HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ VÀ HÌNH SỰ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN
HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ VÀ HÌNH SỰ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN
(trích)
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân dân Triều Tiên (sau đây gọi tắt là “các bên ký kết”).
Với mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự,
Đã thoả thuận những điều sau:
Chương I
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Bảo hộ pháp lý
1. Công dân của bên ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sự bảo hộ pháp lý về các quyền nhân thân và tài sản mà bên ký kết kia dành cho công dân của nước mình.
2. Các quy định tại Khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với các pháp nhân được thành lập theo pháp luật của một Bên ký kết và có trụ sở trên lãnh thổ cuả một Bên ký kết này.
3. Trong Hiệp định này khái niệm về “Các vấn đề dân sự” được hiểu bao gồm cả các vấn đề thương mại, gia đình và lao động.
Điều 2. Tương trợ tư pháp
1. Công dân và pháp nhân của Bên ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sự trợ giúp pháp lý theo cùng những điều kiện áp dụng cho công dân và pháp nhân của bên ký kết kia.
2. Các Bên ký kết tiến hành tương trợ tư pháp đối với các lĩnh vực liên quan thông qua các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề dân sự và hình sự, bao gồm các toà án và cơ quan kiểm sát.
Điều 3. Phạm vi tương trợ tư pháp
Theo yêu cầu pháp luật của các Bên ký kết, tương trợ tư pháp theo quy định của Hiệp định này bao gồm:
1) Thực hiện các hành vi tố tụng bao gồm lấy lời khai của đương sự, bị cáo, người làm chứng, người giám định và người bị hại;
2) Cung cấp thông tin và tài liều về các vụ việc;
3) Thi hành yêu cầu về truy tìm, bắt giữ và cung cấp chứng cứ;
4) Công nhận và thi hành quyết định, bản án của Toà án về các vấn đề dân sự, các phán quyết và quyết định của Trọng tài;
5) Điều tra, bắt giữ người phạm tội và chuyển giao.
Điều 4. Thủ tục liên hệ để thực hiện tương trợ tư pháp
1. Khi có yêu cầu tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự, Toà án, các cơ quan có thẩm quyền khác của các Bên ký kết liên hệ với nhau thông qua Cơ quan trung ương của nước mình.
2. Về phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cơ quan Trung ương là Bộ Tư pháp đối với các vấn đề dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với các vấn đề về hình sự và dẫn độ.
Về phía Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cơ quan trung ương là Toà án trung ương và Viện công tố trung ương.
Điều 5. Ngôn ngữ sử dụng trong tương trợ tư pháp
Cơ quan có thẩm quyền của các bên ký kết sử dụng ngôn ngữ của nước mình hoặc tiếng Anh khi liên hệ với nhau về các vấn đề được quy định trong Hiệp định này.
Điều 6. Hình thức và nội dung của yêu cầu tương trợ tư pháp
1. Yêu cầu tương trợ tư pháp được lập thành văn bản, bằng ngôn ngữ của Bên ký kết yêu cầu và được dịch sang tiếng Anh.
Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp phải có những nội dung chính sau:
1) Tên của cơ quan yêu cầu và cơ quan được yêu cầu;
2) Tên của vụ việc được yêu cầu và nội dung chi tiết của yêu cầu;
3) Họ tên, ngày sinh, giới tính, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, nơi thường trú, tạm trú của những người có liên quan đến vụ việc;
4) Tên và địa chỉ của pháp nhân;
5) Tên và địa chỉ của đại lý;
6) Tên của các giấy tờ được tống đạt;
7) Đối với vụ việc về hình sự, còn phải miêu tả cả tội phạm, những quy định có liên quan và nêu rõ tội danh.
2. Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp phải được người đại diện có thẩm quyền của Bên ký kết yêu cầu ký và đóng dấu chính thức.
3. Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp phải được kèm theo những tài liệu và dữ liệu cần thiết cho việc thực hiện yêu câu.
Điều 7. Chứng nhận và tống đạt giấy tờ
1. Các giấy tờ được lập chính thức trên lãnh thổ của bên ký kết này, các bản sao và bản dịch các giấy tờ đó đã được chứng thực được công nhận trên lãnh thổ của Bên ký kết kia nếu những giấy tờ này được ký kết hợp lệ và đóng dấu chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
2. Các Bên ký kết tống đạt giấy tờ qua các Cơ quan trung ương được quy định tại khoản 2 Điều 4 của Hiệp định này.
3. Cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của bên ký kết này với sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại có quyền tống đạt giấy tờ toà án và các loại giấy tờ khác cho công dân và pháp nhân của nước mình tren lãnh thổ của Bên ký kết kia, một cách trực tiếp và không áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Điều 8. Thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự
Theo các quy định về tương trợ tư pháp trong Hiệp định này, Cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của một bên Ký kết cũng có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về tương trợ tư pháp.
