HIỆP ĐỊNH
HIỆP ĐỊNH
GI ỮA CH ÍNH PH Ủ C Ộ NG H O À XÃ H Ộ I C H Ủ NGH ĨA V IỆ T NA M VÀ CH ÍNH PH Ủ CỘ NG H O À TH Ố NG NH Ấ T TA N - DA- NI- A
VỀ H Ợ P TÁC TH ƯƠ N G M ẠI NGÀY 8 TH ÁN G 1 0 NĂM 2 0 01
LỜ I M Ở ĐẦU
Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Thống nhất Tan-da-ni -a (sau đây gọi là các Bên ký kết);
Mong muốn tạo thuận lợi và phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi phù hợp với Luật pháp và quy định của mỗi nước và các nghĩa vụ quốc tế;
Cho rằng hợp tác thương mại là điều kiện cơ bản để đạt được sự phát triển cao nhất ở mỗi nước;
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1: Điều khoản chung
Các Bên ký kết sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ pháp luật và các quy định của mỗi nước để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho các quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Hai Bên sẽ nỗ lực để đạt được sự cân bằng thương mại giữa hai nước.
Điều 2: Đãi ngộ tối huệ quốc
Các Bên ký kết sẽ dành cho nhau đãi ngộ tối huệ quốc trong các lĩnh vực liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nước theo các quy định của luật pháp quốc tế.
Điều 3: Miễn trừ
Những quy định ở Điều 2 của Hiệp định này sẽ không áp dụng cho:
1. Những ưu đãi mà mỗi Bên ký kết đã dành hoặc sẽ dành cho các nước láng giềng của mình để tạo thuận lợi cho biên mậu;
2. Những ưu đãi là kết quả của các thoả thuận của một liên minh thuế quan hoặc một khu vực mậu dịch tự do mà mỗi Bên ký kết là hoặc sẽ là một thành viên;
3. Những ưu đãi mà mỗi Bên ký kết đã dành hoặc sẽ dành cho bất cứ một nước đang phát triển nào theo các thoả thuận khu vực hoặc đa phương.
Điều 4: Thành lập các văn phòng thương mại
Mỗi Bên ký kết sẽ, theo luật pháp và các quy định hiện hành ở mỗi nước, cho phép việc thành lập các văn phòng thương mại của bên ký kết kia trên lãnh thổ của
mình và dành cho các văn phòng này sự đối xử không thấp hơn đối xử đã dành cho văn phòng thương mại của các nước thứ ba.
Điều 5: Thông tin/tạo thuận lợi thương mại
Để phát triển hơn nữa thương mại giữa hai nước, các Bên ký kết sẽ tạo thuận lợi tối đa có thể được cho việc trao đổi thông tin, các đoàn kinh doanh và thương mại.
Điều 6: Thoả thuận thương mại
Các giao dịch thương mại theo bản Hiệp định này sẽ có hiệu lực dựa trên cơ sở các hợp đồng được ký kết giữa các pháp nhân và tự nhiên nhân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Thống nhất Tan-da-ni-a. Các pháp nhân và tự nhiên nhân nêu trong đoạn này sẽ thực hiện các giao dịch thương mại của họ trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về mọi phương diện.
Điều 7: Giá cả hàng hoá
Các Bên ký kết sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng giá cả các loại hàng hoá được trao đổi theo Hiệp định này sẽ được xác định trên cơ sở giá của thị trường thế giới.
Đối với hàng hoá không xác định được giá của thị trường thế giới, mức giá cạnh tranh đối với các hàng hoá có chất lượng tương tự sẽ được áp dụng.
Điều 8: Phương thức thanh toán
Mọi thanh toán giữa Các Bên ký kết theo Hiệp định này sẽ được thực hiện bằng các đồng tiền tự do chuyển đổi thông qua hệ thống ngân hàng và phù hợp với luật pháp và các quy định về ngoại hối hiện hành ở mỗi nước.
