HIỆP ĐỊNH GIỮA
HIỆP ĐỊNH GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ
CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC THÁI LAN VỀ
HỢP TÁC SONG PHƯƠNG NHẰM LOẠI TRỪ NẠN BUÔN BÁN NGƯỜI, ĐẶC BIỆT LÀ PHỤ NỮ VÀ
TRẺ EM VÀ GIÚP ĐỠ NẠN NHÂN BỊ BUÔN BÁN
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan (dưới đây được gọi là “hai Bên”);
Nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác song phương để trấn áp nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em;
Nhận thức rằng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em là sự vi phạm thô bạo nhân quyền và chà đạp trắng trợn phẩm giá con người;
Lo ngại sâu sắc rằng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về thể chất, tinh thần, tình cảm, đạo đức của con người và làm phương hại đến nền tảng và các giá trị của xã hội;
Lưu ý rằng các băng nhóm và tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang tích cực tham gia vào việc buôn bán phụ nữ và trẻ em và loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam và Thái Lan mà còn ảnh hướng đến toàn khu vực và cộng đồng thế giới;
Khẳng định rằng hai Bên cùng quan tâm đấu tranh chống nạn buôn bán người có tính chất xuyên quốc gia như đã trình bày trong Tuyên bố Bangkok về Di cư bất hợp pháp đã được thảo luận tại Hội nghị chuyên đề quốc tế về di cư “Tiến tới hợp tác khu vực chống di cư bất hợp pháp/di cư lén lút” được tổ chức từ ngày 21- 23/4/1999 tại Bangkok và “Hội nghị Bali về chống buôn người và vận chuyển người bất hợp pháp” tổ chức tại Bali từ ngày 26 - 28/02/2002; Bản Ghi nhớ về Hợp tác chống buôn bán người Khu vực tiểu vùng sông Mêkông ký tại Yangoon, Myanmar ngày 29/02/2004 và các hoạt động liên quan tiếp theo;
Tin tưởng rằng việc trấn áp tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em thông qua hợp tác song phương trong thực thi pháp luật và tố tụng hình sự là biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo công lý chống nạn buôn người; và
Xxx kết rằng hai Bên sẽ hợp tác thật sự để loại trừ nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và để bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán;
Đã thỏa thuận như sau:
I. PHẠM VI CỦA HIỆP ĐỊNH
Điều 1. Hiệp định này được áp dụng đối với nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em như định nghĩa tại điều 2 của Hiệp định này.
II. ĐỊNH NGHĨA
Điều 2. Đối với hiệp định này:
1. “Buôn bán phụ nữ và trẻ em” nghĩa là việc tuyển chọn, vận chuyển, chuyển nhượng, che giấu hoặc tiếp nhận phụ nữ và trẻ em bằng biện pháp đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc sử dụng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc điểm yếu của người bị hại hoặc đưa và nhận tiền hoặc lợi ích khác để đạt được sự đồng ý của người đang quản lý một người vì mục đích bóc lột. Hành động bóc lột bao gồm: bóc lột phụ nữ và trẻ em thông qua hoạt động mại dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hoặc phục vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc làm việc như nô lệ hoặc lấy các bộ phận trên cơ thể của một người nào đó.
2. Phụ nữ và trẻ em bị buôn bán nhằm mục đích bóc lột có chủ ý được thực hiện bất cứ biện pháp nào nêu tại khoản (1) của Điều này đều là nạn nhân dù họ đồng ý hay không đồng ý.
3. Trẻ em bị tuyển chọn, vận chuyển, chuyển nhượng, che giấu nhằm mục đích bóc lột được coi là “nạn nhân bị buôn bán” cho dù việc đó không liên quan tới bất cứ biện pháp nào nêu tại khoản (1) của điều này.
4. “Trẻ em” là những người dưới 18 tuổi.
