HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Tóm tắt Chương 8 – Tự do hóa đầu tư, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử
Chương 8 EVFTA là một Chương lớn, bao gồm nhóm cam kết trong 03 lĩnh vực thương mại quan trọng là (i) Dịch vụ qua biên giới, (ii) Đầu tư và (iii) Hiện diện thể nhân. Ngoài ra Chương này cũng bao gồm một số cam kết về các quy định pháp lý liên quan tới việc cung cấp dịch vụ và mạng lưới viễn thông công cộng, tài chính (có thể coi là các cam kết về dịch vụ riêng đối với các lĩnh vực này).
Sau đây là tóm tắt một số cam kết đáng chú ý:
I. ĐẦU TƯ
1. Phân biệt cam kết về đầu tư trong EVFTA và EVIPA
Mặc dù đã có Hiệp định riêng về bảo hộ đầu tư (Hiệp định EVIPA), EVFTA vẫn có các cam kết liên quan tới đầu tư. Tuy nhiên, cam kết trong EVFTA và EVIPA không trùng lặp hay chồng lấn bởi đã có sự phân định cụ thể về phạm vi:
- EVFTA quy định về vấn đề tự do hóa đầu tư: Xác định nhà đầu tư từ một Bên đầu tư vào Bên kia trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ sẽ được quyền đầu tư tới đâu, lĩnh vực nào, được thực hiện các hoạt động nào…
- EVIPA quy định về vấn đề bảo hộ đầu tư: Xác định các biện pháp bảo hộ mà Bên nhận đầu tư cam kết dành cho nhà đầu tư của Bên kia (bảo hộ an ninh an toàn, bảo hộ tài sản khi bị trưng thu trưng dụng, được quyền khởi kiện Nhà nước nước sở tại ra trọng tài quốc tế…).
Phần cam kết về đầu tư trong EVFTA được quy định trong Chương 8 - Tự do hóa đầu tư, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử và Các Phụ lục của Chương 8 Hiệp định EVFTA.
Các cam kết về đầu tư trong EVFTA nêu tại Chương 8 và các Phụ lục của Chương này bao gồm các nhóm cơ bản sau:
- Các nguyên tắc tự do hóa đầu tư (Mục B Lời văn Chương 8): bao gồm các nguyên tắc Tiếp cận thị trường, Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc, Yêu cầu thực hiện, Điều kiện và thủ tục cấp phép;
- Các cam kết cụ thể về khuôn khổ pháp lý đối với một số lĩnh vực dịch vụ/đầu tư (các Tiểu mục 3-7, Mục E Lời văn Chương 8): bao gồm dịch vụ máy tính, dịch vụ bưu chính, dịch vụ và mạng viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải biển quốc tế;
- Biểu cam kết cụ thể về tự do hóa đầu tư: bao gồm các lĩnh vực và mức độ cam kết mở cửa cụ thể về đầu tư của Việt Nam (Tiểu phụ lục 8-B-1, Phụ lục 8-B, và Phụ lục 8-C Chương 8) và EU (Tiểu phụ lục 8-A-2, Phụ lục 8-A Chương 8);
- 02 Biên bản ghi nhớ liên quan đến dịch vụ phân phối rượu vang và rượu mạnh, và vốn góp ngân hàng: Bao gồm các cam kết bổ sung cho Việt Nam cho EU trong các lĩnh vực liên quan.
Một số lĩnh vực, biện pháp được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của các cam kết về đầu tư trong EVFTA, bao gồm:
- Mua sắm công
- Các lĩnh vực dịch vụ: nghe nhìn; khai khoáng, vật liệu hạt nhân; vũ khí đạn dược và vật liệu chiến tranh; vận tải đường biển nội địa; vận tải hàng không quốc tế và nội địa (trừ một số dịch vụ như bảo trì bảo dưỡng, bán và tiếp thị, dịch vụ đặt giữ chỗ….)
- Các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích công cộng như: bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chính sách xã hội, ổn định tài chính, an ninh và an toàn, đa dạng văn hóa….
2. Cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư EU
Về tiếp cận thị trường, Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thị trường cho các nhà đầu tư EU mà chỉ cam kết mở cửa trong các lĩnh vực được liệt kê trong Biểu cam kết cụ về Cung cấp dịch vụ qua biên giới và Tự do hóa đầu tư của EVFTA (tại Tiểu phụ lục 8- B-1, Phụ lục 8-B, Chương 8).
