HIỆP ĐỊNH
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA ESTONIA VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Estonia, sau đây gọi là “các Bên ký kết”,
THỪA NHẬN sự cần thiết phải bảo hộ đầu tư của nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia trên cơ sở không phân biệt đối xử;
MONG MUỐN thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn giữa hai Bên liên quan đến đầu tư của công dân và công ty của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia;
THỪA NHẬN rằng thỏa thuận về đối xử với các khoản đầu tư nói trên sẽ tăng cường dòng vốn tư nhân và phát triển kinh tế của cả hai nước;
NHẤT TRÍ rằng một khuôn khổ ổn định cho đầu tư góp phần tối đa hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực kinh tế và nâng cao mức sống;
THỪA NHẬN rằng phát triển quan hệ kinh tế và kinh doanh có thể thúc đẩy sự tôn trọng các quyền của người lao động đã được thừa nhận trong phạm vi quốc tế;
THỎA THUẬN rằng các mục tiêu trên có thể đạt được mà không cần nới lỏng các biện pháp về sức khỏe, an toàn và môi trường được áp dụng chung;
Đã quyết định ký một Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư và ĐÃ THỎA THUẬN NHƯ SAU:
Điều 1. Định nghĩa
Theo Hiệp định này:
1. Thuật ngữ “nhà đầu tư”, với mỗi Bên ký kết, nghĩa là các chủ thể sau đây thực hiện đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với pháp luật của Bên ký kết kia và các quy định của Hiệp định này:
(a) bất kỳ thể nhân nào là công dân của Bên ký kết đầu tiên theo pháp luật của Bên đó; hoặc
(b) bất kỳ pháp nhân nào như công ty, công ty cổ phần, hợp danh, hiệp hội kinh doanh, cơ quan hoặc tổ chức được thành lập phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó và có văn phòng được đăng ký tại hoặc bộ phận quản lý hoặc địa điểm kinh doanh chính thuộc quyền tài phán của Bên ký kết đó, không kể hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận hay phi lợi nhuận, trách nhiệm hữu hạn hay không.
2. Thuật ngữ “đầu tư” là mọi loại tài sản đã được thiết lập hoặc có được bởi nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với pháp luật của Bên ký kết kia, cụ thể nhưng không chỉ là:
(a) động sản và bất động sản hoặc bất kỳ quyền tài sản nào như thế chấp, cầm cố và các quyền tương tự;
(b) lợi nhuận tái đầu tư;
(c) cổ phần và cổ phiếu và trái phiếu của một công ty hoặc bất kỳ hình thức tham gia vào công ty nào khác;
(d) quyền đòi tiền hoặc các quyền đối với hoạt động có giá trị kinh tế;
(e) quyền sở hữu trí tuệ, như sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý cũng như quy trình kỹ thuật, bí quyết kỹ thuật và uy tín kinh doanh; và
(f) tô nhượng theo pháp luật, theo quyết định hành chính hoặc theo hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền, bao gồm tô nhượng để tìm kiếm, phát triển, tinh chế hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Bất kỳ thay đổi nào về hình thức tài sản theo đó tài sản được đầu tư hoặc tái đầu tư không làm thay đổi tính chất của tài sản đó là một khoản đầu tư với điều kiện sự thay đổi đó phù hợp với pháp luật của Bên ký kết nơi khoản đầu tư được thực hiện.
3. Thuật ngữ “thu nhập” nghĩa là khoản tiền thu được từ đầu tư và cụ thể nhưng không chỉ là lợi nhuận, cổ tức, lãi tiền vay, phí chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ vốn hoặc bất kỳ khoản thanh toán bằng hiện vật nào liên quan đến đầu tư.
4. Thuật ngữ “lãnh thổ” nghĩa là:
(a) đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nghĩa là lãnh thổ đất liền, các hải đảo, nội thủy, lãnh hải và vùng trời phía trên, các vùng biển ngoài lãnh hải bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mà tại đó Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế.
(b) đối với Cộng hòa Estonia, là lãnh thổ Cộng hòa Estonia, bao gồm lãnh hải và vùng biển ngoài lãnh hải mà Cộng hòa Estonia thực hiện quyền chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế.
Điều 2. Khuyến khích và bảo hộ đầu tư
1. Mỗi Bên ký kết trên lãnh thổ của mình sẽ khuyến khích đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia và, phù hợp với pháp luật của nước mình, chấp thuận các khoản đầu tư đó.
