Hợp Đồng Kinh Doanh
Văn bản Pháp luật
Trừ một số hợp đồng thương mại đặc biệt theo quy định của Luật Thương mại ban hành ngày 14/06/2005, tất cả các hợp đồng phải theo quy định chung của Bộ luật Dân sự, được Quốc hội thông qua vào ngày 24/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Đây được coi là thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, vì khuôn khổ pháp lý cho các loại hợp đồng tại Việt Nam đã được quy định thống nhất.
Đặc điểm Hợp đồng
Mặc dù đây không phải là hình thức chính để tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, song các doanh nhân nước ngoài muốn tiến hành kinh doanh tại Việt Nam cần chú ý đến loại hình hợp đồng này vì ý nghĩa và tầm quan trọng của nó tới các hoạt động đầu tư và kinh doanh cũng như các cam kết của họ tại Việt Nam.
Hợp đồng kinh doanh phải được lập bằng văn bản, cần hoặc không cần công chứng, tùy thuộc vào tính chất giao dịch; phải do đại diện theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng ký kết, và tên của những người đại diện theo pháp luật phải được ghi một cách rõ ràng trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều lệ công ty trong trường hợp bên ký kết là một pháp nhân; và phải được đóng dấu của bên tham gia hợp đồng là pháp nhân theo quy chế về quản lý và sử dụng con dấu hoặc điều lệ của bên đó.
Một hợp đồng kinh doanh phải có các nội dung chính như mô tả hàng hóa và dịch vụ, chất lượng và số lượng, mức giá ấn định, phương thức và thời gian thanh toán đề xuất, điều kiện giao hàng hóa và dịch vụ, các điều khoản phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại, v.v. Phụ thuộc vào quá trình thương thảo của các bên trong hợp đồng, các điều kiện và điều khoản về bảo hành, thời hạn hợp đồng và giải quyết tranh chấp cũng cần được nêu
trong hợp đồng.
NGÂN HÀNG & TÀI CHÍNH
Văn bản Pháp luật
Trên thực tế, hệ thống pháp luật ngân hàng hiện nay đã được thiết lập kể từ ngày 12/12/1997 khi hai luật cơ bản là Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“Luật NHNNVN”) và Luật các Tổ chức Tín dụng (“Luật các TCTD”) được ban hành, mà đã lần lượt được sửa đổi ngày 17/06/2003 và 01/10/2004. Ngày 16/6/2010, Luật NHNNVN và Luật các TCTD được thay thế bởi Luật NHNNVN và Luật các TCTD mới và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, trong đó Luật các TCTD mới đã được sửa đổi vào năm 2017.
Hệ thống Ngân hàng
Hệ thống ngân hàng của Việt Nam được tổ chức theo hai cấp. Ở cấp thứ nhất, NHNNVN chịu trách nhiệm thực thi chính sách tiền tệ, thực hiện chức năng thanh tra và quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Cấp thứ hai bao gồm các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và công ty bảo hiểm. Phần này chỉ tập trung vào các quy định liên quan đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, bao gồm các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng thương mại liên doanh, ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài.
Trong đó, các ngân hàng nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Việt Nam có thể lựa chọn bốn hình thức là ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài, ngân hàng thương mại liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng thương mại liên doanh được thành lập bằng vốn góp của một hoặc nhiều ngân hàng Việt Nam và một hoặc
nhiều ngân hàng nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh dưới hình thức công ty TNHH hai thành viên trở lên; và ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài được thành lập với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu nước ngoài, trong đó phải có một ngân hàng nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ (ngân hàng mẹ) dưới hình thức công ty TNHH một thành viên hoặc hai thành viên trở lên. Cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng thương mại liên doanh và ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài bao gồm: Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc.
Tất cả các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động đối với ngân hàng thương mại liên doanh và ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài, Giấy phép mở chi nhánh đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giấy phép mở văn phòng đại diện đối với VPĐD của ngân hàng nước ngoài phải thực hiện theo quy định của Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngoài các điều kiện chung áp dụng đối với các ngân hàng trong nước, các ngân hàng thương mại liên doanh, ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VPĐD của ngân hàng nước ngoài đều phải đáp ứng những điều kiện cụ thể riêng áp dụng đối với từng loại hình để có thể đươc cấp Giấy phép. Sau khi được cấp Giấy phép, ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài, ngân hàng thương mại liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định tại LĐT và LDN, như được mô tả tại Phần 5 của văn bản này; VPĐD của ngân hàng nước ngoài phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật; và phải công bố thông tin trên phương tiện thông tin của Ngân hàng Nhà nước và trên một tờ báo viết hằng ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử của Việt Nam ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động.