Điều 9: Tham gia các hội chợ thương mại
Theo mục đích của Hiệp định này và căn cứ vào luật pháp của mỗi nước, Các Bên ký kết sẽ:
1. Khuyến khích việc tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế của hai nước;
2. Cho phép việc tổ chức ở mỗi nước các hội chợ và triển lãm thương mại và cho phép sử dụng các phương tiện cần thiết của nhau để tổ chức các hội chợ và triển lãm đó;
3. Cho phép và miễn thuế quan, thuế và các khoản phải nộp khác đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hoá không nhằm mục đích thương mại, cụ thể là:
(a) Hàng mẫu và các ấn phẩm cần thiết cho việc nhận được các đơn đặt hàng hoặc cho mục đích quảng cáo;
(b) Thiết bị được dùng để kiểm tra và thí nghiệm và thiết bị dùng cho việc dịch thuật và các thiết bị ghi âm;
(c) Vật liệu xây dựng và trang trí và thiết bị điện cho các gian hàng tạm thời hoặc cho việc trưng bày hoặc triển lãm các hàng hoá đó;
(d) Hàng hoá và thiết bị là một phần của hành lý cá nhân của các kỹ thuật viên và chuyên gia và chỉ nhằm phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của họ trong các hội chợ, triển lãm, thuyết minh, hội thảo, cuộc họp hoặc hội nghị theo mục đích được giao;
(e) Công cụ và thiết bị, sau khi đã được xuất khẩu, được đưa trở lại để sửa chữa nếu chúng được tái xuất sau khi sửa chữa; và
(f) Công-ten-nơ của hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu, với điều kiện chúng sẽ phải chịu phí, thuế và các khoản nộp khác hợp lý nếu chúng được bán hoặc được tiêu thụ.
Điều 10: Các biện pháp tự vệ
Với yêu cầu các biện pháp này không được áp dụng một cách tuỳ tiện hoặc phân biệt đối xử, các quy định của Hiệp định này sẽ không giới hạn các quyền của mỗi Bên thông qua hay thực hiện các biện pháp :
1. Vì lý do sức khoẻ cộng đồng, đạo đức, trật tự hay an ninh;
2. Để bảo vệ thực vật và động vật chống lại các loại bệnh và sâu bọ phá hoại;
3. Để bảo vệ khả năng tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán; hay
4. Bảo vệ các tài sản quốc gia hoặc các giá trị nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ.
Điều 11: Các cơ quan hữu quan
1. Cơ quan chịu trách nhiệm việc thi hành Hiệp định này và các vấn đề khác liên quan là:
(a) Đối với Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Thương mại.
(b) Đối với Chính phủ Cộng hoà Thống nhất Tan-da-ni-a là Bộ Thương mại và Công nghiệp.
2. Mỗi Bên có quyền chỉ định bằng văn bản vào bất kỳ thời gian nào cơ quan phù hợp khác để thay thế cơ quan hữu quan được chỉ định tại khoản 1 của Điều này.
Điều 12: Thành lập Uỷ ban Thương mại hỗn hợp
Hai Bên ký kết đồng ý thành lập Uỷ ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại bao gồm đại diện của hai Bên, Uỷ ban sẽ họp luân phiên tại thủ đô hai nước khi cần thiết vào thời gian được thống nhất để theo dõi và tạo thuận lợi cho việc thực hiện Hiệp định này và để xem xét và giải quyết các vấn đề liên quan tới việc thực hiện cũng như đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Điều 13: Giải quyết tranh chấp
Mọi tranh chấp giữa các Bên liên quan đến việc giải thích và thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết không chậm trễ, thông qua việc trao đổi ý kiến và đàm phán một cách hữu nghị theo quy định của luật pháp quốc tế.
Điều 14: Tính phổ cập
Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các hiệp ước, công ước và thoả ước quốc tế hiện hành mà mỗi Bên đã tham gia trước khi ký kết Hiệp định này.
Điều 15: Thời điểm hiệu lực
Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày hai Bên trao cho nhau công hàm thông báo về việc các thủ tục pháp lý ở hai nước đã được hoàn tất.
Điều 16: Sửa đổi
Mọi sự bổ sung và sửa đổi đối với Hiệp định này sẽ được thể hiện bằng văn bản và các Bên sẽ thông báo cho nhau khi các thủ tục pháp lý cần thiết để các bổ sung và sửa đổi đó có hiệu lực được hoàn thành.
Các bổ sung và sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày hai Bên trao cho nhau công hàm thông báo về việc các thủ tục pháp lý của hai Bên ký kết đã được hoàn tất.
Điều 17: Thời hạn và hết hiệu lực
1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực cho thời hạn đầu tiên là năm năm và sau đó sẽ được gia hạn cho thời hạn từng năm một trừ khi một Bên ký kết trao cho bên kia thông báo bằng văn bản ý định của mình muốn chấm dứt Hiệp định ít nhất sáu tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.
2. Khi Hiệp định hết hiệu lực, các điều khoản của Hiệp định và các điều khoản của các Hợp đồng và thoả thuận được ký theo Hiệp định này sẽ tiếp tục có hiệu lực đối với các nghĩa vụ chưa được hoàn thành hoặc mới nảy sinh cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ đó. Để làm bằng chứng cho việc thoả thuận, những người ký tên dưới đây, được sự uỷ quyền của Chính phủ nước mình, đã ký và đóng dấu vào Hiệp định này.