Nguyên tắc mở cửa như trên gọi là “chọn – cho” (positive list), tương tự như cách cam kết trong WTO. Theo cách này, đối với các lĩnh vực có cam kết (tức là lĩnh vực được liệt kê trong Biểu cam kết), Việt Nam phải mở cửa tối thiểu ở mức như trong Biểu cam kết; đối với các lĩnh vực còn lại (không có trong Biểu cam kết), Việt Nam có thể mở cửa theo mức nào tùy nhu cầu, không chịu ràng buộc nào của EVFTA.
Với các lĩnh vực có cam kết mở cửa, trừ khi Biểu cam kết có quy định khác, Việt Nam cam kết không áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư sau:
i) hạn chế số lượng doanh nghiệp được phép tham gia thị trường
ii) hạn chế về tổng trị giá giao dịch
iii) hạn chế tổng số lượng hoạt động
iv) hạn chế về vốn góp nước ngoài
v) hạn chế về hình thức pháp nhân
vi) hạn chế về số lượng thể nhân được tuyển dụng
3. Cam kết về mở cửa đầu tư trong lĩnh vực sản xuất
Trong EVFTA, Việt Nam mở cửa cho gần như toàn bộ các lĩnh vực chế tạo và lĩnh vực nông nghiệp cho các nhà đầu tư EU, còn các lĩnh vực khác Việt Nam chưa có cam kết mở cửa (mặc dù đã đưa vào Bảng cam kết về đầu tư)
Bảng dưới đây tổng hợp các cam kết của Việt Nam trong EVFTA cho các lĩnh vực sản xuất:
Bảng – Tóm tắt cam kết mở cửa cho đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong EVFTA
Lĩnh vực | Cam kết của Việt Nam trong EVFTA |
Nông nghiệp | Mở cửa hoàn toàn (ngoại trừ nuôi trồng, sản xuất các loại động thực vật quý hiếm) |
Lâm nghiệp | Chưa cam kết |
Đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản | Chưa cam kết |
Khai thác mỏ và khoáng sản | Chưa cam kết |
Sản xuất, chế tạo | Mở cửa hoàn toàn, ngoại trừ các lĩnh vực sau chưa cam kết hoặc áp đặt một số hạn chế cụ thể: |
- Sản xuất đồ uống có cồn và đồ uống có ga - Sản xuất các sản phẩm thuốc lá - Sản xuất gỗ ảnh ảnh hưởng rừng tự nhiên - Xuất bản, in ấn và tái bản bản ghi - Sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ dầu mỏ - Sản xuất thiết bị nổ công nghiệp - Sản xuất kính xây dựng, gạch đất séc, thiết bị sản xuất xi măng, gạch, bê tông tươi, đá nghiền - Sản xuất thanh thép xây dựng D6-D32mm và ống thép hàn D11-D114mm; tấm nhuộm màu và mạ kẽm - Sản xuất pháo nổ, bao gồm pháo hoa - Sản xuất đèn trời - Sản xuất lắp ráp xe hơi - Đóng tàu và sửa chữa tàu biển - Sản xuất đầu máy xe lửa và xe điện và toa xe - Sản xuất máy bay và tàu vũ trụ - Lắp ráp xe gắn máy - Tái chế | |
Sản xuất, truyền tải và phân phối điện, ga, nước nóng và hơi nước trên đường riêng (không bao gồm phát điện trên cơ sở hạt nhân) | Chưa cam kết |
4. So sánh cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam trong EVFTA và WTO
Việt Nam cam kết mở cửa một số lĩnh vực dịch vụ trong EVFTA cao hơn WTO. Ngoài ra, có một số lĩnh vực mà trong WTO Việt Nam không có cam kết gì nhưng trong EVFTA có cam kết mở cửa, hay nói cách khác là mở cửa thêm so với WTO.
