HIỆP ĐỊNH
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA MÔ-DĂM-BÍCH VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ LẪN NHAU
Chính phủ nước Cộng xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Mô-dăm-bích (sau đây gọi là “các Bên ký kết”),
Mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế cùng có lợi cho cả hai nước và tạo điều kiện công bằng và bình đẳng cho đầu tư của nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia;
Thừa nhận rằng việc khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai Bên ký kết và sẽ thúc đẩy sáng kiến đầu tư;
Thừa nhận rằng phát triển quan hệ kinh tế và kinh doanh có thể thúc đẩy sự tôn trọng các quyền của người lao động đã được thừa nhận trong phạm vi quốc tế;
Thoả thuận rằng các mục tiêu trên có thể đạt được mà không ảnh hưởng đến việc áp dụng chung các biện pháp về sức khoẻ, an toàn và môi trường;
Đã quyết định ký kết một Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau; Đã thuận như sau:
Theo Hiệp định này:
Điều 1 Định nghĩa
(1) Thuật ngữ “đầu tư” nghĩa là mọi loại tài sản được sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bởi nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, cụ thể nhưng không chỉ là:
(a) công ty hoặc doanh nghiệp, hoặc cổ phần, cổ phiếu, hoặc các quyền lợi khác trong công ty hoặc doanh nghiệp;
(b) động sản và bất động sản, kể cả các quyền tài sản khác như quyền thế chấp, thế nợ, cầm cố, quyền hưởng hoa lợi và các quyền tương tự;
(c) quyền đòi tiền hoặc bất kỳ hoạt động nào có giá trị kinh tế;
(d) quyền sở hữu trí tuệ, quy trình kỹ thuật, tên thương mại, bí quyết, uy tín kinh doanh và các quyền tương tự;
(e) tô nhượng kinh doanh theo pháp luật, theo các quyết định hành chính hoặc theo hợp đồng để tìm kiếm, phát triển, tinh chế hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên đầu tư không bao gồm các quyền đòi tiền phát sinh thuần tuý từ:
(i) các hợp đồng thương mại về bán hàng hoá hoặc dịch vụ của thể nhân hoặc doanh nghiệp trên Lãnh thổ của một Bên cho doanh nghiệp trên Lãnh thổ của Bên kia; hoặc
(ii) việc cung cấp tín dụng liên quan đến một giao dịch thương mại, như cho vay mậu dịch; hoặc
(iii) bất kỳ quyền đòi tiền nào khác không liên quan đến các loại quyền lợi nêu trong các khoản từ (a) đến
(e) nêu trên.
Với mục đích của định nghĩa đầu tư trong Điều này, thu nhập đã dùng để đầu tư cũng được coi là đầu tư và bất kỳ sự thay đổi về hình thức tài sản đã dùng để đầu tư hoặc tái đầu tư không làm thay đổi đặc tính
của tài sản đó là một khoản đầu tư, với điều kiện là sự thay đổi đó được thực hiện theo quy định của pháp luật của Bên ký kết chủ nhà.
(2) Thuật ngữ “nhà đầu tư” của một Bên ký kết nghĩa là:
(a) bất kỳ thể nhân nào là công dân của Bên ký kết đó theo quy định của pháp luật nước đó; và
(b) bất kỳ pháp nhân hoặc tổ chức nào được thành lập theo pháp luật của Bên ký kết đó, đã thực hiện đầu tư trên lãnh thổ của Bên kia.
(3) Thuật ngữ “thu nhập” nghĩa là những khoản thu nhập từ đầu tư, cụ thể nhưng không chỉ là các khoản lợi nhuận, lãi tiền vay, thu nhập từ vốn, cổ tức, phí chuyển giao công nghệ và các loại phí khác.
(4) Thuật ngữ “lãnh thổ” nghĩa là:
(a) đối với nước Cộng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là toàn bộ lãnh thổ đất liền (bao gồm cả các hải đảo), các vùng biển và dưới biển mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế;
(b) đối với nước Cộng hòa Mô-dăm-bích, bao gồm cả lãnh hải và bất kỳ vùng biển nào ngoài phạm vi lãnh hải của Mô-dăm-bích mà theo quy định của pháp luật Mô-dăm-bích và pháp luật quốc tế, được coi là, hoặc có thể được coi là, hoặc trong tương lai có thể được coi là khu vực mà Mô-dăm-bích có thể thực hiện các quyền liên quan đến đáy biển và vùng đất dưới đáy biển và tài nguyên thiên nhiên của vùng này và bất kỳ lãnh thổ nào mà Hiệp định này điều chỉnh.
(5) Thuật ngữ “đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định”, đối với một Bên, nghĩa là khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên đó của nhà đầu tư của Bên kia, đang tồn tại vào thời điểm có hiệu lực của Hiệp định này hoặc được thành lập, mua lại hoặc mở rộng sau đó, và đã được Bên ký kết chủ nhà tiếp nhận và chấp thuận theo quy định của pháp luật và chính sách của Bên đó.