Điều 9. Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp và thông báo kết quả
1. Sau khi thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp một cách chính xác và đúng hạn, cơ quan được yêu cầu có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan yêu cầu bằng văn bản kết quả của việc thực hiện cùng các giấy tờ xác định thời gian và địa điểm đã thực hiện yêu cầu.
Giấy tờ xác nhận phải có chữ ký và được đóng dấu chính thức của cơ quan đã thực hiện yêu cầu.
2. Cơ quan được yêu cầu của Bên ký kết này có thể đề nghị cơ quan yêu cầu của Bên ký kết kia về việc bổ sung những tài liệu cần thiết trong trường hợp khó thực hiện được yêu cầu do địa chỉ không rõ ràng hoặc vì bất cứ lý do nào khác.
3. Khi thực hiện yêu cầu về tống đạt giấy tờ, văn bản xác nhận phải có chữ ký của người nhận, ngày và nơi nhận cũng như chữ ký của người tống đạt, trong trường hợp người từ chối nhận thì cần gi rõ lý do trong văn bản xác nhận.
Điều 10. Từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp
Trong trường hợp từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp, Bên ký kết được yêu cầu có nghĩa vụ thông báo cho Bên ký kết yêu cầu lý do và phải trả lại toàn bộ giấy tờ cũng như văn bản yêu cầu.
Bên ký kết được yêu cầu có thể từ chối thực hiện yêu cầu trong những trường hợp sau:
1) Việc thực hiện yêu cầu của bên ký kết yêu cầu có thể làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, chế độ nhà nước, trật tự xã hội, hoặc trái với pháp luật trong nước cuả Bên ký kết được yêu cầu.
2) Cơ quan được yêu cầu của một Bên ký kết không có thẩm quyền thực hiện yêu cầu, cũng như không thể chuyển giao yêu cầu này cho bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào khác.
Điều 11. Xxxxx tập người làm chứng và người giám định
1. Trong quá trình điều tra sơ bộ hoặc thẩm vấn tại toà án, Bên ký kết này có thể gửi giấy triệu tập cho Bên ký kết kia để yêu cầu công dân của nước đó đến làm chứng hoặc làm người giám định.
2. Bên ký kết được yêu cầu, khi nhận được giấy triệu tập phải tống đạt cho các công dân có liên quan.
3. Trong giấy triệu tập không được đưa ra chế tài áp dụng đối với người được triệu tập trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập.
Điều 12. Bảo vệ người làm chứng và người giám định
1. Các thủ tục tố tụng hình sự cũng như hành chính không được áp dụng để chống lại người làm chứng hoặc người giám định đã có mặt theo yêu cầu triệu tập của một Bên ký kết vì một hành vi đã phạm trước khi qua biên giới của Bên ký kết yêu cầu, và họ cũng không thể bị bắt.
2. Trừ trường hợp người làm chứng hoặc người giám định không thể rời khỏi lãnh thổ của một bên ký kết vì lý do khách quan, họ sẽ mất quyền bảo vệ nếu không rời khỏi lãnh thổ
nước này trong vòng 15 ngày kể từ ngày được thông báo việc có mặt của họ là không cần thiết nữa hoặc người đó phải trở về nước.
3. Cơ quan đã triệu tập người làm chứng và người giám định có nghĩa vụ thông báo cho họ bằng văn bản nội dung của khoản 1 và khoản 2 Điều này trước khi thẩm vấn họ lần đầu tiên.
Điều 13. Xxxxxx giao người đang thực hiện án tù được yêu cầu người làm chứng hoặc người giám định
1. Trong trường hợp bất cứ một bên ký kết nào yêu cầu triệu tập một tù nhân với tư cách là người làm chứng hoặc người giám định, bên kia có nghĩa vụ chuyển giao người này với điều kiện có sự đồng ý của người đó và Bên ký kết yêu cầu chuyển giao có nghĩa vụ chuyển giao lại người này trong thời hạn đã thoả thuận.
2. Người đang thực hiện án tù được chuyển giao để có mặt với tư cách là người làm chứng hoặc người giám định không được khấu trừ thời gian chuyển giao vào thời hạn tù.
3. Bên ký kết được yêu cầu người đang thực hiện án tù có thể từ chối việc chuyển giao với những điều kiện sau:
1) Nếu bên được yêu cầu cần thiết phải giữ người được yêu cầu chuyển giao trong phạm vi lãnh thổ nước mình;
2) Nếu không thể chuyển giao người đó vì lý do đặc biệt.