Bảng dưới đây tổng hợp các ngành và phân ngành dịch vụ mà Việt Nam mở cửa hơn hoặc mở cửa thêm trong EVFTA so với WTO cho đầu tư (Phương thức 3 – Hiện diện thương mại) từ các nước EU. Để biết chi tiết mức độ mở cửa hơn hoặc mở cửa thêm của Việt Nam trong EVFTA so với WTO cần xem trong Biểu cam kết về dịch vụ và đầu tư của Việt Nam trong EVFTA (Phụ lục 8-B, Chương 8 EVFTA)
Bảng – Ví dụ về các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có cam kết mở cửa đầu tư rộng hơn so với WTO
Ngành | Phân ngành mà Việt Nam cam kết mở cửa về đầu tư trong EVFTA cao hơn so với cam kết WTO |
Các ngành dịch vụ kinh doanh | Dịch vụ y tá, vật lý trị liệu và nhân viên trợ y (CPC 93191) Dịch vụ nghiên cứu và phát triển liên ngành (CPC 853) Dịch vụ thuê/cho thuê không kèm người điều khiển liên quan đến tàu thuỷ (CPC 83103) Dịch vụ lau dọn tòa nhà (CPC 874) Dịch vụ chụp ảnh chuyên biệt ngoại trừ chụp ảnh trên không (CPC 87504) Dịch vụ đóng gói (CPC 876) Dịch vụ hội chợ và triển lãm thương mại (CPC 87909**) |
Dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác (CPC 83109) Dịch vụ tư vấn quản lý (CPC 865) | |
Dịch vụ thông tin | Dịch vụ bưu chính (CPC 7511**) |
Các dịch vụ viễn thông | |
Phân phối | Đại lý hoa hồng Bán buôn, bán lẻ |
Môi trường | Dịch vụ vệ sinh và các dịch vụ tương tự (CPC 9403) Dịch vụ bảo vệ thiên nhiên và phong cảnh (CPC 9406) |
Dịch vụ tài chính | Dịch vụ bảo hiểm |
Dịch vụ ngân hàng | |
Dịch vụ xã hội và dịch vụ liên quan tới sức khỏe | Dịch vụ bệnh viện (CPC 9311) Các dịch vụ nha khoa và khám bệnh (CPC 9312) |
Dịch vụ y tế và xã hội: Dịch vụ xã hội (CPC 933, bao gồm CPC 9331 và 9332) | |
Vận tải | Dịch vụ vận tải biển hành khách và hàng hoá (CPC 7211 và CPC 7212) Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay (CPC 8868**) |
Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu thủy (CPC 8868*) Dịch vụ đại lý hàng hải (CPC 748*) Dịch vụ kho bãi công-ten-nơ |
Dịch vụ gom hàng Dịch vụ tái phân phối công-ten-nơ Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu thủy (CPC 8868*) Dịch vụ mặt đất, không bao gồm bảo dưỡng và làm sạch máy bay, vận tải mặt đất, quản lý sân bay và dịch vụ bảo đảm hoạt động bay Dịch vụ cung cấp suất ăn trong chuyến bay Dịch vụ xếp dỡ hàng hóa hàng hải (CPC 741) Dịch vụ nạo vét |
5. Cam kết của Việt Nam về đối xử công bằng giữa nhà đầu tư EU với nhà đầu tư trong nước (NT)
Liên quan tới đối xử công bằng giữa nhà đầu tư EU với nhà đầu tư nội địa của Việt Nam, EVFTA có cam kết về đối xử quốc gia (National treatment – NT) với các chi tiết cụ thể về phạm vi và yêu cầu trong đối xử.
Nguyên tắc NT cơ bản đòi hỏi Việt Nam một khi đã cho phép nhà đầu tư EU tiếp cận thị trường Việt Nam thì phải đối xử với các nhà đầu tư EU và “doanh nghiệp” của họ không kém thuận lợi hơn đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam trong hoàn cảnh tương tự.
Tuy nhiên, nguyên tắc này áp dụng có giới hạn cụ thể và khác nhau ở từng vấn đề:
- Trong quá trình thành lập “doanh nghiệp”: Đối với các lĩnh vực thuộc Biểu cam kết, Việt Nam cam kết dành cho nhà đầu tư EU và “doanh nghiệp” của họ đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử với nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam trừ khi Biểu cam kết có quy định khác.
Ngoại lệ: Việt Nam có quyền áp dụng thủ tục riêng trong thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư EU miễn là thủ tục này không hạn chế đáng kể quyền của nhà đầu tư EU. Luật Đầu tư hiện hành của Việt Nam đang đi theo hướng này, với thủ tục đăng ký đầu tư riêng cho nhà đầu tư nước ngoài (nói chung, trong đó có nhà đầu tư EU), khác với thủ tục áp dụng cho nhà đầu tư trong nước.
