HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Tóm tắt Chương 6 – Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)
Chương 6 EVFTA bao gồm các cam kết ràng buộc Việt Nam/EU trong việc ban hành và thực thi các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) (bao gồm các quy định, thủ tục nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, động thực vật) đối với hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp.
Về nội dung, Chương 6 EVFTA bên cạnh việc nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ về SPS theo WTO còn bổ sung thêm một số cam kết mới, trong đó đáng chú ý có:
- Cam kết về việc áp dụng thống nhất các biện pháp SPS đối với hàng hóa nhập khẩu từ Bên kia
- Thống nhất về cơ quan có thẩm quyền quản lý SPS của Việt Nam và EU
- Cam kết về việc miễn kiểm tra SPS với cơ sở sản xuất
- Quy trình công nhận tương đương các biện pháp SPS của nhau
- Biện pháp SPS khẩn cấp
Sau đây là tóm tắt một số cam kết đáng chú ý:
1. Cam kết về biện pháp SPS đối với hàng nhập khẩu
Trong EVFTA, liên quan tới các biện pháp SPS với hàng nhập khẩu, có một số cam kết đáng chú ý:
- Biện pháp SPS phải được áp dụng thống nhất đối với toàn bộ lãnh thổ của Bên xuất khẩu (ngoại trừ hàng hóa từ các vùng có nguy cơ).
Đối với Việt Nam, nghĩa vụ này được hiểu là thủ tục kiểm soát về SPS của Việt Nam đối với hàng EU nhập khẩu phải được áp dụng thống nhất, dù hàng hóa đó
là đến từ lãnh thổ của nước thành viên nào trong EU (trừ khi liên quan tới khu vực dịch bệnh).
- Biện pháp SPS phải có căn cứ khoa học, phù hợp với rủi ro có liên quan, ít hạn chế thương mại nhất có thể; được áp dụng công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch.
- Bên xuất khẩu phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu của Bên nhập khẩu.
- Bên nhập khẩu có quyền thực hiện kiểm tra nhập khẩu theo mức độ rủi ro về SPS của hàng nhập khẩu nhưng phải thông tin đầy đủ về tần suất kiểm tra và điều chỉnh tần suất cho phù hợp.
- Về các loại sâu bệnh: Việt Nam và EU phải thiết lập và cập nhật danh sách các loại sâu bệnh được kiểm soát và cung cấp các danh sách này cho Bên kia, chỉ áp dụng SPS với các loại sâu bệnh thuộc diện phải kiểm soát mà Bên nhập khẩu quan ngại.
2. Cam kết về quyền áp dụng biện pháp SPS theo khu vực địa lý
Theo EVFTA, Việt Nam và EU được quyền áp dụng các biện pháp SPS riêng theo phân vùng địa lý tùy thuộc nguy cơ dịch bệnh và sâu bệnh.
Cụ thể, đối với hàng hóa nhập khẩu, nếu trên lãnh thổ Bên xuất khẩu có vùng nguy cơ dịch bệnh cao, có vùng nguy cơ thấp và có vùng không có nguy cơ trong cùng một thời điểm thì Bên nhập khẩu sẽ có quyền chủ động phân vùng địa lý theo nguy cơ dịch bệnh, áp dụng các biện pháp SPS khác nhau đối với hàng hóa nhập khẩu xuất phát từ các vùng có nguy cơ khác nhau của Bên xuất khẩu.
Đối với hàng hóa của mình xuất khẩu đi, Việt Nam/EU cũng có quyền áp dụng các biện pháp SPS khác nhau đối với các vùng địa lý khác nhau theo nguy cơ dịch bệnh này.
Việc xác định tính chất của mỗi vùng (của cả nước nhập khẩu và nước xuất khẩu) phải căn cứ vào Hiệp định SPS của WTO, các tiêu chuẩn, khuyến nghị liên quan của Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).
Trường hợp Bên nhập khẩu phân vùng địa lý để áp dụng biện pháp SPS đối với hàng hóa nhập khẩu thì cần cân nhắc cả cách phân vùng nguy cơ dịch bệnh của Bên xuất khẩu; trường hợp không đồng ý với cách phân vùng của Bên xuất khẩu thì phải tạo điều kiện để hai Bên tham vấn về các bằng chứng liên quan.
