HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG Tóm tắt Chương 10 – Thương mại dịch vụ xuyên biên giới
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
Tóm tắt Chương 10 – Thương mại dịch vụ xuyên biên giới
Chương này bao gồm các nguyên tắc, quy định chung về dịch vụ qua biên giới mà các nước CPTPP phải tuân thủ trừ các trường hợp bảo lưu/ngoại lệ. Chương này gồm 03 Phụ lục (bao gồm Dịch vụ Chuyên môn (Phụ lục 10-A), Dịch vụ Chuyển phát nhanh (Phụ lục 10-B) và Ngoại lệ đối với nguyên tắc “Ratchet” (chỉ tiến không lùi) của Việt Nam (Ngoại lệ 10-C).
Phạm vi các dịch vụ qua biên giới bị điều chỉnh bởi CPTPP
Trừ các trường hợp ngoại lệ hoặc bảo lưu, Chương Dịch vụ qua biên giới trong CPTPP áp dụng đối với tất cả các dịch vụ được cung cấp qua biên giới giữa các nước thành viên CPTPP, bao gồm các dịch vụ được cung cấp:
- Từ lãnh thổ của một nước Thành viên qua lãnh thổ của nước Thành viên khác
- Tại lãnh thổ của một nước Thành viên cho cá nhân, tổ chức của nước Thành viên khác, hoặc
- Bởi một cá nhân, tổ chức mang quốc tịch của một nước Thành viên trên lãnh thổ của một nước Thành viên khác.
Như vậy, các cam kết trong Chương Dịch vụ sẽ không áp dụng cho các dịch vụ được cung cấp trên lãnh thổ của một thành viên bởi một khoản đầu tư của nhà đầu tư của một nước thành viên khác (trừ các nguyên tắc về Tiếp cận thị trường, Pháp luật nội địa và
Minh bạch vẫn được áp dụng cho các khoản đầu tư này). Các trường hợp như vậy sẽ tuân thủ các quy định tại Chương Đầu tư và các nguyên tắc nói trên của Chương Dịch vụ.
Chú ý, để tránh tình trạng lạm dụng, CPTPP cho phép các nước thành viên được từ chối không áp dung các cam kết tại Chương Dịch vụ qua biên giới trong các trường hợp:
- Dịch vụ của nhà cung cấp có quốc tịch của một nước CPTPP khác nhưng thuộc quyền kiểm soát của chủ thể mang quốc tịch ngoài CPTPP;
- Dịch vụ của chủ thể mang quốc tịch của chính nước CPTPP liên quan và không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào đáng kể ngoài lãnh thổ của nước này.
Ngoài ra, Chương này cũng không áp dụng đối với một số lĩnh vực loại trừ sau đây (gọi là các loại trừ chung):
- Các dịch vụ tài chính (các dịch vụ tài chính được quy định trong một chương riêng của CPTPP là Chương 11-Dịch vụ tài chính), (trừ trường hợp đặc biệt được nêu trong Hiệp định);
- Mua sắm công;
- Dịch vụ công;
- Các khoản tài trợ hay trợ cấp của một một nước Thành viên, bao gồm các khoản vay, bảo lãnh và bảo hiểm hỗ trợ bởi Nhà nước;
- Bất kỳ biện pháp nào của một nước Thành viên liên quan đến việc tiếp cận thị trường lao động của người lao động nước Thành viên khác;
- Các dịch vụ hàng không, bao gồm các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế, và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, trừ một số dịch vụ như vận hành, bán hàng và tiếp thị, sửa chữa và bảo trì…như quy định cụ thể trong Hiệp định.
Các nguyên tắc đối với dịch vụ qua biên giới
Chương Dịch vụ qua biên giới của CPTPP đặt ra 04 nguyên tắc chung về dịch vụ qua biên giới mà các nước CPTPP trong đó có Việt Nam phải dành cho các nhà cung cấp dịch vụ từ các nước CPTPP, bao gồm:
- Nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT): Theo nguyên tắc này, các thành viên CPTPP cam kết sẽ dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các nước thành viên khác đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ trong nước trong hoàn cảnh tương tự;
- Nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc (MFN): Nguyên tắc này đòi hỏi các nước Thành viên CPTPP phải dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của một nước Thành viên CPTPP khác đối xử không kém sự thuận lợi hơn đối xử dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các nước CPTPP khác hoặc của các nước không phải là thành viên CPTPP trong hoàn cảnh tương tự;
- Nguyên tắc về tiếp cận thị trường (Market Access):Nguyên tắc này yêu cầu các nước Thành viên CPTPP (i) không áp đặt các hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường, trị giá giao dịch, số lượng dịch vụ cung cấp, số lượng cá nhân được phép tuyển dụng..; (ii) không đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập hiện diện thương mại dưới một hình thức pháp lý nhất định tại thị trường đó để cung cấp dịch vụ.
