HIỆP ĐỊNH
HIỆP ĐỊNH
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ PHÁP LÝ VỀ DÂN SỰ VÀ HÌNH SỰ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TIỆP KHẮC
(Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlô-va-ki-a kế thừa) (trích)
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc.
Với lòng mong muốn phát triển hơn nữa những quan hệ anh em giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước, trên tinh thần hữu nghị và hợp tác, và để tạo thuận lợi cho các quan hệ pháp lý về dân sự, gia đình và hình sự giữa hai nước.
Trên cơ sở Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ký kết giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, ngày 14 tháng 2 năm 1980.
Đã quyết định ký kết Hiệp định này.
Hai bên đã chỉ định đại diện toàn quyền của mình:
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử: Xxxx Xxxx, Bộ trưởng Tư pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc cử: Xxxxxxx Xxxxxx, Bộ trưởng Tư pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Séc.
Các đại diện toàn quyền, sau khi trao đổi các giấy uỷ quyền hợp pháp và hợp thức đã thoả thuận những điều dưới đây:
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Bảo hộ pháp lý
1. Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ nước ký kết kia, đối với nhân thân và sở hữu của mình, cùng những quyền và cùng sự bảo hộ pháp lý như công dân nước ký kết kia.
2. Phù hợp với quy định của khoản 1 Điều này, công dân nước ký kết này được tự do liên hệ với các toà án và các cơ quan khác có thẩm quyền về dân sự và hình sự của nước ký kết kia và quyền đưa đơn kiện trước các cơ quan đó để bảo vệ các quyền nhân thân và quyền tài sản của mình.
3. Các việc dân sự nói trong Hiệp định này cũng bao gồm các việc về gia đình và lao động.
4. Những quy định của Hiệp định này đối với công dân cũng áp dụng đối với pháp nhân của hai nước ký kết.
Điều 2. Tương trợ tư pháp
1. Các Toà án, các Viện kiểm sát và các cơ quan khác của hai nước ký kết, có thẩm quyền về dân sự và hình sự (sau đây gọi chung là cơ quan tư pháp) tương trợ nhau về mặt tư pháp theo những điều kiện quy định trong Hiệp định này.
2. Các cơ quan tư pháp tương trợ nhau trong việc thực hiện các hành vi tố tụng, nhất là
trong việc lấy lời khai của người làm chứng, của đương sự, của bị can hoặc của các người khác, trong việc tiến hành giám định, trong việc lập, chuyển và tống đạt giấy tờ.
Điều 3. Cách thức liên hệ
1. Các cơ quan tư pháp của các nước ký kết liên hệ với nhau qua cơ quan trung ương của mình trừ trường hợp Hiệp định này quy định khác.
2. Để thi hành hiệp định này, các cơ quan dưới đây là cơ quan trung ương:
a. Về phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Bộ Tư pháp
b. Về phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc:
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc
- Bộ Tư pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Séc
- Bộ Tư pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Slovac.
Điều 4. Tiếng nói
Để thi hành Hiệp định này, khi liên hệ với nhau, các cơ quan của hai nước ký kết dùng tiếng nói chính thức của nước mình hoặc tiếng Nga, trừ khi Hiệp định này quy định khác.
Điều 5. Uỷ thác tư pháp
1. Nếu Hiệp định này không có quy định khác, tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở bản uỷ thác tư pháp phù hợp với pháp luật của nước được uỷ thác.
2. Bản uỷ thác tư pháp và các văn bản phụ đính phải được Nhà chức trách có thẩm quyền ký tên và đóng dấu chính thức. Nếu cần kèm theo bản dịch thì bản dịch phải do người phiên dịch được uỷ nhiệm, cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự của một nước ký kết chứng nhận là dịch đúng.
3. Trong việc tương trợ tư pháp, cơ quan của mỗi nước ký kết có thể dùng giấy in sẵn của mình.
4. Bản uỷ thác tư pháp cần nêu rõ:
a. Tên cơ quan tư pháp uỷ thác;
b. Tên cơ quan tư pháp được uỷ thác;
c. Vụ kiện chính xác đòi hỏi việc tương trợ tư pháp, mục đích yêu cầu của việc uỷ thác và những tài liệu cần thiết để thực hiện việc uỷ thác;
d. Họ, tên, quốc tịch, nơi thường trú hoặc tạm trú, nghề nghiệp của các đương sự, bị can, bị cáo, người bị kết án, người làm chứng và của người bị thiệt hại nếu có;
e. Họ, tên và địa chỉ của những người đại diện hợp pháp trong trường hợp những người này đã được chỉ định.
5. Giấy uỷ thác tống đạt giấy tờ, ngoài những điều nói ở khoản 4 trên đây còn phải ghi rõ địa chỉ đúng của người nhận và tính chất của giấy tờ tống đạt.
6. Nếu là uỷ thác lấy lời khai thì còn phải ghi rõ những câu hỏi cần đặt.
7. Trong những vụ án hình sự, giấy uỷ thác còn phải nêu rõ tội danh và mô tả hành vi phạm tội, và trong chừng mực có thể, nêu rõ ngày sinh của các bị can và họ tên của bố mẹ họ.