2. Mỗi Bên ký kết trên lãnh thổ nước mình sẽ dành cho đầu tư và thu nhập từ đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia sự đối xử công bằng và bình đẳng; và sự bảo hộ và an toàn đầy đủ và
thường xuyên.
3. Không một Bên ký kết nào trên lãnh thổ của mình, bằng các biện pháp bất hợp lý hoặc tùy tiện, cản trở việc mua lại, mở rộng, vận hành, quản lý, bảo trì, sử dụng và bán hoặc định đoạt khác đối với đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia.
Điều 3. Đối xử với đầu tư
1. Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia và đầu tư của họ sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó dành cho nhà đầu tư của chính Bên đó và đầu tư của họ, liên quan đến việc mua lại, mở rộng, vận hành, quản lý, bảo trì, sử dụng và bán hoặc định đoạt khác đối với đầu tư.
2. Mỗi bên ký kết sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia và đầu tư của họ sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó dành cho nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào và đầu tư của các nhà đầu tư này, liên quan đến việc mua lại, mở rộng, vận hành, quản lý, bảo trì, sử dụng và bán hoặc định đoạt khác đối với đầu tư.
3. Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia và đầu tư của họ sự đối xử tốt hơn trong hai sự đối xử quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tùy thuộc vào sự đối xử nào thuận lợi hơn cho nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư.
4. Các quy định tại khoản 1 Điều này sẽ không áp dụng đối với các biện pháp không phù hợp hiện hành hoặc tương lai được duy trì hoặc ban hành trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc bất kỳ sự sửa đổi nào đối với các biện pháp đó trong tương lai, với điều kiện các sửa đổi này phù hợp với quy định về Đối xử Tối huệ quốc của Hiệp định này. Sự đối xử dành cho các khoản đầu tư một khi đã được chấp nhận, trong mọi trường hợp sẽ không kém thuận lợi hơn sự đối xử theo các quy định của Điều này tại thời điểm khoản đầu tư ban đầu được thực hiện. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp để từng bước dỡ bỏ các biện pháp không phù hợp đó.
Điều 4. Các ngoại lệ
Các quy định của Hiệp định này sẽ không được hiểu là bắt buộc một Bên ký kết phải dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia và đầu tư của họ lợi ích của sự đối xử, ưu đãi hoặc đặc quyền nào có được từ các thỏa thuận hiện tại hoặc tương lai về:
(a) khu vực mậu dịch tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung, liên minh kinh tế hoặc liên minh tiền tệ hoặc các hiệp định hội nhập kinh tế khu vực tương tự nào khác, bao gồm các hiệp định về thị trường lao động khu vực, mà một Bên ký kết là thành viên hoặc có thể trở thành thành viên; hoặc
(b) hiệp định tránh đánh thuế hai lần hoặc hiệp định quốc tế khác liên quan toàn bộ hoặc chủ yếu đến thuế; hoặc
(c) hiệp định đa phương hoặc khu vực liên quan toàn bộ hoặc chủ yếu đến đầu tư.
Điều 5. Tước quyền sở hữu
1. Đầu tư của nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sẽ không bị tước quyền sở hữu, quốc hữu hóa hoặc áp dụng bất kỳ biện pháp nào khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, có tác dụng như tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hóa (sau đây gọi là “tước quyền sở hữu”), trừ trường hợp vì mục đích phục vụ lợi ích công cộng, trên cơ sở không phân biệt đối xử, phù hợp với thủ tục pháp luật, và được đền bù nhanh chóng, thỏa đáng và hiệu quả.
2. Việc đền bù này sẽ có giá trị bằng giá trị của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu tại thời điểm ngay trước khi việc tước quyền sở hữu xảy ra hoặc dự kiến tước đoạt quyền sở hữu được công bố, tùy theo sự kiện nào xảy ra trước. Giá trị này sẽ được xác định phù hợp với các nguyên tắc định giá được chấp nhận rộng rãi.
3. Việc đền bù sẽ có tính thanh khoản đầy đủ và được trả không hạn chế hoặc chậm trễ. Trong trường hợp chậm trễ, khoản đền bù sẽ bao gồm cả lãi tiền vay tính theo lãi suất thương mại xác định trên cơ sở thị trường đối với đồng tiền thanh toán, tính từ ngày đến hạn thanh toán cho đến ngày trả tiền trên thực tế.