- Trong quá trình vận hành/hoạt động của “doanh nghiệp”: Đối với tất cả các lĩnh vực (dù có hay không có trong Biểu cam kết), Việt Nam cam kết dành cho nhà đầu tư EU và “doanh nghiệp” của họ đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử với nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam trừ trường hợp Biểu cam kết có quy định khác.
Ngoại lệ: Việt Nam có thể tiếp tục duy trì (i) các biện pháp phân biệt đối xử đã có trước hoặc vào ngày EVFTA có hiệu lực, (ii) các biện pháp không kém phù hợp hơn so với cam kết EVFTA, (iii) các biện pháp không gây thiệt hại hơn cho “doanh nghiệp” của EU đã được thành lập trước đó.
6. Cam kết của Việt Nam về đối xử công bằng giữa nhà đầu tư EU với nhà đầu tư từ nước khác (MFN)
Trong EVFTA có cam kết về nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (Most-Favored Treatment – MFN) với các phạm vi và điều kiện cụ thể. Nguyên tắc MFN trong EVFTA cơ bản đòi hỏi Việt Nam phải đối xử với các nhà đầu tư EU và “doanh nghiệp” của họ không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho nhà đầu tư, “doanh nghiệp” của bất kỳ nước nào khác trong hoàn cảnh tương tự.
Khác với nguyên tắc NT, nguyên tắc MFN trong đầu tư không áp dụng cho quá trình thành lập “doanh nghiệp” mà chỉ áp dụng cho quá trình vận hành/hoạt động của “doanh nghiệp”
Nguyên tắc MFN này không bị giới hạn ở các lĩnh vự đầu tư có trong Biểu cam kết mà áp dụng chung cho tất các lĩnh vực đầu tư ngoại trừ các lĩnh vực:
- Dịch vụ truyền thông (trừ bưu chính và viễn thông)
- Dịch vụ giải trí, văn hóa và thể thao
- Thủy sản và nuôi trồng thủy sản
- Lâm nghiệp và săn bắn
- Khai khoáng (bao gồm cả dầu khí)
Nguyên tắc MFN trong đầu tư theo EVFTA cũng không áp dụng với các đối xử mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư, “doanh nghiệp” của họ theo các cam kết tại:
- Các hiệp định có hiệu lực trước ngày 01/08/2020;
- Các hiệp định có cam kết xóa bỏ đáng kể tất cả các rào cản đối với hoạt động của “doanh nghiệp” hoặc yêu cầu sự tương đương pháp luật trong một hoặc nhiều ngành kinh tế (bao gồm cả Cộng đồng kinh tế ASEAN);
- Các hiệp định tránh đánh thuế hai lần hoặc có liên quan một phần hoặc toàn bộ đến thuế; hoặc
- Các hiệp định liên quan tới trình độ chuyên môn, giấy phép, biện pháp thận trọng về Dịch vụ tài chính.
7. Cam kết về các yêu cầu về hoạt động (PR)
Liên quan tới việc thành lập, vận hành “doanh nghiệp” của nhà đầu tư nước ngoài (EU hoặc bất kỳ nước nào khác) trong các lĩnh vực thuộc Biểu cam kết, EVFTA yêu cầu Việt Nam và EU không được áp dụng một số yêu cầu đối với hoạt động (Performance Requirements – PR) đối với các đối tượng này.
Cụ thể, theo EVFTA, Việt Nam sẽ:
(i) Không áp đặt các yêu cầu sau:
- Xuất khẩu một mức độ hoặc tỷ lệ nhất định sản phẩm;
- Đạt một mức độ hoặc một tỷ lệ nhất định hàm lượng nội địa hóa;
- Mua, sử dụng hoặc dành ưu đãi đối với sản phẩm sản xuất/cung cấp tại Việt Nam; mua sản phẩm của chủ thể kinh doanh tại Việt Nam;
- Ràng buộc số lượng/giá trị nhập khẩu với số lượng/giá trị xuất khẩu hoặc nguồn thu ngoại tệ của “doanh nghiệp”;
- Ràng buộc (hạn chế) việc bán sản phẩm ở Việt Nam với số lượng/ giá trị xuất khẩu hoặc các khoản thu ngoại tệ của “doanh nghiệp”;
- Chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, kiến thức độc quyền cho một chủ thể tại Việt Nam; hoặc
- Cung cấp độc quyền sản phẩm của “doanh nghiệp” từ Việt Nam đến khu vực cụ thể hoặc thị trường thế giới.