3. Cam kết về cơ quan có thẩm quyền về SPS của Việt Nam và EU
EVFTA có một số cam kết xác định rõ phân quyền quản lý SPS ở mỗi Bên như sau:
(i) Cơ quan quản lý SPS của Việt Nam
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về các biện pháp SPS sau: (i) Đối với hàng nhập khẩu: Giám sát, kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh, sâu bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến con người, động thực vật và nền kinh tế;
(ii) Đối với hàng xuất khẩu: Thanh tra, kiểm dịch và phát hành giấy chứng nhận bảo đảm đáp ứng các SPS của EU;
- Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, tùy thuộc chức năng của mình, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm sử dụng cho người, bao gồm: (i) Đối với thực phẩm nhập khẩu, thực hiện việc giám sát, kiểm soát, ban hành các SPS và thủ tục chứng nhận SPS, tiến hành quy trình đánh giá rủi ro của sản phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất về việc tuân thủ các SPS của Việt Nam; (ii) Đối với thực phẩm xuất khẩu, kiểm tra và cấp chứng nhận;
(ii) Cơ quan quản lý SPS của EU
- Đối với sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam: Mỗi nước thành viên EU chịu trách nhiệm giám sát bảo đảm quá trình sản xuất tuân thủ các yêu cầu liên quan, thanh tra và phát hành chứng nhận sự phù hợp của hàng hóa với các yêu cầu SPS của Việt Nam;
- Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam: Mỗi nước thành viên EU chịu trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu với các điều kiện nhập khẩu của EU;
- Ủy ban châu Âu (cơ quan cấp Liên minh) chịu trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm tra/thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống pháp luật liên quan của các nước thành viên nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các SPS của thị trường nội địa EU.
4. Cam kết về việc miễn thanh tra doanh nghiệp
Theo quy định về SPS hiện tại của EU, đối với một số sản phẩm nông sản thực phẩm, đặc biệt là nhóm thủy sản, cơ sở sản xuất muốn được xuất khẩu sản phẩm đi EU thì phải được kiểm tra, xác minh và chấp thuận bởi EU là đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất của EU (gọi là thủ tục thanh tra doanh nghiệp). Để tạo thuận lợi cho thủ tục này, EVFTA có cam kết về việc miễn thủ tục thanh tra của Bên nhập khẩu đối với các cơ sở sản xuất đã đủ tiêu chuẩn theo chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu.
Phụ lục Chương SPS của EVFTA có quy định cụ thể về quy trình để thiết lập danh sách các cơ sở xuất khẩu được công nhận theo cam kết nói trên.
Đối với Việt Nam quy trình này sẽ như sau:
Về việc thiết lập danh sách:
- Trên cơ sở yêu cầu của EU, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ lập và gửi cho EU danh sách các cơ sở sản xuất mà Việt Nam xác nhận là đã đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của EU;
- Trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách mà Việt Nam gửi, EU sẽ phê chuẩn danh sách mà không trực tiếp sang Việt Nam thanh tra doanh nghiệp – thời hạn này có thể kéo dài thêm tối đa là 30 ngày nữa.
Để có tên trong danh sách này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan phải đáp ứng các điều kiện:
- Về hàng hóa sản xuất: Phải là loại hàng hóa đã được phía EU cho phép nhập khẩu và đã được cấp các chứng nhận phù hợp (nếu có yêu cầu về chứng nhận);
- Về cơ sở sản xuất: Phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận và bảo đảm là đã đáp ứng các điều kiện, yêu cầu của EU.
Phía EU cũng có quyền:
- Từ chối yêu cầu nhập khẩu của cơ sở sản xuất đã có tên trong danh sách với điều kiện phải thông báo cho Việt Nam về các căn cứ, lý do từ chối;
- Tiến hành thanh tra xác minh cả cơ quan quản lý Việt Nam chịu trách nhiệm lập danh sách (về tổ chức, cơ cấu, cách thức kiểm soát của cơ quan này) lẫn cơ sở sản xuất có tên trong danh sách (kiểm tra đại diện). Sau khi thanh tra xác minh có kết quả, danh sách này có thể sẽ phải điều chỉnh lại.
Cơ sở sản xuất có tên trong danh sách được phép xuất khẩu sang EU có thể bị đưa ra khỏi danh sách nếu:
- Cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam kiểm tra, xác định cơ sở sản xuất đó không còn đáp ứng các điều kiện, yêu cầu quy định;
- Kết quả thanh tra xác minh của cơ quan có thẩm quyền phía EU cho thấy doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không còn đáp ứng các điều kiện, yêu cầu quy định.