Điều 6. Thực hiện uỷ thác tư pháp
1. Để thực hiện uỷ thác tư pháp thì áp dụng Điều 5, khoản 1 của Hiệp định này. Theo yêu cầu của bên uỷ thác, có thể thực hiện việc uỷ thác theo cách thức nói trong giấy uỷ thác nếu
làm như vậy không trái với pháp luật của nước được uỷ thác.
2. Khi được yêu cầu cơ quan tư pháp được uỷ thác sẽ kịp thời thông báo cho cơ quan tư pháp uỷ thác về nơi và ngày thực hiện việc uỷ thác.
3. Trong trường hợp cơ quan được uỷ thác không phải là cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc uỷ thác, thì cơ quan đó phải chuyển ngay giấy uỷ thác cho cơ quan có thẩm quyền.
4. Nếu không thể thực hiện việc uỷ thác, cơ quan được uỷ thác trả lại giấy tờ cho cơ quan uỷ thác và nói rõ lý do.
5. Nếu trong giấy uỷ thác không nêu được địa chỉ chính xác của nguời có liên quan, cơ quan nhận uỷ thác sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để xác định địa chỉ này.
Điều 7. Chuyển giao giấy tờ
1. Những giấy tờ về dân sự cần tống đạt cho người thường trú trên lãnh thổ nước ký kết kia phải kèm hai bản vào giấy yêu cầu tống đạt.
2. Đối với giấy cần tống đạt mà không viết bằng tiếng của nước ký kết được uỷ thác hoặc không kèm theo bản dịch ra tiếng nước này, thì nước được uỷ thác chỉ tống đạt khi đương sự đồng ý nhận.
3. Về chứng minh việc tống đạt giấy tờ thì tuân theo pháp luật của nước đã nhận uỷ thác. Giấy biên nhận về tống đạt phải ghi rõ nơi, ngày và cách thức tống đạt.
4. Nếu không thể tống đạt giấy tờ ở địa chỉ đã ghi, cơ quan nhận uỷ thác sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để xác định địa chỉ đúng của người nhận. Trong trường hợp không có khả năng xác định địa chỉ này, cơ quan nhận uỷ thác thông báo cho cơ quan uỷ thác và đồng thời trả lại giấy tờ.
5. Theo yêu cầu của cơ quan uỷ thác, cơ quan được uỷ thác trong khuôn khổ pháp luật hiện hành của nước mình, sẽ tìm mọi cách để tổng đạt giấy tờ cho đích thân người nhận.
Điều 8. Xxxx đạt giấy tờ cho công dân nước mình
Các nước ký kết có thể tống đạt giấy tờ cho công dân của mình qua cơ quan ngoại giao cũng như qua cơ quan lãnh sự. Trong trường hợp này, không được sử dụng các biện pháp cưỡng chế.
Điều 9. Xxx hộ người làm chứng và người giám định
1. Một người làm chứng hoặc một người giám định thường trú trên lãnh thổ nước ký kết này không buộc phải trình diện khi có giấy gọi của một cơ quan nước ký kết kia vì vậy giấy gọi không được có khoản đe doạ dùng biện pháp cưỡng chế nếu không trình diện.
2. Một người làm chứng hoặc một người giám định bất kể có quốc tịch gì, thường trú trên lãnh thổ nước ký kết này, khi trình diện theo giấy gọi của cơ quan tư pháp nước ký kết kia, thì không thể bị truy tố, bị hạn chế tự do vì lý do đã có hành vi phạm pháp trước khi qua biên giới của bên gọi. Họ cũng không bị buộc phải thi hành hình phạt đã tuyên xử đối với hành vi phạm pháp này, cũng không bị truy tố, bị hạn chế tự do về những việc liên quan đến vụ án trong đó họ được gọi.
3. Người làm chứng hoặc người giám định sẽ không được hưởng sự bảo hộ nói ở khoản 2 Điều này nếu họ không rời khỏi lãnh thổ nước ký kết đã gọi họ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được báo là sự có mặt của họ không còn cần thiết nữa, không tính vào thời hạn này những ngày người làm chứng, người giám định buộc phải ở lại vì những lý do ngoài ý muốn của họ.
4. Những người bị gọi có quyền được thanh toán tiền tàu xe và phí tổn lưu trú, cũng như được hưởng một khoản phụ cấp, ngoài ra người giám định còn được hưởng thù lao giám định.
Trong giấy gọi sẽ ghi rõ các khoản phụ cấp được hưởng, nếu yêu cầu, người bị gọi được ứng trước một phần các phụ cấp.
5. Nếu một người được gọi để làm chứng lại đang bị bắt giam trên lãnh thổ của nước ký kết được yêu cầu, các cơ quan của nước này nói trong khoản 2 Điều 3 của Hiệp định sẽ thi hành những biện pháp cần thiết để chuyển người đó sang lãnh thổ nước ký kết yêu cầu, với điều kiện là người đó tiếp tục bị giam ở nước này và được chuyển trả lại ngay sau khi đã khai.
