NGHỊ ĐỊNH THƯ
NGHỊ ĐỊNH THƯ
GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA VỀ HỢP TÁC KINH TẾ - THƯƠNG MẠI
NGÀY 04 THÁNG 07 NĂM 1992
Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ Liên bang Nga, dưới đây gọi là "hai Bên ký kết";
Nhằm mục đích phát triển và hợp tác kinh tế - thương mại giữa Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga trên các nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi;
Phù hợp với các điều khoản của Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga về quan hệ kinh tế - thương mại ký ngày 15 tháng 8 năm 1991;
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1:
Việc giao hàng hóa từ Liên bang Nga sang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và từ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang Liên bang Nga trong năm 1992 được thực hiện trên cơ sở các danh mục định hướng phù hợp với các Phụ lục 1,2 của Nghị định thư này.
Các tổ chức Việt Nam và Nga tham gia quan hệ kinh tế đối ngoại bằng vốn và nguồn hàng của mình và do mình hoàn toàn chịu trách nhiệm có thể ký hợp đồng giao hàng hoá và thực hiện các dịch vụ không ghi trong các danh mục định hướng hoặc vượt số lượng hay trị giá nêu trong các danh mục này.
Điều 2:
Việc tính toán đối với hàng hóa theo các hợp động được ký phù hợp với Phụ lục 2 và 4 của Nghị định thư này sẽ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi theo thời giá của các thị trường chính trên thế giới.
Việc thanh toán đối với tất cả các loại dịch vụ phi mậu dịch giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Điều 3:
Các tổ chức Nga sẽ hỗ trợ các tổ chức Việt Nam xây dựng, cải tạo và mở rộng các công trình tại Việt Nam bằng cách thực hiện các công việc khảo sát - thiết kế và các công việc khác, cũng như giao thiết bị toàn bộ và vật tư phù hợp với Phụ lục 1 (mục 18) của Nghị định thư này. Bản kê các công trình được ghi trong Phụ lục 4 của Nghị định thư này.
Điều 4:
Chính phủ Liên bang Nga sẽ dành cho Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sử dụng vốn vay trị giá 40 triệu đôla Mỹ trong năm 1992 với lãi suất 3% năm để thanh toán các chi phí của các tổ chức Nga tham gia quan hệ kinh tế đối ngoại về thiết kế và giao thiết bị toàn bộ và vật tư để xây dựng các công trình hợp tác kỹ thuật chưa hoàn thành trong năm 1991, trong số các công trình ghi trong Phụ lục 4 của Nghị định thư này nếu các hợp đồng được ký không quy định các điều kiện thanh toán khác..
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ thanh toán phần được sử dụng của vốn vay nêu trên trong vòng 5 năm bằng những phần đều nhau hàng năm bắt đầu từ năm 1993. Lãi suất đối với vốn vay nói trên sẽ được tính từ ngày sử dụng phần vốn vay tương ứng và sẽ được trả vào quý I của năm tiếp theo năm tính lãi. Lần trả lãi cuối cùng sẽ được thực hiện đồng thời với việc phần trả nợ gốc cuối cùng.
Việc trả nợ gốc và lãi của vốn vay nêu trên sẽ được thực hiện bằng cách giao hàng Việt Nam và thực hiện các dịch vụ theo danh mục thoả thuận hàng năm cũng như bằng các hình thức khác theo thoả thuận giữa hai Bên ký kết .
Điều 5:
Các tổ chức Việt Nam trong giai đoạn hiệu lực của Nghị định này sẽ giao hàng hoá sang Liên bang Nga theo điều kiện FOB các cảng Việt Nam và thực hiện dịch vụ cho các tổ chức Nga để trả nợ nhà nước của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết trước đây phù hợp với Phụ lục 3 của Nghị định thư này.
Các tổ chức Nga tham gia quan hệ kịnh tế đối ngoại với sự đồng ý của các tổ chức xuất khẩu Việt Nam có thể giao một phần hàng hoá ghi trong Phụ lục 3 của Nghị định thư này sang các nước thứ ba để trả cước phí vận chuyển hàng đến Liên bang Nga.
Điều 6:
Nợ của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng rúp chuyển nhượng sẽ được trả bằng cách giao hàng hoá theo giá hình thành trong thương mại giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết trước đây trong năm 1990.
Việc trả nợ bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi giao hàng hoá sẽ thực hiện theo giá thị trường thế giới.
Điều 7:
Ngân hàng ngoại thương Việt Nam và ngân hàng kinh tế đối ngoại Liên Xô phải hoàn
thành trước 31 tháng 8 năm 1992 việc kết toán các tài khoản clearing bằng đôla Mỹ đối với phần trao đổi hàng hoá cấp nhà nước giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết trong năm 1991bao gồm cả phần hàng đã giao trong quý I năm
1992 để kết thúc nghĩa vụ hợp đồng năm 1991, cũng như việc tính toán về tín dụng và trả nợ phù hợp với Hiệp định về hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Liên Xô trong năm 1991 ký ngày 31 tháng 1 năm 1991.
Cách thức xử lý số dư của các tài khoản clearing nêu trên sẽ được các Bên ký kết hợp thức tại khoá họp sắp tới của Uỷ ban Liên chính phủ Việt - Nga.
Điều 8:
Ngân hàng ngoại thương Việt Nam và ngân hàng kinh tế đối ngoại Liên Xô trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ký Nghị định thư này sẽ thoả thuận thể thức kỹ thuật tính toán liên quan đến việc thực hiện các Điều 4, 5,6 và 7 của Nghị định thư này.
Các ngân hàng của hai nước sẽ thoả thuận và tạo các điều kiện cần thiết để đảm bảo các dịch vụ ngân hàng liên quan đến các Điều 2 và 3 của Nghị định thư này.
Điều 9:
Đối với tất cả những vấn đề khác không quy định trong Nghị định thư này, sẽ áp dụng các điều khoản tương ứng của Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga về quan hệ kinh tế - thương mại ký ngày 15 tháng 8 năm 1991.
Điều 10:
Nghị định thư có hiệu lực từ ngày ký và sẽ có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 1992, tuy nhiên các điều khoản của Nghị định thư sẽ được áp dụng từ ngày 1 tháng 1 năm 1992.
Khi hết hạn hiệu lực của Nghị định thư này các điều khoản của Nghị định thư sex được áp dụng đến ngày 31 tháng 3 năm 1993 đối với tất cả các hợp đồng ký trong thời kỳ hiệu lực của Nghị định thư nhưng chưa hoàn thành một phần hoặc toàn bộ tính đến khi hết hạn hiệu lực của Nghị định thư này.
Các Phụ lục 1, 2, 3 và 4 là phần không tách rời của Nghị định thư này.
Làm tại Matxcơva, ngày 4 tháng 7 năm 1992 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Nga, cả hai văn bản có hiệu lực như nhau.