5. Cam kết về công nhận biện pháp SPS tương đương giữa Việt Nam và EU
Liên quan tới các biện pháp SPS, công nhận tương đương được hiểu là việc nước nhập khẩu công nhận rằng biện pháp SPS của nước xuất khẩu có hiệu quả tương đương với biện pháp SPS của mình. Nếu biện pháp SPS được công nhận tương đương, hàng nhập
khẩu sẽ chỉ phải làm thủ tục kiểm soát SPS tại nước xuất khẩu mà không phải làm lại thủ tục này khi đến cảng nước nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho người xuất nhập khẩu.
EVFTA không đạt được cam kết nào bắt buộc việc công nhận tương đương này mà chỉ nêu cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc công nhận tương đương, nếu có. Cụ thể:
- Với tư cách là Bên xuất khẩu, Việt Nam hoặc EU đều có quyền yêu cầu Bên kia (Bên nhập khẩu) công nhận tương đương một hoặc một số biện pháp SPS nhất định;
- Bên nhập khẩu phải bắt đầu thủ tục tham vấn về công nhận tương đương trong vòng 03 tháng kể từ khi khi nhận được yêu cầu này (ngắn hơn so với thời hạn mà WTO quy định là 6 tháng); việc xem xét tính tương đương cần được tiến hành nhanh chóng, đặc biệt đối với các sản phẩm đã từng nhập khẩu từ Bên xuất khẩu; Bên nhập khẩu cần xem xét đầy đủ yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật của Bên xuất khẩu nhằm tạo thuận lợi cho việc công nhận tương đương;
- Trong khi Bên nhập khẩu đang cân nhắc xem xét công nhận tính tương đương, việc nhập khẩu sản phẩm liên quan sẽ vẫn được tiến hành bình thường, không bị ngừng hoặc hoãn lại vì lý do này.
6. Cam kết về các biện pháp SPS khẩn cấp
Do gắn với các vấn đề về dịch tễ vốn không phải luôn luôn dự đoán trước được, bên cạnh các biện pháp SPS có tính ổn định (ví dụ dư lượng kháng sinh thủy sản, yêu cầu an toàn thực phẩm với sản phẩm đóng hộp…), có nhiều biện pháp SPS bất thường, khẩn cấp, gắn với các dịch bệnh bất ngờ.
EVFTA có các cam kết riêng về các biện pháp SPS khẩn cấp này, với mục tiêu vừa bảo đảm khả năng phản ứng nhanh với các trường hợp rủi ro cao về dịch tễ nhưng đồng thời tránh hiện tượng lạm dụng, hạn chế tối đa các tác động không cần thiết đối với thương mại.
Cụ thể, theo EVFTA, Bên nhập khẩu có quyền áp dụng các biện pháp SPS khẩn cấp cần thiết để bảo vệ sức khỏe tính mạng con người, động thực vật mà không cần báo trước. Tuy nhiên việc áp dụng biện pháp khẩn cấp này phải được tính toán để mức độ ảnh hưởng tới thương mại là thấp nhất có thể và Bên nhập khẩu trong vòng 24 giờ phải thông báo cho nước xuất khẩu về biện pháp này. Nếu Bên xuất khẩu có yêu cầu thì phải thực hiện tham vấn về tình trạng khẩn cấp liên quan trong vòng 10 ngày kể từ khi có thông báo.
7. Cam kết riêng cho Việt Nam về hỗ trợ kỹ thuật và hưởng linh hoạt về SPS
EVFTA có ghi nhận một số cam kết riêng, linh hoạt hơn cho phía Việt Nam, theo đó:
(i) EU cam kết sẽ có hỗ trợ kỹ thuật cho phía Việt Nam để tuân thủ các quy định SPS của EU
(ii) Đối với các biện pháp SPS mới ban hành:
EU có nghĩa vụ phải cân nhắc đến nhu cầu đặc biệt của phía Việt Nam trong việc duy trì xuất khẩu sang EU các sản phẩm liên quan tới các biện pháp SPS mới này.
Nếu nhận thấy biện pháp SPS khó đáp ứng, Việt Nam có thể yêu cầu Ủy ban SPS hỗn hợp theo Hiệp định này tham vấn và quyết định về một trong ba giải pháp linh hoạt sau:
- Cho một khoảng thời gian quá độ để Việt Nam tuân thủ biện pháp này;
- EU công nhận một biện pháp SPS tương đương thay thế;
- EU dành hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam dần đáp ứng được biện pháp này.