Tùy thuộc vào giấy phép do NHNNVN cấp, các ngân hàng thương mại liên doanh, ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài có thể cung cấp nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng và dịch vụ khác
tại Việt Nam. Đối tác trong nước của một ngân hàng thương mại liên doanh phải là một ngân hàng thương mại đang hoạt động. Mức vốn pháp định bắt buộc tối thiểu đối với một ngân hàng thương mại liên doanh và ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài là 3.000 tỷ Đồng Việt Nam, tương đương với khoảng 150 triệu USD (có hiệu lực năm 2010).
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền cung cấp các dịch vụ ngân hàng được phép cung cấp tại Việt Nam như được quy định trong giấy phép của chi nhánh đó và pháp luật; trừ hoạt động góp vốn, mua phần vốn góp/cổ phần và hoạt động mà ngân hàng nước ngoài không được phép thực hiện tại nước nơi ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính. Mức vốn pháp định bắt buộc tối thiểu đối với một chi nhánh là 15 triệu USD. Cũng giống như văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế nước ngoài được mô tả trong Phần 6 ở trên, tại mỗi tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng chỉ được phép thành lập một VPĐD. VPĐD của ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện các hoạt động sau đây theo nội dung ghi trong giấy phép do NHNNVN cấp: (i) làm chức năng văn phòng liên lạc, (ii) nghiên cứu thị trường,
(iii) xúc tiến các dự án đầu tư của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, (iv) thúc đẩy và theo dõi việc thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận ký giữa ngân hàng nước ngoài với TCTD, doanh nghiệp Việt Nam, dự án do ngân hàng nước ngoài tài trợ tại Việt Nam, và (v) các hoạt động khác phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Nói chung, các ngân hàng thương mại liên doanh, ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải nộp các loại thuế giống như các doanh nghiệp khác. Nội dung này được mô tả chi tiết tại Phần 16.
Ngoại hối và Chuyển tiền
Quản lý Nhà nước trong vấn đề này do một số cơ quan Nhà nước cùng thực hiện. Trong đó, Chính phủ chịu trách nhiệm về chính sách chung về quản lý ngoại hối, dựa vào kiến nghị của Bộ Kế
hoạch Đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện chính sách chung đó, và NHNNVN chịu trách nhiệm quản lý và giám sát hàng ngày các kế hoạch trên của Bộ Tài chính.
(i) Tài khoản Ngân hàng
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài có thể mở tài khoản ngân hàng tại các ngân hàng được cấp phép và hoạt động tại Việt Nam hoặc tài khoản ở nước ngoài.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài có thể mở các tài khoản hoạt động sau:
tài khoản thanh toán bằng Đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng được cấp phép tại Việt Nam để chuyển vốn đầu tư đáp ứng các chi phí hợp pháp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam theo thỏa thuận bằng văn bản của các bên liên quan; chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài do không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc do không tiếp tục thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam; thực hiện các giao dịch mua ngoại tệ, chuyển vốn đầu tư và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp do giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp hoặc do thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư làm thay đổi pháp nhân ban đầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ cũng có thể là tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài;
tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng Đồng Việt Nam/ngoại tệ lựa chọn, hoặc tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng Đồng Việt Nam, của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp/cổ phần hoặc tham gia hợp đồng PPP hay hợp đồng BCC: Về nguyên tắc, tất cả các khoản thu chi liên quan đến
hoạt động đầu tư, bao gồm các khoản góp vốn, phải được thực hiện qua tài khoản này. Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp cũng có thể là tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.;
tài khoản tiền gửi; và
tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài, bao gồm:
tài khoản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài (rút vốn, trả nợ gốc, nợ lãi) theo thỏa thuận với bên cho vay nước ngoài. Mỗi khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện qua 01 (một) ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Bên đi vay có thể dùng 01 (một) tài khoản cho 01 (một) hoặc nhiều khoản vay nước ngoài.
tài khoản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đáp ứng các điều kiện xin cấp phép thành lập và hoạt động cho chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật nước sở tại; phục vụ cho hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài; thực hiện các cam kết theo hợp đồng PPP với bên nước ngoài.
