PHỤ LỤC 15-A
PHỤ LỤC 15-A
QUY TẮC TỐ TỤNG TRỌNG TÀI
Các điều khoản chung
1. Vì mục đích của Chương 15 (Giải quyết Tranh chấp) và theo các Quy tắc Tố tụng trọng tài sau đây (sau đây được gọi là “Các Quy tắc”):
(a) “tư vấn viên” nghĩa là người được một Bên trả tiền để tư vấn hoặc hỗ trợ Bên đó liên quan đến tố tụng của hội đồng trọng tài;
(b) “hội đồng trọng tài” nghĩa là một hội đồng được thành lập theo Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài);
(c) “trọng tài viên” nghĩa là một thành viên của hội đồng trọng tài được thành lập theo Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài);
(d) “trợ lý” nghĩa là người mà, theo các điều khoản tuyển dụng trọng tài viên, thực hiện công việc nghiên cứu hoặc trợ giúp trọng tài viên đó;
(e) “Bên khởi kiện” nghĩa là Bên yêu cầu thành lập hội đồng trọng tài theo Điều 15.5 (Khởi động thủ tục trọng tài);
(f) “ngày” nghĩa là ngày dương lịch;
(g) “Bên bị kiện” nghĩa là Bên bị cáo buộc vi phạm các quy định được đề cập tại Điều
15.2 (Xxxx xx);
(h) “quy trình tố tụng”, trừ khi có quy định khác, nghĩa là quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài theo Chương 15 (Giải quyết tranh chấp); và
(i) “đại diện của một Bên” nghĩa là một nhân viên hoặc bất kỳ người nào được một cơ quan hoặc tổ chức chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức công nào của một Bên cử làm đại diện cho Bên đó trong một vụ tranh chấp theo Hiệp định này.
2. Bên bị kiện sẽ đảm nhiệm các công việc hành chính hậu cần cho các phiên họp giải quyết tranh chấp, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác. Các Bên sẽ cùng chịu chi phí phát sinh cho việc tổ chức, bao gồm cả tiền thù lao và các chi phí cho các trọng tài viên.
Thông báo
3. Mỗi Bên và hội đồng trọng tài sẽ chuyển bất kỳ yêu cầu, thông báo, đệ trình bằng văn bản hoặc bất kỳ tài liệu khác bằng thư điện tử tới Bên kia và các đệ trình bằng văn bản và yêu cầu trong quy trình tố tụng trọng tài tới mỗi trọng tài viên. Hội đồng trọng tài cũng sẽ chuyển các tài liệu tới các Bên thông qua thư điện tử. Trừ khi được chứng minh khác đi, một thư điện tử sẽ được xem là đã được nhận vào ngày thư đó được gửi đi. Nếu bất kỳ tài liệu liên quan nào vượt quá dung lượng 10 megabyte, các tài liệu đó sẽ được gửi đến Bên kia trong một định dạng điện tử khác và, nếu phù hợp, tới mỗi trọng tài viên trong vòng hai ngày kể từ ngày gửi thư điện tử.
4. Một bản sao của các tài liệu được chuyển theo Quy tắc 3 sẽ được gửi cho Bên kia và, nếu phù hợp, cho mỗi trọng tài viên vào ngày gửi thư điện tử bằng fax, thư bảo đảm, chuyển phát, thư có xác nhận của người nhận, hoặc bất kỳ hình thức viễn thông nào khác nhằm cung cấp một bản lưu việc gửi các tài liệu trên.
5. Tất cả các thông báo sẽ được gửi tới Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng Vụ Thương mại của Ủy ban Châu Âu.
6. Các lỗi nhỏ về hình thức của bất kỳ yêu cầu, thông báo, văn bản đệ trình hoặc tài liệu nào khác liên quan đến quy trình tố tụng của hội đồng trọng tài có thể được sửa đổi bằng cách gửi một tài liệu mới nêu rõ những sửa đổi đó.
7. Nếu ngày cuối cùng để chuyển giao một tài liệu rơi vào ngày thứ 7, chủ nhật, hoặc ngày nghỉ lễ chính thức hợp pháp của Việt Nam hoặc của Liên minh thì tài liệu sẽ được xem là chuyển giao đúng thời hạn nếu tài liệu đó được chuyển vào ngày làm việc tiếp theo.
Khởi động tố tụng trọng tài
8. Nếu theo Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài) và theo các Quy tắc 22, 23 và 49, một trọng tài viên được lựa chọn bằng phương thức bốc thăm, việc bốc thăm sẽ được thực hiện vào thời điểm và tại địa điểm do Bên khởi kiện quyết định và thông báo ngay lập tức cho Bên bị kiện. Bên bị kiện có thể có mặt trong quá trình bốc thăm nếu muốn. Trong bất cứ trường hợp nào, việc bốc thăm sẽ được thực hiện với sự có mặt của một Bên hoặc các Bên.
9. Nếu theo Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài) và theo các Quy tắc 22, 23 và 49, một trọng tài viên được lựa chọn bằng phương thức bốc thăm và có hai chủ tịch của Ủy ban Thương mại, thì cả hai chủ tịch, hoặc những người được ủy quyền của họ, hoặc chỉ một chủ tịch trong trường hợp chủ tịch kia hoặc người được ủy quyền không đồng ý tham dự bốc thăm, sẽ thực hiện việc lựa chọn bằng phương thức bốc thăm.
