HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Trung tâm WTO và Hội nhập
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – EU
Tóm tắt Chương 17 – Thể chế, tổng quát và điều khoản cuối cùng
Chương 17 EVFTA bao gồm 24 Điều, bao gồm các cam kết về các vấn đề chung như cơ quan thực thi, mối quan hệ giữa EVFTA với các Hiệp định thuế, các vấn đề riêng (về chuyển đổi tiền tệ, thương mại vũ khí…), về việc sửa đổi nội dung Hiệp định (nếu các quy định WTO thay đổi…).
Sau đây là tóm tắt một số nội dung đáng chú ý:
1. Về các cơ quan thực thi Hiệp định
EVFTA quy định thành lập các ủy ban theo dõi tiến trình thực thi Hiệp định, chia làm 03 nhóm như sau:
(1) Ủy ban Thương mại
Ủy ban Thương mại này bao gồm các đại diện của EU và Việt Nam, có thẩm quyền lớn và chung nhất trong thực thi EVFTA, đặc biệt là:
- đưa ra các quyết định liên quan đến việc thực thi và sửa đổi EVFTA;
- giám sát và điều phối tất cả các cơ quan được thành lập theo Hiệp định;
- thông tin các vấn đề thuộc phạm vi Hiệp định với tất cả các bên liên quan.
Ủy ban này họp mỗi năm một lần luân phiên tại Việt Nam và EU, trừ trường hợp khẩn cấp, và được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và thành viên của Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm về thương mại.
(2) Các Ủy ban chuyên môn
Các Ủy ban chuyên môn trong EVFTA được thành lập dưới sự bảo trợ và chịu quản lý của Ủy ban thương mại, thuộc 05 lĩnh vực sau: Thương mại hàng hóa; Dịch vụ, Đầu tư và
Mua sắm chính phủ; Thương mại và Phát triển bền vững; Các biện pháp vệ sinh dịch tễ; và Hải quan.
Ủy ban chuyên môn họp mỗi năm một lần luân phiên tại Việt Nam và EU, được đồng chủ trì ở mức phù hợp bởi các đại diện của Liên minh châu Âu và Việt Nam. Ủy ban chuyên ngành có thể gửi văn bản đề nghị Ủy ban Thương mại thông qua quyết định hoặc tự mình đưa ra quyết định tùy theo quy định trong Hiệp định.
(3) Các Nhóm công tác
Các nhóm công tác trong EVFTA cũng nằm dưới sự bảo trợ và quản lý của các Ủy ban Thương mại, được phân chia làm 03 loại sau:
- Các nhóm công tác về quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các chỉ dẫn địa lý, trực thuộc Ủy ban Thương mại Hàng hóa;
- Các nhóm công tác về phương tiện vận tải và linh phụ kiện, trực thuộc Ủy ban Thương mại hàng hóa;
- Các nhóm công tác khác cho một nhiệm vụ hoặc chủ đề cụ thể theo quyết định của Ủy ban thương mại.
Tương tự, Ủy ban chuyên ngành, các nhóm công tác cũng được họp mỗi năm một lần luân phiên tại Việt Nam và EU, được đồng chủ trì ở mức phù hợp bởi các đại diện của Liên minh châu Âu và Việt Nam. Nội dung hoạt động của các nhóm công tác cần báo cáo lên Ủy ban chuyên ngành có liên quan.
2. Về hiệu lực của EVFTA
- Hiệu lực chính thức:
o EVFTA có hiệu lực từ ngày đầu tiền của tháng thứ 2 sau khi Việt Nam và EU thông báo cho nhau về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ của mỗi Bên.
o EVFTA có hiệu lực không thời hạn; có thể chấm dứt hiệu lực 06 tháng sau khi một Bên gửi thông báo chính thức về ý định chấm dứt hiệu lực của EVFTA;
- Hiệu lực tạm thời:
o EVFTA có thể được áp dụng tạm thời (trước khi có hiệu lực chính thức) nếu Việt Nam và EU thông báo cho nhau về việc hoàn tất thủ tục cho phép áp dụng tạm thời theo quy định nội bộ của mỗi Bên.
o Mỗi Bên đều có thể chấm dứt việc áp dụng tạm thời nếu có thông báo trước bằng văn bản.
- Hiệu lực áp dụng trực tiếp:
EVFTA không tạo ra bất kỳ quyền hay nghĩa vụ trực tiếp nào cho các tổ chức, cá nhân ngoại trừ các chủ thể của pháp luật quốc tế (ví dụ các Chính phủ nước thành viên của EU, các tổ chức đại diện EU…).
Nói cách khác, EVFTA không có giá trị áp dụng trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp, các cam kết EVFTA phải được chuyển vào pháp luật nội địa. Tuy nhiên, Việt Nam có quyền quy định về việc áp dụng trực tiếp những cam kết EVFTA cụ thể cho người dân, doanh nghiệp.
- Hiệu lực đối với thành viên gia nhập EU sau khi EVFTA có hiệu lực:
EVFTA sẽ có hiệu lực đối với nước thành viên EU gia nhập EU sau khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, EU phải bảo đảm:
o Thông tin cho Việt Nam về các vấn đề đàm phán gia nhập của thành viên mới có liên quan tới EVFTA; tạo cơ hội để Việt Nam có ý kiến và phải cân nhắc các ý kiến này;
o Ủy ban Thương mại theo EVFTA phải đánh giá tác động của việc gia nhập này đối với EVFTA, trên cơ sở này Việt Nam và EU có thể thảo luận về
các điều chỉnh, sửa đổi EVFTA, nếu cần thiết.
o Thông báo chính thức cho Việt Nam về thời điểm gia nhập EU của nước thành viên mới.
3. Về mối quan hệ giữa các cam kết EVFTA và các thỏa thuận, quy định khác
- Với cam kết WTO: Trường hợp các cam kết WTO được viện dẫn trong EVFTA được sửa đổi thì Việt Nam và EU phải thảo luận lại để thống nhất về cách điều chỉnh nội dung cam kết liên quan trong EVFTA.
- Với các Thỏa thuận, Hiệp định giữa Việt Nam và từng nước thành viên EU: EVFTA sẽ thay thế tất cả các Hiệp định bảo hộ thương mại, đầu tư hiện có giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Các Hiệp định, Thỏa thuận khác giữa Việt Nam và các nước thành viên EU sẽ không bị thay thế hay chấm dứt bởi EVFTA trừ khi hai Bên liên quan có thỏa thuận khác.
- Với các Thỏa thuận về thuế: Nếu cam kết trong EVFTA có mâu thuẫn với quy định trong một thỏa thuận thuế bất kỳ nào giữa Việt Nam và một nước thành viên EU thì ưu tiên áp dụng quy định của thỏa thuận thuế.
- Về vấn đề lưu chuyển vốn, tiền tệ: Các bên không được áp đặt bất kỳ hạn chế nào ảnh hưởng tới quyền lưu chuyển vốn, tiền tệ như ghi nhận trong cam kết về tự do hóa đầu tư theo Chương II EVFTA. Trường hợp có khó khăn nghiêm trọng về cán cân thanh toán hoặc chính sách tiền tệ thì Việt Nam hoặc EU có thể áp dụng các biện pháp tự vệ cần thiết có thể ảnh hưởng tới quyền tự do lưu chuyển vốn, tiền tệ nhưng không vượt quá 01 năm, đồng thời các biện pháp này phải bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử, không vượt quá mức cần thiết và vẫn phải phù hợp với các ngọai lệ cho phép trong GATT hoặc GATS của WTO.