Điều 2
Khuyến khích và bảo hộ đầu tư
(1) Mỗi Bên ký kết sẽ, tuỳ thuộc vào chính sách chung về đầu tư nước ngoài của nước mình, khuyến khích việc đầu tư của các nhà đầu tư của Bên ký kết kia trên lãnh thổ nước mình và tiếp nhận các khoản đầu tư đó phù hợp với pháp luật của mình.
(2) Tuỳ thuộc vào quy định của pháp luật liên quan đến nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài, các cá nhân làm việc cho nhà đầu tư của một Bên ký kết, cũng như các thành viên trong gia đình họ, sẽ được cho phép nhập cảnh, cư trú và xuất cảnh khỏi lãnh thổ của Bên ký kết kia với mục đích thực hiện các hoạt động liên quan đến đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
(3) Mỗi Bên ký kết sẽ đảm bảo rằng các khoản đầu tư của nhà đầu tư Bên ký kết kia sẽ luôn được hưởng sự đối xử công bằng, đáng và sẽ không cản trở việc quản lý, duy trì, sử dụng, thụ hưởng hoặc định đoạt các khoản đầu tư đó bằng các biện pháp bất hợp lý hoặc phân biệt đối xử.
(4) Mỗi Bên ký kết sẽ cung cấp các công cụ hiệu quả để xác nhận và thực hiện các quyền liên quan đến đầu tư được điều chỉnh bởi Hiệp định này.
(5) Mỗi Bên ký kết sẽ đảm bảo rằng luật, quy định, thực tiễn quản lý và các thủ tục áp dụng chung, và các quyết định của tòa án liên quan đến hoặc có ảnh hưởng đến các khoản đầu tư được điều chỉnh bởi Hiệp định này sẽ được công bố nhanh chóng hoặc có thể được tiếp cận công khai.
(6) Các khoản đầu tư được điều chỉnh bởi Hiệp định này sẽ được bảo hộ an toàn và đầy đủ và mỗi Bên ký kết sẽ tôn trọng các nghĩa vụ mà Bên đó đã cam kết với nhà đầu tư của Bên kia liên quan đến khoản đầu tư của họ.
(7) Thu nhập từ đầu tư sẽ được đối xử và bảo hộ như một khoản đầu tư.
Điều 3
Đối xử quốc gia đối xử tối huệ quốc
(1) Mỗi Bên ký kết, trên lãnh thổ của mình, sẽ dành cho các khoản đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước mình (“đối xử quốc gia”) hoặc của các nhà đầu tư của bất kỳ quốc gia thứ ba nào (“đối xử tối huệ quốc”), trong trường hợp tương tự, tuỳ theo sự đối xử nào có lợi hơn, đối với việc sử dụng, quản lý, thực hiện, vận hành và bán hoặc định đoạt theo cách khác các khoản đầu tư của họ,
(2) Đối xử quốc gia theo quy định của khoản 1 nêu trên, sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật của Bên ký kết chủ nhà. Việc dành đối xử quốc gia phù hợp với pháp luật của Bên ký kết chủ nhà cho phép Bên ký kết chủ nhà có quyền dành cho đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia sự đối xử khác biệt với sự đối xử áp dụng cho nhà đầu tư của nước mình. Theo đó, mỗi Bên ký kết có thể duy trì bất kỳ lĩnh vực kinh tế hoặc hoạt động nào dành riêng cho nhà đầu tư của nước mình và áp dụng bất kỳ biện pháp hoặc ưu đãi đặc biệt nào chỉ dành riêng cho nhà đầu tư của nước mình phù hợp khuôn khổ chính sách phát triển của nước mình.
(3) Các quy định của Hiệp định này sẽ không được hiểu là bắt buộc một Bên ký kết phải dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia lợi ích từ bất kỳ chế độ đối xử, ưu đãi hoặc đặc quyền nào phát sinh từ:
(a) bất kỳ liên minh thuế quan, liên minh kinh tế, khu vực mậu dịch tự do, liên minh tiền tệ, hoặc bất kỳ hình thức thoả thuận kinh tế quốc tế, khu vực hoặc song phương, hoặc thoả thuận quốc tế tương tự nào khác mà một Bên ký kết là thành viên hoặc có thể trở thành thành viên;
(b) bất kỳ hiệp định quốc tế, khu vực hoặc song phương nào hoặc bất kỳ thoả thuận tương tự nào mà các Bên ký kết là thành viên hoặc có thể trở thành thành viên hoặc bất kỳ văn bản pháp luật trong nước nào liên quan toàn bộ hoặc chủ yếu đến thuế;
(4) Để rõ ràng hơn, các Bên ký kết cho rằng các quy định của Điều này sẽ không ảnh hưởng đến quyền của các Bên ký kết được áp dụng các chế độ thuế khác nhau đối với những người nộp thuế khác nhau căn cứ vào nơi cư trú của họ.