Điều 10. Chi phí trong việc tương trợ tư pháp
1. Mỗi nước ký kết gánh chịu những chi phí về tương trợ tư pháp trên lãnh thổ mình.
2. Khi được yêu cầu, cơ quan nhận uỷ thác thông báo cho cơ quan uỷ thác số tiền chi phí, số tiền này nếu thu được sẽ thuộc quyền của nước uỷ thác.
Điều 11. Xác định địa chỉ
Các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết sẽ giúp nhau tìm địa chỉ của những người đang trên lãnh thổ nước mình, khi việc này cần thiết để công dân nước kia đòi thực hiện quyền lợi.
Điều 12. Thông tin pháp luật
Các cơ quan trung ương của hai nước ký kết khi được yêu cầu, sẽ thông báo cho nhau về pháp luật tư pháp đang có hiệu lực hoặc trước đây đã có hiệu lực trên lãnh thổ nước mình, kể cả gửi văn bản và thông tin về các vấn đề pháp lý và về án lệ.
Điều 13. Giá trị các giấy tờ
1. Giấy tờ do các cơ quan có thẩm quyền lập ra hoặc chứng nhận ở nước ký kết này theo đúng thể thức quy định được miễn chứng thực khi đem sử dụng ở nước ký kết kia. Quy định này cũng áp dụng đối với các giấy tờ có chữ ký đã được chứng thực theo đúng thể thức cuả một nước ký kết.
2. Quy định của khoản 1 Điều này cũng áp dụng đối với các bản sao và các bản dịch được một cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
3. Giấy tờ được coi là chính thức ở nước ký kết này cũng có giá trị là giấy tờ chính thức ở nước ký kết kia.
Điều 14. Từ chối tương trợ tư pháp
Có thể từ chối việc tương trợ tư pháp nói trong Hiệp định này nếu nước ký kết được yêu cầu cho rằng việc tương trợ sẽ xâm phạm đến chủ quyền, hoặc đến an ninh hoặc đến các nguyên tắc pháp luật cơ bản của mình.
Phần II
NHỮNG VẤN ĐỀ HÌNH SỰ
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 58. Tương trợ tư pháp
Trừ khi phần này quy định khác, việc tương trợ tư pháp về hình sự sẽ theo các quy định của Phần 1 Hiệp định này.
Điều 59. Tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Khi được nước ký kết kia yêu cầu, nước ký kết này theo pháp luật của mình, sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của công dân mình đã có hành vi phạm tội ở nước ký kết kia.
2. Xxxx xx xxx kết tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm cả những hành vi, theo pháp luật của nước ký kết yêu cầu thì là tội phạm, nhưng theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu, thì không phải là tội phạm và thuộc các cơ quan không phải là toà án xử lý.
3. Quyền được bồi thường của những người bị thiệt hại mà quá trình tiến hành tố tụng tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự phát hiện ra sẽ được xem xét trong quá trình này, các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết đã tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự, theo pháp luật của nước mình, sẽ có những biện pháp cần thiết để những yêu cầu về bồi thường thiệt hại được giải quyết trong qúa trình tố tụng hình sự.
Điều 60. Nội dung yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Văn bản yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phụ lục cần nêu những điểm dưới đây:
a. Những điểm về hộ tịch kể cả về quốc tịch;
b. Miêu tả sự việc xảy ra;
c. Những chứng cứ;
d. Bản sao các biên bản điều tra, xét hỏi nếu cần thiết, hoặc một số kết quả việc điều tra;
e. Điều luật áp dụng theo pháp luật của nơi đã xảy ra hành vi phạm tội, kể cả điều luật về thời hiệu;
f. Yêu cầu về bồi thường thiệt hại.
2. Khi nước ký kết được yêu cầu đặt vấn đề, nước ký kết yêu cầu sẽ cung cấp những chứng cứ bổ sung.
3. Nếu sau khi văn bản yêu cầu tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự được gửi đi mà bị can bị tù hoặc bị tạm giam thì phải ra lệnh chuyển giao bị can cho nước ký kết được yêu cầu.
4. Nước ký kết được yêu cầu thông báo cho nước ký kết yêu cầu quyết định cuối cùng. Nếu có đòi hỏi, sẽ gửi cho nước ký kết yêu cầu bản sao toàn văn quyết định.
Phần IV
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 80. Hiệp định này sẽ được phê chuẩn
Việc trao đổi thư phê chuẩn sẽ tiến hành ở Hà Nội.
Điều 81
Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày thứ ba mươi sau ngày trao đổi thư phê chuẩn và có hiệu lực trong 5 (năm) năm.
Hiệp định này được gia hạn từng năm năm một, trừ khi một nước ký kết yêu cầu bãi bỏ bằng văn bản, trong thời hạn 6 tháng trước khi kết thúc kỳ hạn năm năm hiện hành.
Làm tại Praha ngày 12 tháng 10 năm 1982, thành hai bản gốc, một bản bằng tiếng Việt, một bản bằng tiếng Tiệp Khắc, hai văn bản đều có giá trị như nhau.
* Việc trao đổi thư phê chuẩn đã tiến hành ngày 13-3-1984 tại Hà Nội.