Trong thực tế, không phải doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào cũng có quyền mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài vì phải đáp ứng một số tiêu chuẩn và phải được NHNNVN cấp giấy phép.
(ii) Cân đối Nhu cầu Ngoại tệ
Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Căn cứ định hướng phát triển kinh tế – xã hội, chính sách quản lý ngoại hối và khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác. Bảo đảm này sẽ được gia hạn cho toàn bộ quãng thời gian thực hiện dự án.
Khi thực hiện các giao dịch thu chi liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tín dụng được cấp phép có trách nhiệm bán ngoại tệ cho nhà đầu tư nước ngoài để chuyển ra nước ngoài trên cơ sở tự cân đối nguồn ngoại tệ của tổ chức mình và phù hợp với quy định của pháp luật.
(iii) Giao dịch Tiền mặt
Trên nguyên tắc, tất cả các thanh toán và khoản thu tại Việt Nam phải bằng Đồng Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật hiện hành cho phép và phụ thuộc vào chấp thuận của NHNNVN, bao gồm các ngân hàng thương mại và định chế tài chính, các điểm thu đổi ngoại tệ, v.v. Các nhà đầu tư nước ngoài là các bên trong hợp đồng BCC và công ty liên doanh được phép rút tiền ngoại tệ từ các tài khoản ngân hàng để trả lương và các khoản phụ cấp khác cho nhân viên người nước ngoài của mình làm việc tại Việt Nam, hoặc trả phí đi lại cho nhân viên trong nước trong các chuyến công tác nước ngoài.
Để đảm bảo cân bằng khả năng thanh toán quốc tế, Chính phủ chủ động tìm cách thu hút nguồn ngoại tệ vào Việt Nam, đồng thời quản lý chặt chẽ luồng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Có vẻ như không có quy định hạn chế đối với việc chuyển ngoại tệ vào Việt Nam, tuy nhiên, số ngoại tệ này phải được gửi lại một tài khoản ngoại tệ ở Việt Nam và/ hoặc được chuyển đổi thành Đồng Việt Nam. Hoạt động chuyển ngoại tệ ra nước ngoài chỉ được cho phép trong một số trường hợp đặc biệt sau:
Thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu;
Nhà đầu tư nước ngoài chuyển ngoại tệ ra nước ngoài: vốn đầu tư hoặc vốn tái đầu tư, lợi nhuận kiếm được từ hoạt động tại Việt Nam, tiền gốc và tiền lãi của các khoản cho vay và tín dụng nước ngoài, và các lợi ích hợp pháp khác;
Thanh toán chi phí công tác cho nhân viên khi đi nước ngoài, thanh toán tiền lương cho cán bộ của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và nhân viên Việt Nam làm việc
tại nước ngoài; và
Chuyển lương và thu nhập hợp pháp khác của người nước ngoài ra nước ngoài.
Để hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, pháp luật Việt Nam hiện hành yêu cầu hóa đơn có giá trị thanh toán từ 20 triệu VNĐ trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ
20 triệu VNĐ trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới 20 triệu VNĐ; hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới 20 triệu VNĐ theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thì chi phí mua hàng hóa, dịch vụ theo hóa đơn mới được tính là chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
(iv) Tỷ giá
Bất cứ việc chuyển đổi nào cũng phải dựa vào tỷ giá của ngân hàng được công bố tại thời điểm chuyển đổi. Tỷ giá do NHNNVN công bố tại thời điểm giao dịch sẽ là tỷ giá tham khảo.