10. Các Bên sẽ thông báo việc chỉ định cho các trọng tài viên được lựa chọn.
11. Một trọng tài viên đã được chỉ định theo thủ tục tại Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài) sẽ xác nhận với Ủy ban Thương mại về việc trọng tài viên đó có thể thực hiện nhiệm vụ hay không trong vòng năm ngày kể từ ngày trọng tài viên đó được thông báo về việc chỉ định.
12. Thù lao và chi phí được trả cho trọng tài viên sẽ tương đương với các tiêu chuẩn của WTO. Thù lao cho mỗi trợ lý của trọng tài viên sẽ không vượt quá 50% thù lao của trọng tài viên đó.
13. Các Bên phải thông báo cho hội đồng trọng tài các điều khoản tham chiếu đã được thỏa thuận như được quy định tại Điều 15.6 (Điều khoản tham chiếu của hội đồng trọng tài) trong vòng ba ngày kể từ ngày các Bên đạt được thỏa thuận.
Đệ trình bằng văn bản
14. Bên khởi kiện sẽ gửi bản đệ trình bằng văn bản không muộn hơn 20 ngày sau ngày thành lập hội đồng trọng tài. Bên bị kiện sẽ gửi phản hồi bằng văn bản không muộn hơn 20 ngày sau ngày nhận được văn bản đệ trình của Bên khởi kiện.
Hoạt động của hội đồng trọng tài
15. Chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ điều hành tất cả các buổi họp của hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có thể giao cho chủ tịch hội đồng trọng tài quyền quyết định về hành chính và thủ tục.
16. Trừ khi có quy định khác trong Chương 15 (Giải quyết tranh chấp), hội đồng trọng tài có thể thực hiện các hoạt động của mình bằng bất kỳ phương tiện nào, bao gồm điện thoại, fax hoặc kết nối máy tính.
17. Việc dự thảo bất kỳ phán quyết nào là trách nhiệm riêng của hội đồng trọng tài và không được ủy quyền cho bất kỳ bên nào khác.
18. Khi phát sinh thắc mắc về thủ tục không nằm trong các quy định của Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) và các Phụ lục 15-A (Quy tắc tố tụng trọng tài), 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên) và 15-C (Cơ chế hòa giải), hội đồng trọng tài sau khi tham vấn các Bên có thể ban hành một thủ tục phù hợp tương thích với các quy định đó.
19. Khi hội đồng trọng tài thấy rằng cần phải sửa đổi bất kỳ thời hạn tố tụng nào ngoài các thời hạn được quy định tại Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) hoặc cần tiến hành bất kỳ điều chỉnh về thủ tục hay hành chính nào khác, hội đồng trọng tài sẽ thông báo bằng văn bản cho các Bên tranh chấp về lý do sửa đổi hoặc điều chỉnh và về thời hạn hoặc thời gian điều chỉnh cần thiết.
Thay thế trọng tài viên
20. Trong quy trình tố tụng trọng tài, nếu một trọng tài viên không còn khả năng tham gia, xin rút lui, hoặc bị thay thế vì trọng tài viên đó không tuân thủ các yêu cầu của Phụ lục 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên), trọng tài viên thay thế sẽ được lựa chọn phù hợp với Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài) và các Quy tắc từ 8 đến 11.
21. Khi một Bên nhận thấy rằng một trọng tài viên không tuân thủ các yêu cầu của Phụ lục 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên) và vì lý do này cần phải thay thế, Bên đó phải thông báo cho Bên kia trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm có được bằng chứng về tình huống dẫn đến vi phạm nghiêm trọng Phụ lục 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên) của trọng tài viên.
22. Khi một Bên nhận thấy rằng một trọng tài viên mà không phải là chủ tịch hội đồng trọng tài không tuân thủ các yêu cầu của Phụ lục 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên) và vì lý do này cần phải thay thế, các Bên sẽ tham vấn và, nếu đồng ý, sẽ lựa chọn một trọng tài viên mới phù hợp với với Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài) và các Quy tắc từ 8 đến 11.
Nếu các Bên không thể nhất trí về sự cần thiết phải thay thế một trọng tài viên, bất kỳ Bên nào cũng có thể yêu cầu đưa vấn đề này lên chủ tịch hội đồng trọng tài, người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Nếu, theo yêu cầu trên, chủ tịch hội đồng trọng tài nhận thấy một trọng tài viên không tuân thủ các yêu cầu của Phụ lục 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên) và vì lý do này cần phải thay thế, trọng tài viên mới sẽ được lựa chọn phù hợp với Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài) và các Quy tắc từ 8 đến 11.
23. Khi một Bên nhận thấy chủ tịch hội đồng trọng tài không tuân thủ các yêu cầu của Phụ lục 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên) và vì lý do này cần phải thay thế, các Bên sẽ tham vấn và, nếu đồng ý, sẽ lựa chọn một chủ tịch mới phù hợp với Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài) và các Quy tắc từ 8 đến 11.
