HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
Tóm tắt Chương 28 – Giải quyết tranh chấp
Chương về Giải quyết tranh chấp, được sử dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan tới các cam kết trong khuôn khổ CPTPP giữa các nước thành viên CPTPP (gọi là Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Nhà nước).
Sau đây là tóm tắt một số nội dung cơ bản trong Cơ chế này:
Về chủ thể áp dụng, Cơ chế này chỉ sử dụng cho các Nhà nước (Chính phủ) các nước thành viên CPTPP.
Về phạm vi áp dụng, trừ các trường hợp đã loại trừ khỏi diện áp dụng của Cơ chế này một cách minh thị (trong các cam kết cụ thể ở các Chương), tất cả các cam kết trong các Chương khác của CPTPP nếu có tranh chấp giữa các nước thành viên CPTPP trong quá trình thực thi đều có thể được giải quyết bằng Cơ chế này.
Cụ thể, Cơ chế này sẽ được áp dụng để giải quyết các tranh chấp sau:
- Tranh chấp liên quan tới việc giải thích hoặc áp dụng các cam kết trong CPTPP;
- Khi một biện pháp (được áp dụng hoặc dự kiến áp dụng) của một nước thành viên được cho là không phù hợp với CPTPP;
- Khi một thành viên được cho là không thực hiện một nghĩa vụ cam kết trong CPTPP; hoặc
- Khi một thành viên cho rằng lợi ích kỳ vọng của họ đã bị làm vô hiệu hóa hoặc suy giảm bởi một biện pháp của một thành viên khác của CPTPP.
Quy trình giải quyết tranh chấp theo Cơ chế này gần giống với quy trình của Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Nhà nước trong WTO. Có thể tóm tắt quy trình này như trong Biểu đồ dưới đây:
Quy trình giải quyết tranh chấp:
Yêu cầu Tham vấn
Ban Hội thẩm (gồm 3 thành viên)
Báo cáo sơ bộ của Ban Hội thẩm
Báo cáo cuối cùng của Ban Hội thẩm
Thực thi phán quyết của Ban Hội thẩm
Báo cáo cuối cùng phải được đưa ra trong vòng 30 ngày kể từ Các bên tranh chấp phải công bố Báo cáo cuối cùng của Ban ngày đưa ra Báo cáo sơ bộ, trừ khi các bên có thỏa thuận khác Hội thẩm cho công chúng trong vòng 15 ngày kể từ ngày báo
cáo này được đưa ra
Các bên tranh chấp có 15 ngày để bình luận về các nội dung trong Báo cáo sơ bộ của Ban Hội thẩm, hoặc thời hạn khác do các bên thỏa thuận.
Ban Hội thẩm được thành lập với 3 thành viên được lựa chọn với các tiêu chí cụ thể quy định trong HIệp định.
Ban Hội thẩm có 150 ngày (hoặc 120 ngày đối với các trường hợp khẩn cấp) để xây dựng Báo cáo Sơ bộ
Nếu tham vấn không thành công, các bên có thể gửi yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm sau 60 ngày (hoặc 30 ngày đối với hàng dễ hỏng) kể từ ngày gửi yêu cầu tham vấn
Sự tham gia của công chúng và Bên thứ ba
Hiệp định cho phép sự tham gia của công chúng vào quá trình giải quyết tranh chấp. Cụ thể, công chúng được tiếp cận các văn bản mà các bên đệ trình lên Ban hội thẩm cũng như Báo cáo cuối cùng của cơ quan này; được tham dự các phiên điều trần; các tổ chức phi chính phủ có thêm quyền được yêu cầu gửi các bình luận bằng văn bản cho Ban Hội thẩm trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp.
Đáng chú ý, các Bên thứ ba là thành viên của Hiệp định nhưng không phải là một trong hai bên tranh chấp được phép tham dự các phiên điều trần, gửi các bình luận bằng văn bản và thậm chí được trình bày quan điểm trực tiếp với Ban Hội thẩm, được nhận các bản đệ trình của các bên tranh chấp.
Kết quả xử lý tranh chấp
Nếu Báo cáo cuối cùng của Ban Hội thẩm xác định rằng: (i) Biện pháp của một nước Thành viên không phù hợp với các nghĩa vụ của nước đó theo Hiệp định; hoặc (ii) Một nước Thành viên không tuân thủ một nghĩa vụ theo Hiệp định, hoặc (iii) Biện pháp mà nước Thành viên thực hiện làm vô hiệu hóa hoặc suy giảm lợi ích của thành viên khác theo CPTPP, thì nước Thành viên vi phạm sẽ có một khoảng thời gian hợp lý để sửa chữa hoặc rút lại các vi phạm đó.