- Nguyên tắc về hiện diện tại nước sở tại (Local presence): Nguyên tắc này cấm các nước Thành viên CPTPP đặt điều kiện nhà cung cấp dịch vụ CPTPP phải thiết lập văn phòng đại diện hoặc bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào trên lãnh thổ của mình, hay phải cư trú trên lãnh thổ mình để cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Cùng với việc đặt ra các nguyên tắc chung, Chương này của CPTPP cũng quy định các trường hợp ngoại lệ mà các nước CPTPP không phải tuân thủ các nguyên tắc đó, ví dụ:
- Các biện pháp đã được áp dụng ở cấp địa phương tại thời điểm CPTPP có hiệu lực
Đây là ngoại lệ chung cho tất cả các nước CPTPP. Như vậy, các biện pháp quản lý đầu tư và dịch vụ ở các tỉnh và cấp thấp hơn đang áp dụng vào thời điểm CPTPP có hiệu lực sẽ không phải tuân thủ các nguyên tắc nói trên.
- Các biện pháp thực hiện theo các điều kiện và lĩnh vực liệt kê trong 02 Danh mục biện pháp không tương thích (Phụ lục I và Phụ lục II của CPTPP) của mỗi nước (ngoại lệ riêng cho từng nước CPTPP)
Như vậy, các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư nằm trong Danh mục biện pháp không tương thích sẽ không phải tuân thủ các nguyên tắc trên.
Ngoài các nguyên tắc cơ bản nói trên, CPTPP còn đặt ra một số yêu cầu đối với các nước Thành viên trong quản lý các dịch vụ cung cấp qua biên giới, ví dụ:
- Về các quy định nội địa liên quan: Các nước CPTPP phải đảm bảo các quy định áp dụng chung trong các vấn đề liên quan phải hợp lý, khách quan, công bằng; các quy định về điều kiện chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp phép… phải dựa trên các tiêu chí minh bạch và khách quan; nếu dịch vụ phải được cấp phép thì quy trình cấp phép phải khả thi, rõ ràng, không đòi hỏi bất hợp lý về hồ sơ cấp phép…;
- Về việc chấp thuận bằng cấp của nước CPTPP khác: Các nước CPTPP phải tạo điều kiện để thúc đẩy thảo luận tiến tới chấp nhận bằng cấp của nhau, và việc công nhận bằng cấp phải được thực hiện theo cách không phân biệt đối xử giữa các nước CPTPP hoặc với các nước ngoài CPTPP…
- Về thanh toán và chuyển tiền: Các nước CPTPP cam kết cho phép chuyển tiền và thanh toán liên quan tới các dịch vụ qua biên giới ra hoặc vào lãnh thổ một cách tự do, không chậm trễ, không hạn chế loại tiền tệ, theo tỷ giá thị trường tại thời điểm chuyển. Tuy nhiên, các nước CPTPP vẫn có quyền chặn hoặc làm chậm việc chuyển tiền trong một số trường hợp (ví dụ để bảo vệ lợi ích của chủ
nợ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, để giữ chứng từ sổ sách phục vụ cơ quan có thẩm quyền, khi liên quan tới các tội phạm hình sự, hoặc để thực thi các quyết định hành chính, phán quyết Tòa án…).
- Về minh bạch: CPTPP cũng yêu cầu các nước phải đáp ứng một số yêu cầu về minh bạch trong lĩnh vực này, ví dụ phải có cơ chế để cho các bên liên quan bình luận về các quy định, phải để một khoảng thời gian hợp lý trước khi văn bản có hiệu lực…
Mở cửa thị trường dịch vụ
Trong CPTPP, các Thành viên cam kết mở cửa thị trường dịch vụ theo phương thức chọn-bỏ (khác với phương thức mở cửa kiểu chọn cho trong WTO).
Theo Chương 10 này, các Thành viên cam kết sẽ mở cửa toàn bộ thị trường các dịch vụ theo đúng các nguyên tắc nêu tại Chương 10 (tóm tắt ở trên) ngoại trừ các hạn chế đối với các lĩnh vực dịch vụ nêu tại các Danh mục các biện pháp không tương thích, quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II của CPTPP (mỗi nước sẽ có 01 Danh mục riêng).
Các Danh mục này thực chất là các ngoại lệ/bảo lưu cho phép các nước CPTPP không phải tuân thủ một số các nghĩa vụ trong Chương Dịch vụ qua biên giới và Chương Đầu tư trong CPTPP. Mỗi Danh mục có cơ chế/nguyên tắc áp dụng riêng.
Phụ lục I: bao gồm các biện pháp không tương thích đang áp dụng tại thời điểm CPTPP có hiệu lực mà mỗi nước CPTPP sẽ được tiếp tục áp dụng; trường hợp có sửa đổi thì việc sửa đổi phải đáp ứng được hai nguyên tắc sau:
- Sửa đổi theo hướng không kém thuận lợi hơn so với biện pháp đó tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực (nguyên tắc giữ nguyên trạng - “standtill”)
- Một khi đã sửa đổi lên một mức mới thuận lợi hơn, thì những sửa đổi sau đó sẽ không được kém thuận lợi hơn mức mới này (nguyên tắc chỉ tiến không lùi - “ratchet”).
Tuy nhiên, riêng với Việt Nam, đối với nguyên tắc “rachet” về dịch vụ này được bảo lưu chỉ phải tuân thủ sau 3 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực.
Phụ lục II: bao gồm các biện pháp không tương thích mà nước Thành viên CPTPP được phép áp dụng mà không có hạn chế gì về thời gian (hiện tại hay tương lai) và cách thức (thuận lợi hơn hay khó khăn hơn).