograms Treaty (WPPT). Nói cách khác, Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ trong 02 Hiệp định này;
- Một số quy định chi tiết về quyền tác giả và quyền liên quan (ví dụ quyền sao chép, quyền phân phối, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất, định nghĩa bản sao, hình thức chuyển quyền sở hữu…) mà pháp luật hiện hành chưa quy định rõ;
- Định nghĩa chi tiết hơn và mở rộng phạm vi các hành vi bị coi là xâm phạm các biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả (PTMs) và các thông tin quản lý quyền (RMI) so với quy định của pháp luật hiện hành;
- Có thể quy định về quyền của nghệ sỹ đối với việc bán lại tác phẩm (tác giả có quyền nhận một khoản tiền bản quyền dựa trên giá bán cho mỗi lần bán lại nào bởi những người mua tác phẩm sau này).
4. Cam kết về Nhãn hiệu
So với TRIPS và pháp luật Việt Nam, cam kết về nhãn hiệu trong EVFTA có một số cam kết mới đáng chú ý sau đây:
- Về thủ tục đăng ký nhãn hiệu: Nếu từ chối đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối;
- Về hệ thống cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu: Việt Nam phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử công khai về các đơn đăng ký nhãn hiệu đã công bố và các nhãn hiệu đã đăng ký;
- Căn cứ thu hồi nhãn hiệu: Tiêu chí về việc không sử dụng “thực sự” nhãn hiệu trong vòng 05 năm liên tục kể từ ngày đăng ký;
- Ngoại lệ về quyền sử dụng các thuật ngữ có tính mô tả trong một nhãn hiệu đã đăng ký bởi bất kỳ ai khác miễn là việc sử dụng đó là trung thực, phù hợp với thực tiễn thương mại.
5. Cam kết về Kiểu dáng công nghiệp
So với TRIPS và pháp luật Việt Nam, cam kết về kiểu dáng công nghiệp trong EVFTA có một số điểm mới đáng chú ý sau đây:
- Việt Nam phải gia nhập và bảo đảm thực thi các quy định của Hiệp định Hague (La Hay) về Đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp;
- Đối tượng được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không chỉ bao gồm Kiểu dáng tổng thể của sản phẩm hoàn chỉnh mà cả Kiểu dáng của linh kiện, bộ phận của
sản phẩm nếu đó là linh kiện, bộ phận đó có thể nhìn thấy được trong quá trình sử dụng thông thường của sản phẩm;
- Kiểu dáng công nghiệp phải được xem như một đối tượng có thể được bảo hộ theo quyền tác giả;
- Không bảo hộ các kiểu dáng đương nhiên/bắt buộc (do chức năng hoặc yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi).
6. Cam kết về Sáng chế
So với TRIPS và pháp luật Việt Nam, cam kết về Sáng chế trong EVFTA có một số điểm mới đáng chú ý sau đây:
- Quyền áp dụng Tuyên bố DOHA để tiếp cận những sáng chế về dược phẩm phục vụ cho lợi ích cộng đồng (đặc biệt là các ngoại lệ về quyền sử dụng các sáng chế dược phẩm);
- Nghĩa vụ “bù đắp” về thời hạn bảo hộ cho các trường hợp thời gian bảo hộ sáng chế đối với dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm (Xem Câu hỏi về Dược phẩm).
7. Cam kết về giới hạn miễn trách của những nhà cung cấp dịch vụ trên Internet
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet, liên quan tới các trường hợp vi phạm quyền SHTT trên mạng viễn thông liên quan tới việc cung cấp và sử dụng dịch vụ của họ, EVFTA có một số cam kết về giới hạn miễn trách của các nhà cung cấp dịch vụ về các vi phạm này với một số nội dung mới đáng chú ý sau:
- Về các trường hợp miễn trách: trong khi pháp luật Việt Nam quy định về các trường hợp buộc phải chịu trách nhiệm (suy đoán là các trường hợp khác sẽ không phải chịu trách nhiệm) thì EVFTA lại quy định về các trường hợp bắt buộc phải được loại trừ hoặc miễn trách;
- Về quyền quy định của Nhà nước: Việt Nam và EU có quyền quy định về (i) các điều kiện hưởng/không được hưởng miễn trách (nhưng không bao gồm điều kiện nhà cung cấp dịch vụ phải quản lý dịch vụ của mình hay phải tìm kiếm bằng chứng chứng minh vi phạm SHTT); (ii) các thủ tục bảo đảm thông báo hiệu quả về hành vi nghi ngờ vi phạm SHTT và thông báo phản hồi;
- Tòa án hoặc cơ quan quản lý có quyền yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ trung gian phải chấm dứt hoặc ngăn chặn một hành vi vi phạm SHTT.
