HIỆP ĐỊNH
HIỆP ĐỊNH
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ, GIA ĐÌNH VÀ HÌNH SỰ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN BUN-GA-RI
(trích)
Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Bun- ga- ri.
Xuất phát từ lòng mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước trên cơ sở Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Bun- ga- ri ký ngày 1- 10- 1979, mong muốn tăng cường và hoàn thiện sự hợp tác trong lĩnh vực quan hệ tương trợ tư pháp.
Đã quyết định ký kết Hiệp định này.
Với mục đích đó, hai nước đã cử đại diện toàn quyền của mình: Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Hiền. Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Bun- ga- ri cử:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hoà nhân dân Bun-ga-ri XXXXXX XXXXXXXXX.
Các đại diện toàn quyền sau khi trao đổi giấy uỷ quyền hợp pháp và hợp thức, đã thoả thuận các điều dưới đây:
Chương I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Bảo hộ pháp lý
1. Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ nước ký kết kia sự bảo hộ pháp lý về các quyền nhân thân và tài sản mà nước ký kết kia dành cho công dân của mình.
2. Công dân mỗi nước ký kết có quyền tự do liên hệ với toà án, viện kiểm sát, cơ quan công chứng (sau đây gọi chung là “cơ quan tư pháp”), và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, lao động, gia đình và hình sự của nước ký kết kia. Họ có quyền bày tỏ ý kiến, đưa đơn kiện nhưng theo cùng những điều kiện như công dân nước ký kết kia.
3. Những quy định của Hiệp định này cũng được áp dụng tương ứng cho các pháp nhân của hai nước ký kết.
Điều 2. Tương trợ tư pháp
1. Các cơ quan tư pháp của các nước ký kết tương trợ nhau về tư pháp đối với các vấn đề dân sự, (bao gồm cả vấn đề lao động), gia đình và hình sự theo những quy định của Hiệp định này.
2. Các cơ quan tư pháp cũng tương trợ về tư pháp cho các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề nói ở khoản trên.
Điều 3. Cách thức liên hệ
1. Khi thực hiện tương trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp của mỗi nước ký kết liên hệ với nhau thông qua các cơ quan trung ương của mình, nếu Hiệp định này không quy định khác.
2. Các cơ quan trung ương nói trong Hiệp định này là: Về phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - về các vấn đề dẫn độ và truy tố hình sự: Về phía Cộng hoà nhân dân Bun-ga-ri - Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát trung ương - về các vấn đề dẫn độ và truy tố hình sự.
Điều 4. Thực hiện tương trợ tư pháp
Tương trợ tư pháp nói trong Hiệp định này được thực hiện thông qua uỷ thác, nếu Hiệp định này không quy định khác.
Điều 5. Phạm vi tương trợ tư pháp
Các nước ký kết tương trợ nhau về tư pháp bằng cách thực hiện những hành vi tố tụng riêng biệt như: lập, gửi và tống đạt các giấy tờ, tiến hành khám xét, thu giữ và chuyển giao các vật chứng, nhận dạng người và đồ vật, tiến hành giám định, lấy lời khai của bị can, người giám định, các đương sự và những người thứ ba, thi hành các quyết định, dẫn độ những người phạm tội.v.v...
Điều 6. Nội dung và hình thức uỷ thác tư pháp
1. Uỷ thác tư pháp cần được lập bằng văn bản và có những điểm sau:
1) Tên cơ quan yêu cầu;
2) Tên cơ quan được yêu cầu;
3) Tên công việc uỷ thác, nội dung yêu cầu và những dữ kiện cần thiết cho việc thực hiện uỷ thác;
4) Họ và tên các đương sự, người làm chứng và những người khác có liên quan đến vụ, việc, cũng như nơi thường trú, tạm trú, quốc tịch, hộ tịch, chuyên môn hoặc nghề nghiệp của họ, nếu như biết được những điều này;
5) Họ, tên và địa chỉ người đại diện của các đương sự.
2. Uỷ thác tư pháp về các vấn đề hình sự, cần cho biết thêm cả các tình tiết thực tế, tội danh pháp lý của hành vi, nơi sinh và ngày sinh của bị can.