(ii) Không đặt ra các yêu cầu sau đây như là điều kiện để cho hưởng hoặc tiếp tục cho hưởng các ưu đãi nhất định:
- Đạt một mức độ hoặc một tỷ lệ nhất định hàm lượng nội địa hóa;
- Mua, sử dụng hoặc dành ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất tại tại Việt Nam hoặc của nhà sản xuất tại Việt Nam;
- Ràng buộc số lượng/giá trị nhập khẩu với số lượng/giá trị xuất khẩu hoặc nguồn thu ngoại tệ của “doanh nghiệp”;
- Ràng buộc (hạn chế) việc bán sản phẩm ở Việt Nam với số lượng/ giá trị xuất khẩu hoặc các khoản thu ngoại tệ của “doanh nghiệp”
Ngoại lệ: Việt Nam có thể đặt ra các yêu cầu về lãnh thổ, về R&D… làm điều kiện hưởng ưu đãi; không bị ràng buộc bởi các cam kết này trong trường hợp các chương trình xúc tiến xuất khẩu.
Chú ý, nguyên tắc PR này của EVFTA không áp dụng đối với một số trường hợp, ví dụ các yêu cầu liên quan tới các chương trình xúc tiến xuất khẩu, viện trợ nước ngoài…
II. DỊCH VỤ QUA BIÊN GIỚI
1. Cam kết về dịch vụ qua biên giới trong EVFTA
Cam kết trong EVFTA về Dịch vụ qua biên giới được nêu trong Chương 8 và các Phụ lục của Chương 8, bao gồm nguyên tắc ứng xử và cam kết mở cửa thị trường của một Bên (Việt Nam hoặc EU) với nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia khi họ cung cấp dịch vụ ở 02 phương thức gồm:
- Phương thức 1 – Cung cấp dịch vụ qua biên giới, và
- Phương thức 2 – Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài
Các nhóm cam kết chính về Dịch vụ qua biên giới trong EVFTA bao gồm:
- Các nguyên tắc và nghĩa vụ ứng xử chung nêu tại Mục C – Cung cấp dịch vụ qua biên giới trong phần Lời văn của Chương 8 (bao gồm 2 nguyên tắc chính là Tiếp cận thị trường và Đối xử quốc gia);
- Các nguyên tắc riêng đối với một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể (bao gồm dịch vụ máy tính, dịch vụ bưu chính, dịch vụ và mạng viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải biển quốc tế) nêu tại các Tiểu mục 3-7, Mục E Lời văn Chương 8:
- Các cam kết mở cửa cụ thể đối với từng ngành, phân ngành dịch vụ nêu trong Phụ lục 8-B (Biểu cam kết mở cửa dịch vụ, đầu tư, chung cho cả 03 phương thức 1-2-3 của Việt Nam) và Phụ lục 8-C (Ngoại lệ của Việt Nam về Đối xử quốc gia).
2. Các nguyên tắc cơ bản nào đối với mở cửa dịch vụ qua biên giới
Tương tự như với đầu tư, cách tiếp cận của EVFTA về mở cửa thị trường dịch vụ qua biên giới là theo phương pháp chọn – cho (Xem thêm các Câu về Đầu tư ở trên). Theo cách này, Việt Nam chỉ mở cửa cho các dịch vụ qua biên giới cho các dịch vụ và theo mức mở như nêu trong Biểu cam kết; đối với các lĩnh vực còn lại (không được nêu trong Biểu cam kết), Việt Nam có thể mở cửa tùy nhu cầu, không chịu ràng buộc nào của EVFTA.
Theo EVFTA, đối với dịch vụ qua biên giới của nhà cung cấp dịch vụ EU, Việt Nam phải bảo đảm 02 nguyên tắc sau:
• Nguyên tắc tiếp cận thị trường:
Theo nguyên tắc này, đối với các dịch vụ có trong Biểu cam kết, Việt Nam sẽ dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ EU đối xử không thấp hơn các điều kiện, hạn chế, cách thức như nêu trong Biểu cam kết.