Điều 14. Chi phí tương trợ tư pháp
1. Công dân của Bên ký kết này được miễn án phí trên lãnh thổ của Bên ký kết kia theo cùng những điều kiện như công dân và pháp nhân của bên ký kết kia.
2. Các Bên ký kết không được đòi hỏi bất cứ những nghĩa vụ hoặc khoản chi phí nào về việc gửi, nhận và giải quyết văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp.
3. Bên ký kết yêu cầu phải chịu các khoản chi phí về đi lại, tiền ăn, tiền lưu trú ở nước ngoài của người thực hiện yêu cầu có mặt để làm chứng hoặc giám định, cũng như khoản tiền lương không được nhận trong khoảng thời gian họ nghỉ việc.
Trong giấy triệu tập phải ghi rõ các khoản tiền mà những người được triệu tập có quyền hưởng.
Các cơ quan có thẩm quyền của một Bên ký kết có thể phải ứng trước tiền để thanh toán các khoản chi phí thích ứng.
Điều 15. Pháp luật được áp dụng trong việc thực hiện tương trợ tư pháp
1. Khi thực hiện tương trợ tư pháp, Cơ quan được yêu cầu áp dụng pháp luật của nước mình.
2. Theo yêu cầu của Bên ký kết yêu cầu, Cơ quan được yêu cầu có thể áp dụng những quy định về tố tụng của Bên ký kết yêu cầu khi thực hiện tương trợ tư pháp, nếu những quy định này không trái với pháp luật của nước mình.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Phần 2
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ VỀ HÌNH SỰ
Điều 31. Các lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự
Bên ký kết này, theo yêu cầu của bên ký kết kia thực hiện các tương trợ tư pháp trong việc giải quyết vụ việc hình sự như: điều tra, bắt giữ, thẩm tra, dẫn độ người bị nghi là phạm tội, bị buộc tội và bị kết án phạt tù, thi hành bản án và cung cấp các dữ liệu, tài liệu có liên quan đến vụ án hình sự.
Điều 32. Điều tra người bị nghi phạm tội hình sự
Bên ký kết này, theo yêu cầu, giúp đỡ Bên ký kết kia trong việc điều tra người bị nghi phạm tội, tích cực hợp tác và thông báo cho nhau kết quả cùng với các dữ liệu và thông tin khác.
Văn bản yêu cầu điều tra tội phạm hình sự bao gồm những nội dung sau:
1) Các dữ liệu có liên quan đến nhân thân người phạm tội;
2) Nơi thường trú hoặc tạm trú của người bị yêu cầu điều tra;
3) Bản văn luật có liên quan đến tội phạm;
4) Bằng chứng cần điều tra;
5) Hình dạng, đặc điểm nhận dạng, ảnh và vân tay của tội phạm.
Điều 45. Nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Bên ký kết này, theo yêu cầu của Bên ký kết kia, có nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước mình đối với công dân nước mình đã phạm tội trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
2. Bên ký kết đã tiến hành các thủ tục tố tụng phải thông báo cho Bên ký kết kia về kết quả truy cứu trách nhiệm hình sự và trong trường hợp người đó bị kết án phải gửi cho bên ký kết kia bản sao có hiệu lực pháp luật.
Chương III
CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Đièu 46. Giải quyết tranh chấp
Các tranh chấp phát sinh trong việc áp dụng hoặc giải thích Hiệp định này sẽ được giải quyết bằng cách tư vấn lẫn nhau thông qua kênh ngoại giao hoặc các cơ quan tư pháp.
Điều 47. Hiệu lực và chấm dứt hiệu lực
1. Hiệp định này cần được phê chuẩn và sẽ có hiệu lực vào ngày trao đổi văn kiện phê chuẩn.
2. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 10 năm. Hiệu lực của Hiệp định sẽ tự động kéo dài thời hạn trong khoảng thời gian 5 năm, trừ trường hợp một Bên ký kết thông báo bằng văn bản trong thời hạn 06 tháng trước khi kết thúc thời hạn nêu trên về ý muốn chấm dứt hiệu lực của Hiệp định.
Để làm bằng, những người được uỷ quyền của từng Nhà nước dưới đây đã ký kết vào Hiệp định này.
Làm tại Bình Nhưỡng ngày 03 tháng 5 năm 2002, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Triều Tiên và tiếng Anh, tất cả các bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp phát sinh bất đồng trong việc giải thích Hiệp định này thì căn cứ vào bản tiếng Anh.