Thị trường Vốn và Tài chính
Với nỗ lực của Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (“UBCKNN“), Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (“TTGDCK“) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập năm 2000 (hiện nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh, hay HOSE), và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) đã được thành lập vào năm 2004 (hiện nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, hay HNX). Ngoài ra, Sàn giao dịch chứng khoán của Công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCom) được thành lập tại HNX. Để thủ tục niêm yết đơn giản hơn đối với các doanh nghiệp và việc quản lý hiệu quả hơn của cơ quan Nhà nước, Chính phủ đã thực hiện dự án chuyển đổi hai sở giao dịch nêu trên thành hai công ty con do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, một công ty Nhà nước với cơ quan đại diện chủ sở hữu là Bộ Tài chính, nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Về quy mô giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã
vượt qua Xinh-ga-po, đứng thứ 2 trong ASEAN sau Thái Lan, giá trị giao dịch bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với bình quân năm trước. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 8.327.460 tỷ đồng vào cuối tháng 5/2022, tương đương với 99,15% GDP của Việt Nam. Tính đến hết ngày 31/05/2022, có 5.653.695 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước, và 41.118 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trong đó 36.904 thuộc sở hữu của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và 4.178 tài khoản thuộc sở hữu của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài; 43 công ty quản lý quỹ,
70 quỹ đầu tư chứng khoán và 90 công ty chứng khoán đã được UBCKNN cấp phép thành lập đang hoạt động sau 9 năm tái cấu trúc trên cả HOSE/ HSX và HNX bao gồm Sàn giao dịch UpCom, và sau đó là cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Các công ty này cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ liên quan đến kinh doanh chứng khoán. Hầu hết các công ty này đều có trụ sở hoặc chi nhánh/văn phòng liên lạc tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Có ba loại hàng hóa luôn được chào bán tại thị trường chứng khoán. Đó là: (i) các cổ phiếu niêm yết của khoảng 404 doanh nghiệp trên HSX, 348 doanh nghiệp trên HNX và 863 doanh nghiệp trên Sàn giao dịch Upcom, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa; (ii) trái phiếu do Chính phủ (377), các ngân hàng và doanh nghiệp phát hành (trong đó 5 niêm yết trên HSX và 45 niêm yết trên HNX); (iii) chứng chỉ quỹ (2 niêm yết trên HSX), Quỹ giao dịch hoán đổi – ETF (9 niêm yết trên HSX) và Chứng quyền có bảo hiểm – CW (102 niêm yết trên HSX); và (iv) chứng khoán phái sinh, là các công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở. Các giao dịch được phép trên thị trường Việt Nam bao gồm: (i) hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn niêm yết dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác theo quy định của Chính phủ được sử dụng làm cơ sở để xác định giá trị chứng khoán phái sinh; (ii) hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn giao dịch thỏa thuận dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán, chỉ số chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán; và (iii) hợp đồng hoán đổi, chủ yếu là hoán đổi ngoại tệ và
hoán đổi lãi suất.
Các cá nhân và tổ chức nước ngoài muốn mua chứng khoán niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (“TTLKCK“) trước đây và nay là Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (“TCTLK&BTCK“), mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại một công ty chứng khoán tại Việt Nam, mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng Đồng Việt Nam tại một ngân hàng được cấp phép tại Việt Nam, và mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại một ngân hàng thương mại hay công ty chứng khoán được UBCNKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký và đã đăng ký làm thành viên của TCTLK&BTCK. Trong khi đó các yêu cầu đơn giản hơn được áp dụng đối với cá nhân và tổ chức Việt Nam muốn mua chứng khoán niêm yết tại thị trường Việt Nam. Đối với các cổ phiếu niêm yết, các nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ tới 100% tổng số cổ phần đang lưu hành của một đơn vị phát hành, trừ một số trường hợp đặc biệt như đầu tư vào các ngành cụ thể (như ngân hàng) hoặc vào các công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài (lên tới 49%) hoặc do điều lệ của công ty đại chúng, công ty niêm yết có quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và đã báo cáo với UBCKNN. Đối với trái phiếu niêm yết, các cá nhân và tổ chức nước ngoài có thể nắm giữ tới 100% tổng số trái phiếu đang lưu thông của một đơn vị phát hành, trừ trường hợp điều lệ của đơn vị phát hành có quy định khác. Đối với các cổ phiếu chưa niêm yết, các giới hạn quyền sở hữu đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài là khác nhau áp dụng đối với các lĩnh vực kinh doanh khác nhau (về lý thuyết có thể nắm giữ tới 100%), và phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên, và các quy định nội luật cụ thể phù hợp; trường hợp công ty hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước
quốc tế có quy định khác.