Đồng thời, đối với các ngành có trong Biểu này, Việt Nam cũng cam kết không áp đặt các hạn chế sau đây đối với nhà cung cấp dịch vụ EU:
- Số lượng các nhà cung cấp dịch vụ,
- Tổng giá trị giao dịch dịch vụ, và
- Tổng số các hoạt động dịch vụ hoặc tổng lượng sản phẩm dịch vụ đầu ra.
• Nguyên tắc đối xử quốc gia:
Theo nguyên tắc này, đối với các dịch vụ có trong Biểu cam kết, liên quan tới các biện pháp ảnh hưởng tới việc cung cấp dịch vụ qua biên giới, Việt Nam cam kết đối xử với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ EU không kém thuận lợi hơn so với dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ nội địa tương tự trừ khi Biểu cam kết có quy định khác.
Về phạm vi: Hai nguyên tắc nói trên (tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia) áp dụng với tất cả dịch vụ cung cấp qua biên giới có trong Biểu cam kết ngoại trừ các dịch vụ sau đây:
- Dịch vụ nghe nhìn
- Dịch vụ vận tải đường biển nội địa
- Một số dịch vụ vận tải hàng không
3. So sánh cam kết mở cửa dịch vụ qua biên giới của Việt Nam trong EVFTA và WTO
EVFTA có một số lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có mức cam kết mở cửa rộng hơn so với WTO. Bảng dưới đây tổng hợp các ngành và phân ngành dịch vụ qua biên giới mà Việt Nam mở cửa hơn hoặc mở cửa thêm trong EVFTA so với WTO cho các nhà cung cấp dịch vụ EU. Để biết chi tiết mức độ mở cửa hơn hoặc mở cửa thêm của Việt Nam trong EVFTA so với WTO cần xem trong Biểu cam kết về dịch vụ và đầu tư của Việt Nam trong EVFTA (Phụ lục 8-B, Chương 8 EVFTA)
Bảng – Ví dụ về các lĩnh vực mà Việt Nam có cam kết mở cửa cho dịch vụ cung cấp qua biên giới rộng hơn so với WTO
Ngành | Phân ngành dịch vụ mà Việt Nam cam kết mở cửa cho dịch vụ qua biên giới trong EVFTA cao hơn so với trong WTO |
Các ngành dịch vụ kinh doanh | Dịch vụ y tá, vật lý trị liệu và nhân viên trợ y (CPC 93191) Dịch vụ nghiên cứu và phát triển liên ngành (CPC 853) Dịch vụ thuê/cho thuê không kèm người điều khiển liên quan đến tàu thuỷ (CPC 83103) Dịch vụ lau dọn tòa nhà (CPC 874) Dịch vụ chụp ảnh chuyên biệt ngoại trừ chụp ảnh trên không (CPC 87504) Dịch vụ đóng gói (CPC 876) Dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác (CPC 83109) |
Dịch vụ thông tin | Dịch vụ bưu chính (CPC 7511**) |
Giáo dục | Giáo dục bậc cao (CPC 923) Giáo dục cho người lớn (CPC 924) Các dịch vụ giáo dục khác bao gồm đào tạo ngoại ngữ (CPC 929) |
Môi trường | Dịch vụ vệ sinh và các dịch vụ tương tự (CPC 9403) Dịch vụ bảo vệ thiên nhiên và phong cảnh (CPC 9406) |
Dịch vụ xử lý nước thải (CPC 9401) | |
Dịch vụ tài chính | Dịch vụ nhượng tái bảo hiểm |
Dịch vụ chứng khoán | |
Dịch vụ xã hội và dịch vụ liên quan tới sức khỏe | Dịch vụ y tế và xã hội: Dịch vụ xã hội (CPC 933, bao gồm CPC 9331 và 9332) |
Vận tải | Dịch vụ vận tải biển hành khách và hàng hoá (CPC 7211 và CPC 7212) |
Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu thủy (CPC 8868*) Dịch vụ đại lý hàng hải (CPC 748*) Dịch vụ kho bãi công-ten-nơ Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa tàu thủy (CPC 8868*) Dịch vụ mặt đất, không bao gồm bảo dưỡng và làm sạch máy bay, vận tải mặt đất, quản lý sân bay và dịch vụ bảo đảm hoạt động bay Dịch vụ cung cấp suất ăn trong chuyến bay Dịch vụ xếp dỡ hàng hóa hàng hải (CPC 741) Dịch vụ kho bãi (CPC 742) Dịch vụ nạo vét |
III. Cam kết mở cửa của Việt Nam cho lao động từ các nước EU
Trong EVFTA, Việt Nam không mở cửa cho lao động nói chung mà chỉ cho phép nhập cảnh và lưu trú tạm thời đối với một số hình thức lao động đặc thù với những điều kiện cụ thể.