Nếu các Bên không thể nhất trí về sự cần thiết phải thay thế chủ tịch hội đồng trọng tài, bất kỳ Bên nào cũng có thể yêu cầu đưa vấn đề này lên một trong các thành viên còn lại trong danh sách ứng viên chủ tịch hội đồng trọng tài được thiết lập theo điểm 1(c) Điều
15.23 (Danh sách trọng tài viên). Thành viên này sẽ được lựa chọn bằng phương thức bốc thăm bởi chủ tịch Ủy ban Thương mại, hoặc người được ủy quyền của chủ tịch. Quyết định của thành viên này về sự cần thiết phải thay thế chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ là cuối cùng.
Nếu thành viên này quyết định rằng chủ tịch hội đồng trọng tài ban đầu không tuân thủ các yêu cầu của Phụ lục 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên) và vì lý do này cần phải thay thế, thành viên này sẽ lựa chọn một chủ tịch hội đồng trọng tài
mới bằng cách bốc thăm trong số các cá nhân còn lại từ danh sách ứng viên chủ tịch hội đồng trọng tài được thiết lập theo điểm 1(c) Điều 15.23 (Danh sách trọng tài viên). Việc lựa chọn chủ tịch hội đồng trọng tài mới sẽ được thực hiện trong vòng năm ngày kể từ ngày đệ trình ngày đưa ra quyết định được quy định tại Quy tắc này.
24. Tố tụng của hội đồng trọng tài sẽ tạm ngưng trong khoảng thời gian thực hiện các thủ tục được quy định tại các Quy tắc từ 21 đến 23.
Phiên họp giải quyết tranh chấp
25. Chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ chọn ngày và thời gian tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp sau khi tham vấn với các Bên và các thành viên khác của hội đồng trọng tài. Chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ thông báo bằng văn bản cho các Bên về ngày và thời gian của phiên họp giải quyết tranh chấp. Thông tin này cũng sẽ được công bố công khai bởi Bên đảm nhiệm công việc hành chính hậu cần cho quy trình tố tụng, trừ khi phiên họp giải quyết tranh chấp là phiên họp kín. Trừ khi một Bên không đồng ý, hội đồng trọng tài có thể quyết định không triệu tập một phiên họp giải quyết tranh chấp.
26. Hội đồng trọng tài có thể triệu tập các phiên họp giải quyết tranh chấp bổ sung nếu các Bên đồng ý như vậy.
27. Tất cả các trọng tài viên phải có mặt trong suốt quá trình diễn ra các phiên họp giải quyết tranh chấp.
28. Các cá nhân dưới đây có thể tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp, dù quy trình tố tụng có công khai hay không:
(a) đại diện của các Bên;
(b) tư vấn viên của các Bên;
(c) chuyên gia;
(d) nhân viên hành chính, phiên dịch viên, biên dịch viên và báo cáo viên của tòa án; và
(e) trợ lý trọng tài viên.
29. Chỉ đại diện và tư vấn viên của các Bên và các chuyên gia mới có thể phát ngôn trước hội đồng trọng tài.
30. Không muộn hơn năm ngày trước ngày diễn ra phiên họp giải quyết tranh chấp, mỗi Bên sẽ gửi tới hội đồng trọng tài một danh sách tên những người sẽ phát ngôn hoặc trình bày lập luận/phản biện tại phiên họp giải quyết tranh chấp thay mặt cho Bên đó và tên những đại diện hoặc tư vấn viên khác của Bên đó sẽ tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp.
31. Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp theo cách thức như sau, để đảm bảo rằng Bên khởi kiện và Bên bị kiện có đủ thời gian như nhau để:
Xxxxx bày lập luận
(a) trình bày lập luận của Bên khởi kiện;
(b) trình bày lập luận của Bên bị kiện.
Phản biện lập luận
(a) trả lời của Bên khởi kiện;
(b) phản hồi lại của Bên bị kiện.
32. Hội đồng trọng tài có thể đặt câu hỏi cho các Bên hoặc các chuyên gia vào bất kỳ thời điểm nào trong phiên họp giải quyết tranh chấp.
33. Hội đồng trọng tài sẽ chuẩn bị và gửi đi một biên bản ghi chép các ý kiến phát biểu tại mỗi phiên họp giải quyết tranh chấp sớm nhất có thể đến các Bên. Các Bên có thể góp ý vào biên bản và hội đồng trọng tài có thể xem xét các góp ý này.
34. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày diễn ra phiên họp giải quyết tranh chấp, mỗi Bên có thể gửi một văn bản đệ trình bổ sung về các vấn đề phát sinh trong phiên họp.
Các câu hỏi bằng văn bản
35. Hội đồng trọng tài có thể, vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt quy trình tố tụng, đưa ra các câu hỏi bằng văn bản cho một Bên hoặc cả hai Bên. Mỗi Bên sẽ nhận được một bản sao các câu hỏi được hội đồng trọng tài đưa ra.
36. Một Bên phải gửi bản sao văn bản trả lời cho các câu hỏi của hội đồng trọng tài tới Bên kia. Mỗi Bên sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với văn bản trả lời của Bên kia trong vòng năm ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lời đó.