4. Không ảnh hưởng đến Điều 9 của Hiệp định này, nhà đầu tư có khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu sẽ có quyền nhanh chóng đưa vụ việc của mình và việc định giá khoản đầu tư của mình ra xem xét phù hợp với các nguyên tắc nêu tại Điều này tại một cơ quan tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Bên ký kết thực hiện việc tước quyền sở hữu.
Điều 6. Đền bù thiệt hại
Nhà đầu tư của Bên ký kết có khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia bị thiệt hại do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang khác, tình trạng khẩn cấp quốc gia, nổi loạn, khởi nghĩa, hoặc bạo loạn hoặc các sự kiện tương tự trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, sẽ được Bên ký kết kia dành sự đối xử, liên quan đến hoàn trả, bồi thường, đền bù hoặc bằng các giải pháp khác, không kém thuận lợi hơn sự đối xử Bên đó dành cho các nhà đầu tư nước mình hoặc các nhà đầu tư bất kỳ nước thứ ba nào khác, tuỳ thuộc vào việc nhà đầu tư cho rằng sự đối xử nào thuận lợi hơn.
Điều 7. Tự do chuyển tiền ra nước ngoài
1. Theo quy định của pháp luật của nước mình và luật quốc tế, mỗi Bên ký kết sẽ đảm bảo rằng nhà đầu tư của Bên ký kết kia được tự do chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Bên ký kết ban đầu, khoản đầu tư của họ và các khoản thanh toán liên quan đến khoản đầu tư này. Các khoản thanh toán sẽ bao gồm nhưng không chỉ là:
(a) tiền vốn gốc và các khoản bổ sung để duy trì, phát triển và gia tăng đầu tư;
(b) thu nhập;
(c) các khoản tiền thu được từ việc bán toàn bộ hoặc một phần khoản đầu tư, bao gồm cả việc bán cổ phần;
(d) các khoản cần thiết để trả cho các chi phí phát sinh từ hoạt động đầu tư, như trả tiền vay, trả tiền cho quyền sở hữu trí tuệ, phí quản lý, phí chuyển giao công nghệ hoặc các chi phí tương tự khác;
(e) tiền trả theo các Điều 5, 6, 8 và 9;
(f) thu nhập các nhân và các khoản tiền thu nhập của nhân viên thu được từ nước ngoài và làm việc liên quan đến đầu tư.
2. Mỗi Bên ký kết sẽ đảm bảo rằng việc chuyển tiền ra nước ngoài nêu tại khoản 1 Điều này sẽ được thực hiện không hạn chế bằng đồng tiền tự do chuyển đổi do nhà đầu tư lựa chọn và theo tỷ giá thị trường áp dụng vào ngày chuyển tiền đối với đồng tiền dùng để chuyển tiền và được chuyển ra nước ngoài không chậm trễ.
3. Trong trường hợp không có thị trường hối đoái, tỷ giá áp dụng sẽ là tỷ giá mới nhất của đồng tiền đó sang Quyền Rút vốn Đặc biệt.
Điều 8. Thế quyền
Khi một Bên ký kết hoặc cơ quan được ủy quyền của Bên ký kết đó thanh toán cho nhà đầu tư của nước mình theo bản lãnh hoặc theo hợp đồng bảo hiểm đối với khoản đầu tư của nhà đầu tư đó trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, thì Bên ký kết kia phải công nhận việc chuyển giao bất kỳ quyền hoặc quyền đòi tiền nào của nhà đầu tư đó cho Bên ký kết ban đầu hoặc cho cơ quan được ủy quyền của Bên ký kết ban đầu, và quyền của Bên ký kết ban đầu hoặc của cơ quan được ủy quyền của Bên ký kết ban đầu được thực hiện, do hiệu lực của việc thế quyền, bất kỳ quyền hoặc quyền đòi tiền nào trong phạm vi quyền của nhà đầu tư.
Điều 9. Tranh chấp giữa nhà đầu tư và một Bên ký kết
1. Bất kỳ tranh chấp pháp lý nào phát sinh trực tiếp từ một khoản đầu tư giữa một Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia sẽ được giải quyết một cách thân thiện giữa các bên tranh chấp.