Thực chất, trong EVFTA cũng như các cam kết FTA khác, mở cửa về lao động chỉ giới hạn ở lao động liên quan tới dịch vụ và đầu tư, thường được xếp vào nhóm “Hiện diện thể nhân” hay “Hiện diện tạm thời của cá nhân vì mục đích kinh doanh”. EVFTA không có cam kết mở cửa đối với lao động theo nghĩa thông thường.
Cụ thể, trong Hiệp định này, Việt Nam chỉ cho phép 04 nhóm đối tượng dưới đây được phép nhập cảnh và lưu trú tạm thời vào Việt Nam:
1. Khách kinh doanh vì mục đích thành lập doanh nghiệp: là người có vị trí cao cấp trong một pháp nhân của EU và sang Việt Nam vì mục đích thành lập một doanh nghiệp của pháp nhân đó tại Việt Nam.
2. Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp: là quản lý hoặc giám đốc, chuyên gia hoặc nhân viên thực tập đã làm cho một pháp nhân của EU ít nhất 01 năm và được chuyển công tác tạm thời sang một doanh nghiệp của pháp nhân đó tại Việt Nam.
3. Người chào bán dịch vụ: người đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ hoặc hàng hoá của EU sang Việt Nam để đàm phán, thoả thuận nhằm chào bán dịch vụ hoặc hàng hoá.
4. Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng: là người được thuê bởi một pháp nhân của EU - chưa có hiện diện thương mại ở Việt Nam và có hợp đồng cung cấp dịch vụ với một người tiêu dùng tại Việt Nam – nhằm thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ đó, với điều kiện có bằng đại học, có chứng chỉ hành nghề, ít nhất 02 năm làm việc với pháp nhân EU liên quan, và có kinh nghiệm ít nhất 05 năm trong lĩnh vực dịch vụ liên quan.
Tuy nhiên, các loại hình lao động từ 1 đến 3 chỉ được phép nhập cảnh nếu thuộc các lĩnh vực Việt Nam có cam kết mở cửa (Tiểu phụ lục 8-B-1, Chương 8, EVFTA).
Riêng loại hình 4 – nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, Việt Nam chỉ mở cửa trong 8 lĩnh vực sau:
- Dịch vụ kiến trúc
- Dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị
- Dịch vụ tư vấn kỹ thuật
- Dịch vụ kỹ thuật đồng bộ
- Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan
- Dịch vụ giáo dục bậc cao (chỉ đối với dịch vụ do tư nhân đầu tư)
- Dịch vụ đào tạo ngoại ngữ
- Dịch vụ môi trường
Dưới đây là tóm tắt các điều kiện đối với từng loại hình hiện diện tạm thời của cá nhân vì mục đích kinh doanh mà Việt Nam cam kết trong EVFTA.
Bảng – Tóm tắt cam kết của Việt Nam về hiện diện tạm thời của cá nhân kinh doanh trong EVFTA
Loại hình | Thời hạn | So với WTO |
Khách kinh doanh vì mục đích thành lập doanh nghiệp | 90 ngày | 90 ngày |
Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp | Quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia: 3 năm Nhân viên thực tập: 1 năm (cam kết này Việt Nam chỉ phải thực hiện 3 năm sau khi EVFTA có hiệu lực) | Quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia: 3 năm và có thể được gia hạn Nhân viên thực tập: không có cam kết |
Người chào bán dịch vụ | 90 ngày | 90 ngày |
Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng | 6 tháng hoặc theo thời hạn hợp đồng, tuỳ thời hạn nào ngắn hơn | 90 ngày hoặc theo thời hạn hợp đồng, tuỳ thời hạn nào ngắn hơn |