Điều 3. Xxx Xxx thừa nhận rằng mục đích buôn bán phụ nữ và trẻ em bao gồm:
1. Mại dâm và các hình thức bóc lột tình dục khác;
2. Làm việc nhà có tính cưỡng bức hoặc bóc lột;
3. Lao động trong cảnh bị giam cầm và các loại hình lao động có tính rủi ro, nguy hiểm hoặc bóc lột khác;
4. Hôn nhân nô lệ hoặc hôn nhân trái ý muốn của nạn nhân;
5. Nhận con nuôi giả;
6. Lấy các bộ phận trên cơ thể người;
7. Ấn phẩm khiêu dâm;
8. Ăn xin;
9. Nô lệ thông qua việc sử dụng ma túy đối với trẻ em và phụ nữ; và
10. Các hình thức bóc lột khác.
III. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
Điều 4. Hai Bên tiến hành các cải cách pháp luật cần thiết và các biện pháp thích hợp khác để đảm bảo rằng khuôn khổ pháp lý của nước mình phù hợp với Tuyên bố toàn cầu về Nhân quyền, Công ước về Quyền trẻ em, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các văn kiện quốc tế nhân quyền khác có hiệu lực trong việc xoá bỏ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em và bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của hoạt động buôn bán mà hai Bên đã phê chuẩn hoặc tham gia.
Điều 5. Hai Bên nỗ lực phòng ngừa nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em thông qua các biện pháp phòng ngừa sau đây:
1. Tăng dịch vụ xã hội như hỗ trợ tìm việc làm, tạo thu nhập, chăm sóc y tế đối với những phụ nữ và trẻ em, đặc biệt đối với những người dễ trở thành nạn nhân bị buôn bán;
2. Cải cách thực hiện các chương trình giáo dục và đào tạo dạy nghề đặc biệt dành cho phụ nữ và trẻ em nhằm tăng cơ hội việc làm để giảm nguy cơ trở thành nạn nhân bị buôn bán;
3. Tăng cường nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em;
4. Phổ biến thông tin tới cộng đồng về các yếu tố rủi ro liên quan tới nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em và về việc kinh doanh bóc lột phụ nữ và trẻ em.
IV. BẢO VỆ PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM BỊ BUÔN BÁN
Điều 6. Phụ nữ và trẻ em bị buôn bán được coi là nạn nhân chứ không phải là người phạm tội hoặc vi phạm luật nhập cư. Do đó,
1. Phụ nữ và trẻ em bị buôn bán không bị truy tố về việc nhập cư bất hợp pháp;
2. Phụ nữ và trẻ em bị buôn bán không bị giam giữ tại trung tâm giam giữ nhập cư trong thời gian chờ đợi được hồi hương mà sẽ được đặt dưới sự quản lý của Bộ Công an (Việt Nam) hoặc Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người (Thái Lan), các nạn nhân được bố trí chỗ ở và được bảo vệ theo chính sách của mỗi nước;
3. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán;
4. Các nạn nhân được đối xử nhân đạo trong suốt quá trình bảo vệ, hồi hương và tố tụng.
Điều 7. Hai Bên tiến hành các biện pháp thích hợp, có thể bao gồm cả việc cải cách pháp luật và trợ giúp pháp lý nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân bị buôn bán:
1. Nạn nhân có quyền yêu cầu hoàn trả các tài sản và tư trang không bị tranh chấp do các cơ quan có thẩm quyền tịch thu hoặc giữ lại trong quá trình giam giữ hoặc trong bất cứ quá trình tố tụng hình sự nào khác;
2. Các khoản tiền có được do phạm tội buôn bán phụ nữ và trẻ em phải bị tịch thu và quản lý theo pháp luật của mỗi nước;
3. Nạn nhân có quyền yêu cầu người phạm tội bồi thường mọi thiệt hại do hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em gây ra;
4. Nạn nhân có quyền yêu cầu thanh toán những việc làm chưa được thanh
toán;
5. Nạn nhân được tiếp cận với quá trình luật pháp thích hợp để yêu cầu về tư
pháp hình sự, hồi phục việc đền bù và những thiệt hại cũng như các giải pháp tư pháp khác.
Điều 8. Trong điều kiện có thể, các cơ quan liên quan của Chính phủ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ cung cấp cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán và thân nhân của họ nếu có về chỗ ở an toàn, sự chăm sóc y tế, được giúp đỡ về mặt pháp luật và tiến hành các biện pháp cấp bách khác để bảo vệ họ.