2. Nếu tranh chấp không giải quyết được trong vòng ba (3) tháng kể từ ngày tranh chấp được nêu ra bằng văn bản, tuỳ theo lựa chọn của nhà đầu tư, tranh chấp sẽ được đưa ra:
(a) tòa án có thẩm quyền của Bên ký kết mà lãnh thổ của bên đó là nơi đầu tư được thực hiện; hoặc
(b) trọng tài của Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (“Trung tâm”), thành lập theo Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa Nhà nước và Công dân của Nhà nước khác ký tại Washington ngày 18 tháng 3 năm 1965 (“Công ước Washington”), nếu cả hai Bên ký kết đều là thành viên Công ước Washington; hoặc
(c) trọng tài theo Cơ chế Phụ trợ của Trung tâm, nếu chỉ có một Bên ký kết đã ký Công ước Washington nêu tại điểm (b) khoản này; hoặc
(d) một Tòa Trọng tài theo vụ việc (ad hoc) được thành lập theo Quy tắc Trọng tài của Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hợp quốc (UNCITRAL); hoặc
(e) bất kỳ Tòa Trọng tài theo vụ việc (ad hoc) nào đã thỏa thuận trước đó.
3. Nếu nhà đầu tư đã đưa tranh chấp ra tòa án có thẩm quyền của Bên ký kết chủ nhà hoặc một trong các thủ tục trọng tài nêu tại các điểm từ 2(b) đến 2(e) của Điều này, việc lựa chọn quy trình tố tụng đó sẽ là cuối cùng.
4. Mỗi Bên ký kết, bằng Hiệp định này, đồng ý vô điều kiện với việc đưa tranh chấp giữa Bên đó với nhà đầu tư của Bên ký kết kia ra giải quyết tại trọng tài phù hợp với quy định của Điều này.
5. Không Bên ký kết nào, khi là một bên của tranh chấp, có thể đưa ra phản đối, tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng trọng tài hoặc của quá trình thi hành phán quyết trọng tài, trên cơ sở rằng nhà đầu tư là một bên tranh chấp đã nhận được khoản đền bù cho một phần hoặc toàn bộ thiệt hại của mình do đã bảo hiểm.
6. Phán quyết sẽ là cuối cùng và bắt buộc với các bên tranh chấp và được thi hành phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên ký kết mà trên lãnh thổ của Bên đó phán quyết được thực hiện, bởi cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó, vào ngày ghi trong phán quyết.
Điều 10. Tranh chấp giữa các Bên ký kết
1. Tranh chấp giữa các Bên ký kết liên quan đến việc giải thích và áp dụng Hiệp định này sẽ, trong chừng mực có thể, được giải quyết thông qua đàm phán.
2. Nếu tranh chấp không được giải quyết trong vòng sáu (6) tháng kể từ ngày một Bên ký kết yêu cầu đàm phán về tranh chấp, theo yêu cầu của một Bên ký kết, tranh chấp sẽ được đưa ra một Tòa Trọng tài.
3. Tòa Trọng tài sẽ được thành lập cho từng trường hợp cụ thể theo cách thức như sau. Trong vòng hai (2) tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, mỗi Bên ký kết sẽ chỉ định một thành viên của Tòa Trọng tài. Hai thành viên này sẽ lựa chọn một công dân của nước thứ ba để hai Bên ký kết chấp thuận cử làm chủ tịch Tòa Trọng Tài. Chủ tịch Tòa Trọng tài sẽ được chỉ định trong vòng bốn (4) tháng kể từ ngày hai thành viên kia được chỉ định.
4. Nếu các thời hạn nêu tại khoản 3 của Điều này không được tuân thủ, nếu không có sự thỏa thuận nào khác, mỗi Bên ký kết có thể mời Chủ tịch Tòa án quốc tế tiến hành sự chỉ định cần thiết. Nếu Chủ tịch Tòa án quốc tế là công dân của một Bên ký kết hoặc vì lý do nào khác không thực hiện được chức năng nêu trên, thành viên cao cấp tiếp theo của Tòa án quốc tế không phải là công dân của một Bên ký kết và không bị hạn chế thực hiện chức năng nói trên vì các lý do khác, sẽ được mời tiến hành sự chỉ định cần thiết.
5. Tòa Trọng tài ra quyết định bằng biểu quyết theo đa số. Quyết định này sẽ là cuối cùng và bắt buộc đối với các Bên ký kết. Mỗi Bên ký kết sẽ chịu chi phí cho thành viên do mình chỉ định trong Tòa trọng tài và chi phí cho việc tham gia của mình trong tố tụng trọng tài. Chi phí cho Chủ tịch và các chi phí khác do mỗi Bên ký kết chịu bằng nhau. Tòa Trọng tài có thể đưa ra quyết định khác về việc chia sẻ chi phí. Đối với tất cả các vấn đề khác, Tòa Trọng tài sẽ tự xác định thủ tục của mình.