Bảo mật thông tin
37. Mỗi Bên và tư vấn viên của Bên đó phải bảo mật bất cứ thông tin nào được Bên kia cung cấp cho hội đồng trọng tài mà đã xác định là thông tin mật. Khi một Bên nộp một văn bản đệ trình mật cho hội đồng trọng tàivtheo yêu cầu của Bên kia, Bên đó cũng sẽ cung cấp một bản tóm tắt không mật các thông tin trong bản đệ trình mà có thể công bố công khai không muộn hơn 15 ngày sau ngày yêu cầu hoặc đệ trình, tùy thuộc vào ngày nào đến sau, và một bản giải thích lý do tại sao thông tin không công khai là thông tin mật. Các Quy tắc này không ngăn cản một Bên công khai các bản trình bày quan điểm của Bên đó ở chừng mực mà, khi dẫn chiếu đến thông tin do Bên kia cung cấp, việc công khai đó sẽ không tiết lộ bất kỳ thông tin nào đã được Bên kia xác định là thông tin mật. Hội đồng trọng tài sẽ họp kín khi bản đệ trình và lập luận của một Bên chứa đựng thông tin mật. Các Bên và tư vấn viên của các Bên sẽ bảo mật các phiên họp giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài khi đó là các phiên họp kín.
Tiếp xúc riêng
38. Hội đồng trọng tài sẽ không tiếp xúc hoặc trao đổi với một Bên nếu Bên khác vắng mặt.
39. Trọng tài viên không được phép thảo luận bất kỳ nội dung nào của quy trình tố tụng với một Bên hoặc cả hai Bên nếu vắng mặt các trọng tài viên khác.
Đệ trình tự nguyện (amicus curiae)
40. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác trong vòng ba ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài, hội đồng trọng tài có thể tiếp nhận các văn bản đệ trình tự nguyện từ thể nhân hoặc pháp nhân được thành lập trong lãnh thổ của một Bên và độc lập với chính phủ của các Bên, với điều kiện là các bản đệ trình này được thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày thành lập hội đồng trọng tài, phải ngắn gọn và trong bất cứ trường hợp nào không dài quá 15 trang văn bản đã được giãn dòng đôi, và có liên quan trực tiếp tới các vấn đề pháp lý hoặc thực tế mà hội đồng trọng tài đang xem xét.
41. Bản đệ trình sẽ cung cấp thông tin chi tiết về chủ thể đưa ra bản đệ trình, dù là pháp nhân hay thể nhân, bao gồm thông tin về quốc tịch hoặc nơi thành lập, bản chất hoạt động, tình trạng pháp lý, mục tiêu chung và nguồn tài chính, và xác định bản chất lợi ích của thể nhân hay pháp nhân đó trong quy trình tố tụng trọng tài. Các nội dung này sẽ được soạn thảo bằng các ngôn ngữ do các Bên lựa chọn phù hợp với các Quy tắc 39 và 40.
42. Hội đồng trọng tài sẽ liệt kê trong phán quyết của mình tất cả các đệ trình mà hội đồng đã nhận được phù hợp với các Quy tắc 41 và 42. Hội đồng trọng tài không có nghĩa vụ phải phản hồi trong phán quyết của mình các lập luận trong các đệ trình này. Mọi ý kiến đệ trình sẽ được gửi cho các Bên để đóng góp ý kiến. Ý kiến đóng góp của các Bên sẽ được gửi trong vòng 10 ngày và cũng sẽ được hội đồng trọng tài xem xét.
Trường hợp khẩn cấp
43. Trong trường hợp khẩn cấp được đề cập tại Chương 15 (Giải quyết tranh chấp), hội đồng trọng tài, sau khi tham vấn các Bên, sẽ điều chỉnh thời hạn được đề cập trong Quy tắc tố tụng trọng tài này, nếu phù hợp, và sẽ thông báo cho các Bên về các điều chỉnh này.
Phiên dịch và biên dịch
44. Trong quá trình tham vấn được đề cập tại Điều 15.3 (Tham vấn), và không muộn hơn ngày mà phiên họp được tổ chức theo khoản 2 Điều 15.8 (Quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài), các Bên sẽ nỗ lực để thỏa thuận một ngôn ngữ làm việc chung cho quy trình tố tụng trước hội đồng trọng tài.
45. Nếu các Bên không thể đạt được thỏa thuận về một ngôn ngữ làm việc chung, mỗi Bên sẽ nộp văn bản đệ trình bằng một trong các ngôn ngữ làm việc của WTO do Bên đó lựa chọn.
46. Các phán quyết của hội đồng trọng tài sẽ được đưa ra bằng ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ do các Bên lựa chọn.
47. Bất cứ Bên nào cũng có thể đóng góp ý kiến đối với tính chính xác của bản dịch của tài liệu được soạn thảo phù hợp với các Quy tắc này.
48. Bất kỳ chi phí nào phát sinh cho việc dịch thuật phán quyết trọng tài sẽ được chia đều cho hai Bên.
Các thủ tục khác
49. Các Quy tắc này cũng áp dụng đối với quy trình tố tụng theo Điều 15.3 (Tham vấn),
15.13 (Khoảng thời gian hợp lý của việc tuân thủ), 15.14 (Rà soát các biện pháp đã thực hiện để tuân thủ báo cáo cuối cùng), 15.15 (Biện pháp khắc phục tạm thời trong trường hợp không tuân thủ) và 15.16 (Rà soát biện pháp đã thực hiện để tuân thủ sau khi thông qua các biện pháp khắc phục tạm thời đối với việc không tuân thủ). Trong trường hợp đó, các thời hạn đưa ra trong các Quy tắc này sẽ được điều chỉnh phù hợp với các thời hạn đặc biệt được quy định cho việc thông qua phán quyết của hội đồng trọng tài trong các thủ tục khác đó.