V. HỢP TÁC TRONG VIỆC NGĂN CHẶN, TRẤN ÁP NẠN BUÔN BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM
Điều 9. Các cơ quan thực thi pháp luật của hai nước, nhất là tại khu vực biên giới, phải hợp tác chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện, và điều tra tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở trong nước và qua biên giới.
Điều 10.
1. Quá trình thực thi pháp luật được tổ chức hợp lý nhằm đấu tranh chống tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có hiệu quả.
2. Tăng cường công tác điều tra, truy tố người phạm tội và các tổ chức tội phạm liên quan đến các vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em.
3. Hai Bên tiến hành các chương trình đào tạo đơn phương và song phương cho các sỹ quan thực thi pháp luật về các quy định pháp luật có thể áp dụng, kỹ năng điều tra và bảo vệ trong các vụ buôn bán, nhấn mạnh các quyền của con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em theo Công ước về quyền trẻ em, Công ước về việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền và các nội luật liên quan.
Điều 11.
1. Hai Bên, phù hợp pháp luật và các quy định của mỗi nước hợp tác về các thủ tục tư pháp chống lại nạn buôn bán như việc truy tố những kẻ buôn bán phụ nữ và trẻ em xuyên quốc gia, thu xếp về dẫn độ, tương trợ tư pháp trong các thủ tục tố tụng hình sự.
2. Hai Bên dành cho nhau các biện pháp tương trợ tư pháp hiệu quả nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trên cơ sở các thỏa thuận hiện hành có liên quan.
Điều 12. Cơ quan Công an và các cơ quan hữu quan có thẩm quyền khác của hai nước sẽ hợp tác trao đổi thông tin về các vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em như tuyến đường, địa điểm buôn bán, nhận dạng những kẻ buôn bán, mạng lưới, phương thức buôn bán và dữ liệu về việc buôn bán đó.
Điều 13.
1. Hai Bên, thông qua các cơ quan hữu quan, cùng với các tổ chức của Chính phủ, phi chính phủ và các tổ chức quốc tế hợp tác với nhau trong việc thu thập thông tin và trao đổi chứng cứ và thông tin liên quan đến buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
2. Tin tức và chứng cứ thu thập được theo khoản (1) của điều này phải được kịp thời chuyển cho Cơ quan Trung ương, được xác định tại điều 19 (1), để chuyển cho các cơ quan hữu quan để có hành động tiếp theo.
Điều 14. Cơ quan Công an và các cơ quan hữu quan của hai Bên phải thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết để bảo đảm an toàn cho các nạn nhân và nhân chứng để tránh sự trả thù hay đe dọa trong và sau quá trình điều tra xét xử.
VI. HỒI HƯƠNG
Điều 15. Phụ nữ và trẻ em được xác định là nạn nhân bị buôn bán sẽ không bị trục xuất. Việc hồi hương các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em sẽ được tiến hành theo các nội dung như sau:
1. Các cơ quan chịu trách nhiệm về hồi hương sẽ sử dụng các kênh liên lạc ngoại giao để thông báo cho Bên kia biết trước về các thu xếp cho việc hồi hương phụ nữ và trẻ em bị buôn bán; và