3. Văn bản uỷ thác cần được cơ quan yêu cầu ký tên và đóng dấu.
Điều 7. Cách thức thực hiện uỷ thác tư pháp
1. Khi thực hiện uỷ thác tư pháp, cơ quan được yêu cầu áp dụng pháp luật của nước mình. Theo đề nghị của cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu có thể áp dụng những quy phạm pháp luật tố tụng của nước ký kết kia, nếu những quy phạm pháp luật đó không mâu thuẫn với pháp luật của nước mình.
2. Nếu không tìm thấy người cần tìm theo địa chỉ đã nêu trong văn bản uỷ thác, thì cơ quan được yêu cầu áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để xác minh địa chỉ của người đó.
3. Theo đề nghị của cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu thông báo ngay cho cơ quan yêu cầu về thời gian và địa điểm thực hiện uỷ thác.
4. Để thực hiện uỷ thác, cơ quan được yêu cầu lập các giấy tờ tương ứng nói rõ thời gian, địa điểm thực hiện và gửi các giấy tờ đó cho cơ quan yêu cầu. Nếu việc uỷ thác không thực hiện được, thì khi gửi trả lại các giấy tờ, cơ quan được yêu cầu cần thông báo lý do không thực hiện được.
5. Nếu cơ quan được yêu cầu không có thẩm quyền thực hiện uỷ thác tư pháp, thì cơ quan này chuyển uỷ thác đó cho cơ quan có thẩm quyền theo thể thức đã quy định.
Điều 8. Xxxx đạt giấy tờ
1. Cơ quan tư pháp yêu cầu gửi các giấy tờ lập bằng tiếng của nước có cơ quan được yêu cầu hoặc kèm theo bản dịch được xác nhận chính thức của các giấy tờ này. Nếu điều kiện đó không thực hiện được, thì cơ quan được yêu cầu chỉ tống đạt các giấy tờ khi người được tống đạt đồng ý nhận.
2. Trong thông báo về tống đạt giấy tờ, cần nêu rõ họ, tên và địa chỉ người nhận và tên của giấy tờ được tống đạt.
3. Nếu không thể tống đạt được các giấy tờ, thì cơ quan được yêu cầu gửi trả lại các giấy tờ này cho cơ quan yêu cầu.
Điều 9. Chứng nhận việc tống đạt giấy tờ
1. Việc chứng nhận tống đạt giấy tờ thực hiện theo pháp luật của nước ký kết được yêu
cầu.
2. Giấy chứng nhận tống đạt giấy tờ cần nêu địa điểm, thời gian tống đạt và họ tên người
được tống đạt giấy tờ.
Điều 10. Xxxx đạt giấy tờ cho công dân nước mình
1. Mỗi nước ký kết có thể tống đạt giấy tờ cho công dân của mình thông qua cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của mình trên lãnh thổ nước ký kết kia.
2. Khi tống đạt không được áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Điều 11. Phí tổn liên quan đến tương trợ tư pháp
1. Khi thực hiện tương trợ tư pháp, nước ký kết được yêu cầu phải chịu mọi phí tổn phát sinh trên lãnh thổ nước mình.
2. Cơ quan được yêu cầu thông báo cho cơ quan yêu cầu biết tổng số phí tổn. Nếu cơ quan yêu cầu thu những phí tổn này từ những người có nghĩa vụ phải trả, thì số tiền thu được sẽ thuộc về nước ký kết yêu cầu đã thu.
Điều 12. Giá trị của giấy tờ
1. Các giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp và chứng nhận hoặc có kèm theo bản dịch được xác nhận chính thức theo thể thức đã quy định trên lãnh thổ nước ký kết này, cũng có hiệu lực trên lãnh thổ nước ký kết kia mà không cần thị thực. Điều này cũng được áp dụng cho các giấy tờ của công dân mà chữ ký của họ được chứng nhận theo thể thức hiện hành trên lãnh thổ nước ký kết đó.
2. Các giấy tờ được coi là chính thức trên lãnh thổ nước ký kết này, khi sử dụng trên lãnh thổ nước ký kết kia cũng có cùng hiệu lực như các giấy tờ chính thức của nước ký kết kia.
Điều 13. Gửi các giấy tờ về hộ tịch
1. Các nước ký kết gửi cho nhau qua đường ngoại giao, không mất tiền, những trích lục từ sổ hộ tịch của công dân, cũng như những ghi chú bổ sung và những điểm sửa đổi có liên quan đến công dân của nước ký kết kia, trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày lập văn bản tương ứng.