PHỤ LỤC 15-B
QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA TRỌNG TÀI VIÊN VÀ HÒA GIẢI VIÊN
Định nghĩa
1. Trong Quy tắc ứng xử này:
(a) “trọng tài viên” nghĩa là một thành viên của hội đồng trọng tài được thành lập theo Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài);
(b) “trợ lý” nghĩa là người mà, theo các điều khoản tuyển dụng trọng tài viên, thực hiện công việc nghiên cứu hoặc trợ giúp trọng tài viên đó;
(c) “ứng viên” nghĩa là một cá nhân có tên trong danh sách trọng tài viên được quy định tại Điều 15.23 (Danh sách trọng tài viên) và được xem xét bổ nhiệm là thành viên hội đồng trọng tài theo Điều 15.7 (Thành lập hội đồng trọng tài);
(d) “hòa giải viên” nghĩa là người thực hiện thủ tục hòa giải theo Phụ lục 15-C (Cơ chế hòa giải);
(e) “quy trình tố tụng”, trừ khi có quy định khác, nghĩa là một quy trình tố tụng giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài theo Chương 15 (Giải quyết tranh chấp); và
(f) “nhân viên” của trọng tài viên nghĩa là người làm việc theo chỉ đạo và điều hành của trọng tài viên, không phải trợ lý.
Trách nhiệm
2. Mọi ứng viên và trọng tài viên phải tránh thái độ tiêu cực và thể hiện thái độ tiêu cực, độc lập và công bằng, tránh những xung đột lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp và sẽ có thái độ hành xử chuẩn mực cao để đảm bảo sự toàn vẹn và công bằng cho cơ chế giải quyết tranh chấp. Các trọng tài viên tiền nhiệm phải tuân thủ các nghĩa vụ được quy định tại các Quy tắc 15 đến 18 của Quy tắc ứng xử này.
Nghĩa vụ công bố thông tin
3. Trước khi được chỉ định là trọng tài viên theo Chương 15 (Giải quyết tranh chấp), một ứng viên sẽ công bố mọi lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề mà có thể ảnh hưởng đến sự độc lập và công bằng của ứng viên đó, hoặc có thể tạo ra những định kiến hoặc thiên vị trong quy trình tố tụng. Để đạt được điều này, một ứng viên sẽ nỗ lực hợp lý để nhận biết về những lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề đó.
4. Một ứng viên hoặc trọng tài viên sẽ thông báo bằng văn bản cho Ủy ban Thương mại về các vấn đề liên quan đến các vi phạm thực tế hoặc khả năng vi phạm Quy tắc ứng xử này để các Bên xem xét.
5. Một trọng tài viên khi đã được chỉ định sẽ tiếp tục nỗ lực hợp lý để nhận biết về bất kỳ lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề được đề cập tới tại Quy tắc 3 của Quy tắc ứng xử này và sẽ công bố những lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề đó thông qua thông báo bằng văn bản cho Ủy ban Thương mại để các Bên xem xét. Nghĩa vụ công bố thông tin là nghĩa vụ có tính chất liên tục theo đó yêu cầu một trọng tài viên công bố bất kỳ lợi ích, mối quan hệ hoặc vấn đề mà có thể phát sinh trong bất kỳ giai đoạn nào của quy trình tố tụng.
Nghĩa vụ của trọng tài viên
6. Một trọng tài viên phải sẵn sàng thực hiện và thực hiện nghĩa vụ của mình một cách toàn diện và nhanh chóng, và với sự công bằng và đúng đắn, trong suốt quy trình tố tụng.
7. Một trọng tài viên sẽ chỉ xem xét những vấn đề phát sinh trong quy trình tố tụng và cần thiết để đưa ra phán quyết, và sẽ không giao nhiệm vụ này cho bất kỳ cá nhân nào khác.
8. Một trọng tài viên sẽ thực hiện mọi biện pháp thích hợp để đảm bảo các nhân viên và nhân viên hỗ trợ của mình nhận biết và tuân thủ các Quy tắc 2, 3, 4, 5, 16, 17 và 18 của Quy tắc ứng xử này.
9. Một trọng tài viên sẽ không thực hiện những tiếp xúc riêng về quy trình tố tụng.
Sự độc lập và công bằng của các trọng tài viên
10. Một trọng tài viên sẽ tránh thể hiện sự thiên vị và sẽ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân, áp lực bên ngoài, những cân nhắc chính trị, lợi ích công cộng và sự trung thành đối với một Bên hoặc lo sợ bị chỉ trích.
11. Một trọng tài viên sẽ không, trực tiếp hay gián tiếp, từ chối bất kỳ nghĩa vụ nào hoặc chấp nhận bất kỳ lợi ích nào mà sẽ ảnh hưởng hoặc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện một cách thích hợp các nghĩa vụ của mình.