Nhưng nếu nước Thành viên vi phạm không thực hiện trách nhiệm được yêu cầu trong khoảng thời gian đó, nước Thành viên thắng kiện có thể yêu cầu đền bù hoặc đình chỉ một lợi ích theo Hiệp định dành cho Thành viên vi phạm đó.
CPTPP kiểm soát việc thực thi của các thành viên như thế nào?
CPTPP quy định các cơ chế kiểm soát việc thực thi của các thành viên để đảm bảo Hiệp định được thực hiện đúng và đầy đủ.
Cụ thể, Hiệp định đưa ra nhiều hình thức kiểm soát việc thực thi của các thành viên, trong đó có việc thành lập Hội đồng Đối tác Xuyên Thái Bình Dương nhằm xem xét tất
cả các vấn đề liên quan đến việc thực thi và vận hành Hiệp định và Cơ chế giải quyết tranh tranh chấp cấp Nhà nước.
Ngoài ra, ở một số Chương của Hiệp định (ví dụ SPS, TBT, Mua sắm công, Lao động…) cũng có các hình thức đảm bảo thực thi riêng bên cạnh các hình thức chung của cả Hiệp định (các Ủy ban chuyên môn, cơ chế giải quyết tranh chấp đặc thù...).
(i) Hội đồng Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
Hội đồng Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được thành lập từ các đại diện Chính phủ (ở cấp Bộ trưởng hoặc quan chức cấp cao) của tất cả các nước Thành viên Hiệp định. Các quyết định của Ủy ban được thông qua dựa trên nguyên tắc đồng thuận (tức là phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên), trừ khi có quy định khác tại Hiệp định, hoặc khi các Bên có thỏa thuận khác.
Hội đồng này có chức năng chủ yếu là giám sát việc thực thi và vận hành của Hiệp định, bao gồm cả các chức năng mà Hội đồng bắt buộc thực hiện và các chức năng Hội đồng có thể thực hiện, ví dụ:
- Rà soát quan hệ kinh tế và đối tác giữa các thành viên sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và ít nhất mỗi 5 năm một lần sau đó;
- Xem xét các đề xuất sửa đổi hoặc bổ sung Hiệp định
- Giám sát hoạt động của tất cả các Ủy ban và nhóm công tác chuyên môn được thành lập theo Hiệp định…
(ii) Cơ chế giải quyết tranh chấp trong CPTPP
Các Cơ chế này sẽ đóng vai trò cơ bản nhất để giám sát việc thực thi CPTPP của các nước Thành viên trong trường hợp có tranh chấp phát sinh liên quan tới CPTPP.
Trong CPTPP có 03 cơ chế giải quyết tranh chấp phổ biến, bao gồm:
- Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Nhà nước giữa các nước Thành viên CPTPP: Đây là cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Nhà nước (tranh chấp phát sinh giữa
các nước thành viên CPTPP) trong việc thực hiện các nghĩa vụ theo CPTPP, áp dụng cho hầu hết tất cả các Chương của CPTPP
- Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước - nhà đầu tư nước ngoài: Đây là cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh giữa Nhà nước nơi nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước CPTPP khác, áp dụng riêng cho Chương Đầu tư của CPTPP
- Các nội dung liên quan tới cơ chế giải quyết tranh chấp song phương (ví dụ Chương Lao động, trong Thư song phương giữa Việt Nam và 10 nước đối tác CPTPP, Việt Nam đạt được thỏa thuận bảo lưu riêng về thời hạn sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp cũng như cách thức sử dụng biện pháp trừng phạt trong một số tranh chấp lao động cụ thể).
Lưu ý với doanh nghiệp
So với các cơ chế đảm bảo thực thi của WTO thì các cơ chế đảm bảo thực thi trong CPTPP đa dạng hơn và chặt chẽ hơn. Điều này tạo cho các nước thành viên CPTPP khả năng giám sát tốt hơn việc thực thi CPTPP của các nước khác, đồng thời cũng đặt mỗi nước CPTPP dưới sức ép phải thực thi đúng CPTPP.
Đối với các doanh nghiệp, điều này mang đến cả thuận lợi và bất lợi.
- Điểm thuận lợi là nếu doanh nghiệp thấy một nước CPTPP nào không thực hiện đúng cam kết của họ trong CPTPP thì có thể thông báo ngay cho các cơ quan liên quan của Chính phủ Việt Nam để các cơ quan này xem xét và lựa chọn công cụ can thiệp cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của Việt Nam theo Hiệp định;
- Điểm bất lợi là các doanh nghiệp sẽ khó có thể trông chờ Chính phủ bỏ qua hoặc không thực hiện một cam kết nào đó trong CPTPP để mang lại lợi ích của doanh nghiệp khi cần thiết.