6. Các vấn đề tranh chấp nêu trong khoản 1 Điều này sẽ được quyết định phù hợp với các quy định của Hiệp định này và các nguyên tắc được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế.
Điều 11. Việc cấp phép
1. Mỗi Bên ký kết sẽ, phù hợp với pháp luật của nước mình, tạo thuận lợi cho các đơn đề nghị đầu tư và không chậm trễ cấp các giấy phép cần thiết trên lãnh thổ của nước mình cho đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia.
2. Mỗi Bên ký kết sẽ, phù hợp với pháp luật của mình, cho phép các thể nhân đã được tuyển dụng tại nước ngoài để làm các chức vụ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia hoặc nhân viên kỹ thuật liên quan đến khoản đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia, được nhập cảnh và tạm trú.
Điều 12. Việc áp dụng các quy định khác
1. Nếu các nghĩa vụ của một Bên ký kết theo các hiệp định quốc tế, đang tồn tại hoặc được thiết lập sau này giữa các Bên ký kết chứa đựng quy định, bất kể là chung hay cụ thể, dành cho đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia sự đối xử thuận lợi hơn sự đối xử quy định tại Hiệp định này, các điều khoản đó sẽ, trong chừng mực tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, được ưu tiên áp dụng so với Hiệp định này.
2. Mỗi Bên ký kết sẽ tôn trọng các nghĩa vụ khác của mình liên quan đến một khoản đầu tư cụ thể của nhà đầu tư của Bên ký kết kia.
Điều 13. Áp dụng Hiệp định này
Hiệp định này sẽ áp dụng cho tất cả các khoản đầu tư thực hiện bởi nhà đầu tư của mỗi Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, bất kể được thực hiện trước hay sau khi Hiệp định này có hiệu lực, nhưng không áp dụng cho bất kỳ tranh chấp liên quan đến đầu tư nào phát sinh hoặc bất kỳ khiếu nại nào đã được giải quyết trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Điều 14. Minh bạch hoá
1. Mỗi Bên ký kết sẽ nhanh chóng công bố, hoặc bằng cách khác cho phép công chúng tiếp cận pháp luật, quy định, thủ tục và các quyết định hành chính và các phán quyết của tòa án được áp dụng chung cũng như các hiệp định quốc tế có thể ảnh hưởng đến đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia trên lãnh thổ của Bên ký kết ban đầu.
2. Không quy định nào của Hiệp định này bắt buộc một Bên ký kết phải cung cấp hoặc cho phép tiếp cận đến bất kỳ thông tin bí mật hoặc thông tin độc quyền, bao gồm thông tin liên quan đến các nhà đầu tư hoặc các khoản đầu tư nhất định, mà việc tiết lộ các thông tin này có thể làm cản trở việc thực thi pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của Bên đó về bảo vệ bí mật hoặc gây phương hại đến các lợi ích thương mại hợp pháp của các nhà đầu tư nhất định.
Điều 15. Tham vấn
Các Bên ký kết sẽ, theo yêu cầu của một Bên ký kết, tổ chức tham vấn để rà soát việc thực hiện Hiệp định này và nghiên cứu bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh từ Hiệp định. Việc tham vấn này sẽ được thực hiện giữa các cơ quan có thẩm quyền của các Bên ký kết tại địa điểm và thời gian thỏa thuận thông qua các kênh ngoại giao.
Điều 16. Thời điểm có hiệu lực, thời hạn và chấm dứt hiệu lực
1. Các Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản, thông qua kênh ngoại giao khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng.
2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong thời hạn mười (10) năm và sau đó tiếp tục có hiệu lực trong các thời hạn tương tự là mười (10) năm cho đến khi một Bên ký kết thông báo bằng văn bản
trước mười hai (12) tháng cho Bên ký kết kia về ý định chấm dứt Hiệp định.
3. Đối với đầu tư được thực hiện trước ngày Hiệp định này chấm dứt hiệu lực, các quy định của các Điều từ 1 đến 15 sẽ tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn mười (10) năm kể từ ngày Hiệp định chấm dứt hiệu lực.
ĐỂ LÀM CHỨNG, những đại diện ký tên dưới đây được ủy quyền hợp lệ đã ký Hiệp định này.
Làm tại New York, ngày 24 tháng 9 năm 2009 thành hai bản bằng tiếng Việt, tiếng Estonia và tiếng Anh; các bản đều có giá trị ngang nhau. Trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO Xxxx Xxx Xxxxx | THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA ESTONIA BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO Xxxxx Xxxx |