12. Một trọng tài viên sẽ không sử dụng vị trí của mình trong hội đồng trọng tài để ủng hộ cho bất kỳ lợi ích cá nhân hay riêng tư nào và sẽ tránh những hành vi có thể tạo ra ấn tượng về việc trọng tài viên bị ảnh hưởng bởi những người khác.
13. Một trọng tài viên sẽ không cho phép những trách nhiệm hoặc mối quan hệ xã hội, cá nhân, đồng nghiệp, kinh doanh, hoặc tài chính làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử hoặc hành vi ứng xử của trọng tài viên.
14. Một trọng tài viên sẽ tránh tham gia vào bất kỳ mối quan hệ nào hoặc nhận bất kỳ lợi ích tài chính nào mà có thể ảnh hưởng đến sự công bằng của trọng tài viên hoặc có thể gây ra biểu hiện không phù hợp hoặc thiên vị.
Nghĩa vụ của trọng tài viên tiền nhiệm
15. Mọi trọng tài viên tiền nhiệm phải tránh những hành vi có thể gây ấn tượng về việc thiên vị trong thực thi nhiệm vụ hoặc thu lợi từ các quyết định hoặc phán quyết của hội đồng trọng tài.
Bảo mật thông tin
16. Một trọng tài viên hoặc trọng tài viên tiền nhiệm sẽ không, vào bất kỳ thời điểm nào, tiết lộ hoặc sử dụng bất kỳ thông tin không công khai nào liên quan đến quy trình tố tụng hoặc có được trong quy trình tố tụng, trừ trường hợp vì mục đích phục vụ cho quy trình tố tụng đó và trong mọi trường hợp sẽ không tiết lộ hoặc sử dụng bất kỳ thông tin nào nói trên để đạt được lợi ích cá nhân hoặc lợi ích cho người khác, hoặc để ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích của người khác.
17. Một trọng tài viên sẽ không công bố toàn bộ hoặc một phần phán quyết của hội đồng trọng tài trước khi phán quyết đó được công bố công khai phù hợp với Chương 15 (Giải quyết tranh chấp).
18. Một trọng tài viên hoặc trọng tài viên tiền nhiệm sẽ không tiết lộ nội dung thảo luận của hội đồng trọng tài hoặc quan điểm của bất kỳ trọng tài viên vào bất kỳ thời điểm nào.
Chi phí
19. Mỗi trọng tài viên phải lưu lại hồ sơ và nộp bản kê khai cuối cùng về thời gian tham gia thủ tục tố tụng và các chi phí của mình, cũng như thời gian làm việc và chi phí của các nhân viên và trợ lý của trọng tài viên.
Hòa giải
20. Quy tắc ứng xử này áp dụng với những điều chỉnh thích hợp cho hòa giải viên.
PHỤ LỤC 15-C
CƠ CHẾ HÒA GIẢI
ĐIỀU 1
Mục tiêu
Mục tiêu của Phụ lục này là tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm các giải pháp đồng thuận thông qua một thủ tục toàn diện và nhanh chóng với sự hỗ trợ của một hòa giải viên.
MỤC A
THỦ TỤC HÒA GIẢI
ĐIỀU 2
Yêu cầu cung cấp thông tin
1. Trước khi khởi xướng thủ tục hòa giải, một Bên có thể yêu cầu cung cấp, bất kỳ lúc nào và bằng văn bản, thông tin liên quan đến một biện pháp có tác động bất lợi đến thương mại hoặc đầu tư giữa các Bên. Bên được yêu cầu cung cấp thông tin sẽ gửi văn bản trả lời cung cấp các ý kiến phản hồi của mình về thông tin được yêu cầu trong vòng 20 ngày.
2. Khi Bên được yêu cầu thấy rằng việc trả lời trong vòng 20 ngày là không khả thi, Bên đó sẽ thông báo cho Bên yêu cầu lý do của việc chậm trễ, cùng với một thời hạn ngắn nhất dự kiến để có thể trả lời.
ĐIỀU 3
Khởi xướng thủ tục hòa giải
1. Một Bên có thể, vào bất kỳ lúc nào, yêu cầu các Bên tham gia vào thủ tục hòa giải. Yêu cầu này sẽ được gửi đến Bên kia bằng văn bản. Yêu cầu phải đủ chi tiết, trình bày rõ quan ngại của Bên yêu cầu và sẽ:
(a) chỉ rõ biện pháp cụ thể đang tranh cãi;
(b) đưa ra một bản trình bày về các tác động bị cho là bất lợi mà Bên yêu cầu cho rằng biện pháp đó có hoặc có thể có đối với thương mại hoặc tự do hóa đầu tư giữa các Bên; và
(c) giải thích Bên yêu cầu cho rằng các tác động đó có mối liên hệ với biện pháp như thế nào.
2. Thủ tục hòa giải chỉ có thể được khởi xướng bằng đồng thuận của các Bên. Bên nhận được yêu cầu theo khoản 1 sẽ xem xét yêu cầu đó trên tinh thần thiện chí và trả lời chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu bằng văn bản trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
ĐIỀU 4
Lựa chọn hòa giải viên
1. Khi thủ tục hòa giải bắt đầu, các Bên sẽ nỗ lực để thỏa thuận lựa chọn hòa giải viên không muộn hơn 15 ngày sau ngày nhận được trả lời yêu cầu được quy định tại khoản 2 Điều 3 (Khởi xướng thủ tục hòa giải) của Phụ lục này.