2. Việc hồi hương phụ nữ và trẻ em bị buôn bán phải được thu xếp và tiến hành theo hướng có lợi nhất cho họ.
Điều 16. Hai Bên chỉ định Cơ quan đầu mối bao gồm đại diện các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên để điều phối quá trình hồi hương phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Cơ quan đầu mối có nhiệm vụ chung sau đây:
1. Xác định nguồn gốc, hoàn cảnh gia đình;
2. Thu xếp và thực hiện việc hồi hương phụ nữ và trẻ em bị buôn bán;
3. Xxx đảm an ninh cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trong quá trình hồi hương;
4. Nỗ lực phối hợp với các lực lượng liên quan để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em;
5. Thiết lập mạng lưới thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật quốc gia và quốc tế và các tổ chức dân sự xã hội có liên quan về hoạt động buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
VII. TÁI HÒA NHẬP
Điều 17. Hai Bên nỗ lực để tái hòa nhập an toàn và hiệu quả những nạn nhân bị buôn bán về với gia đình và cộng đồng nhằm khôi phục phẩm giá, tự do và danh dự của họ. Vì mục đích này, hai Bên áp dụng các biện pháp thích hợp để thực hiện các mục tiêu sau đây:
1. Nạn nhân bị buôn bán sẽ không bị đối xử tàn nhẫn, xúc phạm, làm nhục hoặc làm tổn thương trong quá trình xét xử;
2. Phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán và gia đình họ sẽ được tiếp tục hỗ trợ về xã hội, y tế, tâm lý và sự giúp đỡ cần thiết khác, đặc biệt là những người bị nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục trong đó có bệnh HIV/AIDS;
3. Phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị buôn bán không bị xã hội phân biệt đối xử hoặc xúc phạm;
4. Nạn nhân là trẻ em đang ở tuổi đến trường phải được bảo đảm các cơ hội giáo dục phù hợp.
Điều 18. Để tái hòa nhập có hiệu quả, hai Bên sẽ cung cấp các chương trình
đào tạo sau đây:
1. Chương trình đào tạo hướng nghiệp cho nạn nhân bị buôn bán nhằm tăng cơ hội có được cách kiếm sống phù hợp.
2. Các chương trình đào tạo về sự phát triển của trẻ em, quyền của trẻ em và các vấn đề về trẻ em và giới được đề cập trong Công ước về quyền trẻ em, Công ước về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và các văn kiện khác có liên quan về quyền con người mà hai Bên tham gia, nhằm khơi dậy sự cảm thông của xã hội đối với nạn nhân bị buôn bán.
VIII. CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG VÀ NHÓM CÔNG TÁC CHUNG CỦA HAI NƯỚC
Điều 19.
1. Cơ quan Trung ương: Để thực hiện Hiệp định này, mỗi Bên chỉ định Cơ quan thực hiện. Cơ quan thực hiện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Công an và của Vương quốc Thái Lan là Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người.
2. Nhóm công tác chung bao gồm các đại diện có thẩm quyền của hai Bên.
3. Nhóm công tác chung sẽ gặp gỡ khi cần thiết. Thời gian và địa điểm gặp gỡ của Nhóm sẽ do hai Bên thỏa thuận.
4. Nhóm công tác chung có các nhiệm vụ:
a) Đề xuất việc xây dựng các chiến lược, nguyên tắc chỉ đạo thực hiện và các cơ chế cần thiết khác để thực hiện Hiệp định này.
b) Đề xuất các biện pháp phối hợp để phát triển hợp tác hơn nữa giữa hai bên trong việc chống nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
c) Kiểm tra và đánh giá việc thực hiện Hiệp định này.
d) Kiểm điểm việc thực hiện Hiệp định này 5 năm một lần.
IX. CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 20. Giải quyết bất đồng
Nếu có bất cứ sự khác biệt nảy sinh trong việc giải thích và áp dụng Hiệp
định này sẽ được giải quyết một cách thân thiện thông qua đường ngoại giao.
Điều 21. Hiệu lực
Mỗi Bên sẽ thông báo cho Bên kia bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc hoàn tất yêu cầu về thủ tục pháp lý trong nước để Hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này có hiệu lực vào ngày nhận được thông báo bằng văn bản sau cùng.
Mỗi Bên có thể chấm dứt Hiệp định này tại bất cứ thời điểm nào bằng việc thông báo bằng văn bản cho Bên kia biết qua đường ngoại giao; việc chấm dứt sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày nhận được thông báo.
Điều 22. Hiệp định này có thể được sửa đổi theo thỏa thuận bằng văn bản giữa hai Bên.
Để làm bằng, những người có tên dưới đây được Chính phủ của mình ủy quyền, đã ký Hiệp định.
Làm tại Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2008 thành hai bản bằng tiếng Anh.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Đã ký)
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Xx Xxx Xxxx
THAY MẶT CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC THÁI LAN
(Đã ký)