Bảng – Các trường hợp miễn trách đối với nhà cung cấp dịch vụ trung gian với các vi phạm SHTT trên không gian mạng trong EVFTA
Trường hợp miễn trách | Điều kiện |
Chỉ cung cấp dịch vụ truyền dẫn | Nhà cung cấp dịch vụ trung gian chỉ: - Truyền dẫn các thông tin do người sử dụng dịch vụ cung cấp, hoặc - Cung cấp truy cập mạng viễn thông |
Chỉ lưu trữ tự động, trung gian và tạm thời | Nhà cung cấp dịch vụ trung gian chỉ lưu trữ thông tin tạm thời cho người sử dụng dịch vụ mà: - Không thay đổi thông tin (trừ khi vì lý do kỹ thuật); - Tuân thủ các điều kiện về tiếp cận thông tin; - Tuân thủ các quy định liên quan đến cập nhật thông tin - Không can thiệp để có được dữ liệu về việc sử dụng thông tin - Gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập thông tin đã được lưu trữ khi biết thông tin tại nguồn truyền dẫn đã được gỡ bỏ khỏi mạng hoặc truy cập đã bị chặn; |
Cho thuê chỗ lưu trữ | Nhà cung cấp trung gian: - Không biết thông tin đó là bất hợp pháp; và - Khi biết được thông tin đó là bất hợp pháp, hành động nhanh chóng để gỡ bỏ hoặc ngăn chặn các truy cập tới thông tin đó |
8. Cam kết về Thực thi quyền SHTT
EVFTA bao gồm nhiều cam kết về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền thực thi cao hơn cho chủ sở hữu quyền và các cơ quan thực thi (đặc biệt là cơ quan hải quan và cơ quan khác tại biên giới), đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi xâm phạm các quyền SHTT.
Đặc biệt, liên quan đến việc thực thi các biện pháp dân sự, so với pháp luật Việt Nam, EVFTA có một số cam kết mới đáng chú ý sau đây:
- Về các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng để ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm: EVFTA đòi hỏi phải cho chủ sở hữu quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện
pháp này vào bất kỳ thời điểm nào (chứ không chỉ là khi hoặc sau khi đã khởi kiện vụ việc dân sự tại Tòa án), thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng có thể áp dụng mà không cần thông báo cho bên bị áp dụng biện pháp; EVFTA cũng mở rộng các tình huống/trường hợp cho phép yêu cầu biện pháp tạm thời;
- Về nghĩa vụ cung cấp bằng chứng chứng minh xâm phạm: EVFTA có quy định cụ thể về các trường hợp Tòa án được quyền yêu cầu bên bị đơn cung cấp các bằng chứng xâm phạm mà mình đang kiểm soát; thậm chí với các hành vi xâm phạm ở quy mô thương mại, theo yêu cầu của một bên, Tòa án còn có quyền yêu cầu bên kia cung cấp tài liệu giao dịch ngân hàng, tài chính hoặc thương mại thuộc kiểm soát của bên kia (với điều kiện thông tin bí mật kinh doanh phải được bảo vệ);
- Về quyền yêu cầu cung cấp thông tin: EVFTA yêu cầu Tòa án có quyền yêu cầu người xâm phạm, người bị nghi ngờ xâm phạm, hoặc bất kỳ người nào khác, phải cung cấp thông tin mà người đó đang nắm giữ hoặc kiểm soát (kể cả đối với các tổ chức, cá nhân không trực tiếp xâm phạm, ví dụ người làm dịch vụ lưu giữ, vận chuyển, quản lý hàng hóa xâm phạm…). Thông tin phải cung cấp có thể là thông tin liên quan tới người xâm phạm, tới phương tiện sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ xâm phạm;
- Về quyền của Tòa án với các hành vi xâm phạm sau phán quyết: EVFTA yêu cầu Tòa án, sau khi đã có phán quyết xác định một hành vi là xâm phạm SHTT, phải được trao quyền ban hành các lệnh cấm đối với các hành vi xâm phạm tương tự sau đó với người xâm phạm và cả người cung cấp dịch vụ cho người xâm phạm (trong khi theo pháp luật hiện hành thì Tòa án sẽ phải xét xử lại từng hành vi này và ban hành lệnh cưỡng chế sau khi xét xử);
- Về các biện pháp xử lý thay thế: EVFTA khuyến nghị Việt Nam cho phép áp dụng biện pháp bồi thường bằng tiền để thay thế cho các biện pháp chế tài khác (hành chính, hình sự…) nếu xâm phạm là không cố ý, do sơ suất và khoản bồi thường là thỏa đáng;
- Về việc xác định thiệt hại làm cơ sở để bồi thường: EVFTA khuyến khích phân biệt cách xác định thiệt hại trong trường hợp người xâm phạm biết hoặc có cơ sở để biết về việc mình đang xâm phạm và trường hợp người xâm phạm không biết rằng mình đang xâm phạm (hiện Việt Nam chưa phân biệt hai trường hợp này); có thể xác định khoản bồi thường là một khoản cố định nếu thích hợp;
- Về nguyên tắc suy đoán chủ thể quyền tác giả trong tố tụng về SHTT: XXXXX đặt ra quy tắc về suy đoán quyền, theo đó trừ khi có chứng cứ ngược lại, người có tên trên tác phẩm sẽ được suy đoán là tác giả;
- Về sự tham gia của cơ quan hải quan trong thực thi quyền SHTT tại biên giới: EVFTA yêu cầu cơ quan hải quan phải (i) tham gia tích cực vào việc ngăn chặn xâm phạm SHTT (chủ động sử dụng kỹ thuật phân tích rủi ro để phát hiện, xác định hàng hóa xuất nhập khẩu xâm phạm SHTT, dừng thông quan hàng hóa nghi ngờ xâm phạm…), (ii) hợp tác với chủ sở hữu quyền để thực hiện thực thi quyền SHTT tại biên giới (cho phép cung cấp thông tin để phân tích rủi ro).