2. Trong trường hợp các Bên không thể thỏa thuận về hòa giải viên trong thời hạn quy định tại khoản 1, một trong hai Bên có thể yêu cầu chủ tịch Ủy ban Thương mại, hoặc người được chủ tịch ủy quyền, lựa chọn hòa giải viên bằng cách bốc thăm từ danh sách được lập theo Điều 15.23 (Danh sách trọng tài viên). Đại diện của các Bên sẽ được mời, với thông báo thích hợp, để có mặt khi bốc thăm. Trong mọi trường hợp, việc bốc thăm sẽ được tiến hành với sự hiện diện của một hoặc các Bên.
3. Chủ tịch Ủy ban Thương mại, hoặc người được chủ tịch ủy quyền, sẽ lựa chọn hòa giải viên trong vòng năm ngày làm việc kể từ ngày một Bên trả lời theo khoản 2.
4. Nếu danh sách quy định tại Điều 15.23 (Danh sách trọng tài viên) chưa được thành lập tại thời điểm gửi yêu cầu theo Điều 3 (Khởi xướng thủ tục hòa giải) của Phụ lục này, hòa giải viên sẽ được lựa chọn bằng bốc thăm từ các cá nhân được đề xuất chính thức bởi một hoặc cả hai Bên.
5. Một hòa giải viên sẽ không phải là công dân của bất kỳ Bên nào, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.
6. Hòa giải viên sẽ hỗ trợ các Bên, theo cách thức minh bạch và công bằng, trong việc làm rõ biện pháp và nguy cơ tác động tới thương mại hoặc tự do hóa đầu tư của biện pháp đó, và nhằm đạt được một giải pháp đồng thuận. Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên quy định tại Phụ lục 15-B (Quy tắc ứng xử của trọng tài viên và hòa giải viên), sẽ áp dụng cho hòa giải viên với những điều chỉnh phù hợp. Các Quy tắc 3 đến 7 (Thông báo) và 44 đến 48 (Biên dịch và phiên dịch) của Quy tắc tố tụng trọng tài quy định tại Phụ lục 15-A (Quy tắc tố tụng trọng tài) sẽ áp dụng với những điều chỉnh phù hợp.
ĐIỀU 5
Quy tắc thủ tục hòa giải
1. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày chỉ định hòa giải viên, Bên viện dẫn thủ tục hòa giải sẽ trình bày bằng văn bản một mô tả chi tiết về vấn đề tranh chấp cho hòa giải viên và cho Bên kia, cụ thể là việc áp dụng biện pháp đang tranh cãi và các tác động thương mại hoặc tự do hóa đầu tư của nó. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản mô tả này, Bên kia sẽ đưa ra bình luận bằng văn bản đối với bản mô tả vấn đề. Một trong hai Bên có thể gửi kèm trong bản mô tả hoặc bình luận của mình bất kỳ thông tin nào mà Bên đó cho là có liên quan.
2. Hòa giải viên có thể quyết định cách thức thích hợp nhất để làm rõ biện pháp tranh chấp và khả năng tác động đến thương mại hoặc tự do hóa đầu tư giữa các Bên. Cụ thể là, hòa giải viên có thể tổ chức các phiên họp giữa các Bên, tham vấn chung hoặc riêng với các Bên, tìm kiếm hỗ trợ của hoặc tham vấn với các chuyên gia và các bên liên quan và cung cấp bất kỳ hỗ trợ bổ sung nào theo yêu cầu của các Bên. Trước khi tìm kiếm hỗ trợ
của hoặc tham vấn với các chuyên gia và các bên liên quan, hòa giải viên sẽ tham vấn với các Bên.
3. Hòa giải viên có thể đưa ra tư vấn và đề xuất một giải pháp để các Bên xem xét chấp nhận hoặc từ chối giải pháp được đề xuất đó hoặc có thể thỏa thuận về một giải pháp khác. Hòa giải viên sẽ không tư vấn hoặc đưa ra bình luận về sự phù hợp của biện pháp đang tranh chấp với các quy định của Hiệp định này.
4. Thủ tục hòa giải sẽ tiến hành trong lãnh thổ của Bên được yêu cầu hoặc, thông qua đồng thuận, tại bất kỳ địa điểm nào khác hoặc bằng bất kỳ phương thức nào khác.
5. Các Bên sẽ nỗ lực để đạt được một giải pháp đồng thuận trong vòng 60 ngày kể từ ngày chỉ định hòa giải viên. Cho đến khi có được thỏa thuận cuối cùng, các Bên có thể xem xét các giải pháp tạm thời hợp lý, đặc biệt nếu biện pháp đang tranh chấp liên quan đến hàng hóa dễ hỏng.
6. Giải pháp có thể được thông qua bằng quyết định của Ủy ban Thương mại. Một trong hai Bên có thể đưa ra giải pháp phụ thuộc vào việc hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết. Các giải pháp được hai Bên đồng thuận sẽ được công bố công khai. Nội dung công bố công khai có thể không bao gồm thông tin mà một Bên xác định là thông tin mật.