2. Công dân của nước ký kết này gửi yêu cầu về chuyển giao các giấy tờ hộ tịch cho cơ quan nước ký kết kia bằng đường ngoại giao.
Điều 14. Trao đổi thông tin về pháp luật
Các Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát tối cao của hai nước ký kết thông báo cho nhau những thông tin về pháp luật của nước mình và thực tiễn áp dụng pháp luật.
Điều 15. Tiếng nói
Trong quan hệ tương trợ tư pháp với nhau, các cơ quan của các nước ký kết sử dụng tiếng nước mình hoặc tiếng Nga.
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ HÌNH SỰ
Chương IX
TRUY TỐ HÌNH SỰ
Điều 75. Nghĩa vụ thực hiện truy tố hình sự
1. Mỗi nước ký kết, theo yêu cầu của nước ký kết kia và phù hợp với pháp luật nước mình, thực hiện việc truy tố hình sự đối với công dân nước mình bị tình nghi đã phạm tội trên lãnh thổ của nước ký kết yêu cầu.
2. Kèm theo bản yêu cầu phải có bản thuyết minh về tội phạm và tất cả những chứng cứ hiện có. Nước ký kết được yêu cầu có thể đòi hỏi những chứng cứ bổ sung. Nước ký kết yêu cầu có nghĩa vụ phải cung cấp những chứng cứ bổ sung này.
3. Nước ký kết thực hiện việc truy tố hình sự có nghĩa vụ thông báo kết quả cho nước ký kết kia biết. Nếu đã có bản án có hiệu lực thì gửi bản sao án đó cho nước ký kết kia.
Điều 76. Quyền bất khả xâm phạm của người làm chứng và người giám định
1. Người làm chứng hoặc người giám định đến trình diện trước cơ quan nước ký kết yêu cầu theo giấy triệu tập do cơ quan nước ký kết được yêu cầu trao, không kể người ấy mang quốc tịch nước nào, sẽ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị bắt giữ trên lãnh thổ của nước ký kết yêu cầu vì tội phạm là đối tượng của việc điều tra, họ cũng không thể chịu hình phạt vì tội phạm họ gây ra trước khi qua biên giới quốc gia.
2. Quyền bất khả xâm phạm của người làm chứng hoặc của người giám định sẽ chấm dứt trong trường hợp họ không rời lãnh thổ nước ký kết yêu cầu sau một tuần, kể từ ngày cơ quan đã triệu tập họ thông báo sự có mặt của họ không cần thiết nữa. Sẽ không tính vào thời hạn này thời gian mà người làm chứng hoặc người giám định không thể rời khỏi lãnh thổ nước ký kết đó vì những lý do không phụ thuộc vào họ.
Chương X
TRAO ĐỔI THÔNG TIN VỀ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ
Điều 77. Thông báo về những bản án kết tội
Các nước ký kết sẽ thông báo cho nhau tin tức về những bản án kết tội đã tuyên đối với công dân của nước ký kết kia. Việc thông báo thực hiện bằng cách gửi bản sao các bản án.
Điều 78. Tin tức về án tích
Cơ quan của các nước ký kết, theo yêu cầu của nước ký kết kia, sẽ gửi cho cơ quan tư pháp và viện kiểm sát của nước ký kết kia những tin tức về án tích.
Chương XI
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 79. Phê chuẩn, hiệu lực và huỷ bỏ Hiệp định
1. Hiệp định này cần phải được phê chuẩn và có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày trao đổi thư phê chuẩn. Việc trao đổi thư phê chuẩn được thực hiện tại Hà Nội.*
2. Hiệp định này ký cho một thời gian không hạn định, nhưng mỗi nước ký kết có thể huỷ bỏ Hiệp định này và khi đó Hiệp định sẽ chấm dứt hiệu lực sau một năm, kể từ ngày nhận được công hàm về huỷ bỏ Hiệp định.
Để làm bằng, các đại diện toàn quyền của hai nước ký kết đã ký Hiệp định này và đóng dấu xác nhận.
Làm tại Xôphia ngày 3 tháng 10 năm1986 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Bun-ga-ri, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.