7. Trên cơ sở yêu cầu của các Bên, hòa giải viên sẽ gửi cho các Bên một dự thảo báo cáo về các tình tiết thực tế bằng văn bản, cung cấp một tóm tắt ngắn gọn về:
(a) biện pháp đang tranh chấp trong thủ tục hòa giải;
(b) các thủ tục tiếp theo; và
(c) bất kỳ giải pháp đồng thuận nào đạt được như là kết quả cuối cùng của thủ tục hòa giải, bao gồm các giải pháp tạm thời hợp lý.
Hòa giải viên sẽ cho các Bên 15 ngày để bình luận đối với dự thảo báo cáo về các tình tiết thực tế. Sau khi xem xét các bình luận của các Bên được gửi trong thời hạn trên, hòa giải viên sẽ gửi báo cáo cuối cùng bằng văn bản cho các Bên trong vòng 15 ngày. Báo cáo về các tình tiết thực tế sẽ không bao gồm bất kỳ giải thích nào về Hiệp định này.
8. Thủ tục sẽ bị đình chỉ:
(a) bằng việc thông qua một giải pháp được các Bên đồng thuận, vào ngày thông qua giải pháp này;
(b) bằng sự đồng thuận của các Bên tại bất kỳ giai đoạn nào của thủ tục hòa giải, vào ngày đạt được sự đồng thuận đó;
(c) bằng một tuyên bố bằng văn bản của hòa giải viên, sau khi tham vấn với các Bên, rằng các nỗ lực hòa giải sẽ không đem lại kết quả là vô ích, vào ngày đưa ra tuyên bố; hoặc
(d) bằng một tuyên bố bằng văn bản của một Bên sau khi cân nhắc các giải pháp được hai Bên thỏa thuận theo thủ tục hòa giải và sau khi xem xét bất kỳ tư vấn hoặc giải pháp được đề xuất nào của hòa giải viên, vào ngày đưa ra tuyên bố đó.
MỤC B THI HÀNH
ĐIỀU 6
Thi hành giải pháp đồng thuận
1. Khi các Bên đã thỏa thuận được một giải pháp, mỗi Bên sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để thi hành giải pháp đồng thuận đó trong thời hạn được thỏa thuận.
2. Bên thi hành sẽ thông báo cho Bên kia bằng văn bản về bất kỳ biện pháp hoặc trình tự nào được áp dụng để thi hành giải pháp đã thỏa thuận.
MỤC C
CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG
ĐIỀU 7
Bảo mật và mối quan hệ với giải quyết tranh chấp
1. Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, và không ảnh hưởng đến khoản 6 Điều 5 (Quy tắc thủ tục hòa giải) của Phụ lục này, tất cả các trình tự của thủ tục hòa giải, bao gồm bất kỳ tư vấn hoặc giải pháp được đề xuất nào, đều được giữ bí mật. Tuy nhiên, bất kỳ Bên nào cũng có thể công bố công khai về việc hòa giải đang được tiến hành.
2. Thủ tục hòa giải không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ của các Bên theo Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) hoặc bất kỳ thỏa thuận nào khác.
3. Tham vấn theo Chương 15 (Giải quyết tranh chấp) là không bắt buộc trước khi bắt đầu thủ tục hòa giải. Tuy nhiên, một Bên nên tự mình sử dụng các quy định về tham vấn và hợp tác liên quan khác trong Hiệp định này trước khi bắt đầu thủ tục hòa giải.
4. Một Bên sẽ không dựa trên hoặc đưa ra làm chứng cứ trong các thủ tục giải quyết tranh chấp khác theo Hiệp định này hoặc bất kỳ hiệp định nào khác, hoặc một hội đồng trọng tài sẽ không xem xét:
(a) quan điểm của Bên kia trong quá trình hòa giải hoặc thông tin thu được theo khoản 2 Điều 5 (Quy tắc thủ tục hòa giải) Phụ lục này;
(b) việc Bên kia đã chỉ rõ ý định của Bên đó chấp nhận một giải pháp cho biện pháp tranh chấp theo thủ tục hòa giải; hoặc
(c) tư vấn hoặc đề xuất do hòa giải viên đưa ra.
5. Một hòa giải viên không được đảm nhiệm vai trò trọng tài viên hoặc thành viên hội đồng trọng tài trong thủ tục giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này hoặc Hiệp định WTO liên quan đến cùng một vấn đề mà người đó đã từng là hòa giải viên.
ĐIỀU 8
Thời hạn
Bất kỳ thời hạn nào quy định trong Phụ lục này có thể được sửa đổi bằng sự đồng thuận giữa các Bên.
ĐIỀU 9
Chi phí
1. Mỗi Bên sẽ tự chịu các chi phí của mình phát sinh từ việc tham gia vào thủ tục hòa giải.
2. Các chi phí phát sinh từ các vấn đề về tổ chức, bao gồm tiền thù lao và các chi phí cho hòa giải viên, sẽ được chia đều cho các Bên. Tiền thù lao của hòa giải viên sẽ phù hợp với mức tiền thù lao của chủ tịch hội đồng trọng tài theo Quy tắc 12 của Quy tắc tố tụng trọng tài quy định tại Phụ lục 15-A (Quy tắc tố tụng trọng tài).