Điều 4
Tước quyền sở hữu
(1) Không một Bên ký kết nào được áp dụng bất kỳ biện pháp tước đoạt quyền sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp, đối với đầu tư của nhà đầu tư Bên ký kết kia, trừ khi đáp ứng các điều kiện sau:
(a) Các biện pháp này được áp dụng vì mục đích công cộng và theo đúng thủ tục pháp luật;
(b) Các biện pháp này là không phân biệt đối xử;
(c) Các biện pháp được kèm theo những qui định về việc trả tiền bồi thường nhanh chóng, thoả đáng và hiệu quả, có thể chuyển ra nước ngoài và không chậm trễ quá mức, bằng đồng tiền tự do chuyển đổi.
(2) Việc bồi thường phải tương xứng với giá thị trường của khoản đầu tư tính ở thời điểm ngay trước khi việc tước đoạt quyền sở hữu xảy ra hoặc dự kiến tước đoạt quyền sở hữu được công bố làm ảnh hưởng đến giá trị của khoản đầu tư (sau đây gọi là “Thời điểm Định giá”).
Khoản bồi thường bao gồm cả lãi tiền vay tính theo lãi suất thương mại trên thị trường tính từ ngày tước đoạt quyền sở hữu đến ngày trả tiền đền bù.
(3) Các quy định tại khoản (1) và (2) của Điều này sẽ áp dụng cho thu nhập thu được từ đầu tư và tiền thu được từ việc thanh lý trong trường hợp thanh lý.
(4) Khi một Bên ký kết, trên lãnh thổ của bên đó, tước quyền sở hữu đối với tài sản của một công ty hoặc một doanh nghiệp mà nhà đầu tư của Bên ký kết kia đã đầu tư thông qua sở hữu cổ phần, Bên ký kết này sẽ bảo đảm rằng các quy định của Điều này sẽ được áp dụng ở mức độ cần thiết để đảm bảo việc đền bù nhanh chóng, thoả đáng và hiệu quả cho khoản đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia.
(5) Điều này sẽ không áp dụng đối với việc cấp các giấy phép bắt buộc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, hoặc tới việc thu hồi, hạn chế hoặc tạo lập các quyền sở hữu trí tuệ, với điều kiện là việc cấp, thu hồi, hạn chế hoặc tạo lập này phù hợp với quy định của Hiệp định TRIPS.
Điều 5
Bồi thường thiệt hại
(1) Các nhà đầu tư của một Bên ký kết có đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia bị thiệt hại do chiến tranh, xung đột vũ trang, tình trạng khẩn cấp quốc gia, nổi dậy, khởi nghĩa, nổi loạn hoặc bạo loạn sẽ được dành sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các nhà đầu tư nước mình hoặc các nhà đầu tư của bất kỳ quốc gia thứ ba nào, tuỳ thuộc vào sự đối xử nào thuận lợi hơn, liên quan đến việc hoàn trả, bồi thường, đền bù hoặc bằng các giải pháp khác. Các khoản thanh toán theo Điều sẽ được chuyển ra nước ngoài không chậm trễ quá mức, bằng đồng tiền tự do chuyển đổi.
(2) Không ảnh hưởng đến các quy định của khoản (1) Điều này, các nhà đầu tư của một Bên ký kết trong trường hợp nêu tại khoản (1) bị thiệt hại trên lãnh thổ của Bên ký kết kia do:
(a) cơ quan có thẩm quyền hoặc lực lượng vũ trang của Bên ký kết kia tịch thu một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư;
(b) cơ quan có thẩm quyền hoặc lực lượng vũ trang của Bên ký kết kia phá huỷ một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư một cách không cần thiết,
sẽ được đền bù hoặc bồi thường và trong cả hai trường hợp phải được thực hiện nhanh chóng, thoả đáng và hiệu quả.
Điều 6
Chuyển tiền ra nước ngoài
(1) Mỗi Bên ký kết sẽ cho phép chuyển không chậm trễ quá mức, bằng đồng tiền tự do chuyển đổi, các khoản tiền liên quan đến đầu tư, cụ thể bao gồm nhưng không chỉ là:
(a) Lợi nhuận;
(b) Các khoản thu từ việc bán hoặc thanh lý toàn bộ hay một phần đầu tư;
(c) Các khoản thanh toán nợ;
(d) Các khoản đền bù theo quy định của Điều 4 hoặc 5; và
(e) Các khoản thu nhập của cá nhân không phải là công dân của Bên ký kết đó, được phép làm việc liên quan đến một khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên đó và các khoản tiền khác phù hợp để trang trải các chi phí liên quan đến quản lý khoản đầu tư đó.
(2) Các khoản chuyển tiền theo Hiệp định này được thực hiện theo tỷ giá thị trường vào ngày chuyển tiền áp dụng cho các giao dịch giao ngay bằng đồng tiền được chuyển.
Điều 7
Các yêu cầu hoạt động
Đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này sẽ không bị bắt buộc phải tuân theo bất kỳ yêu cầu hoạt động nào được quy định trong Danh mục minh hoạ của Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại của WTO và các yêu cầu này có thể gây phương hại đến việc sử dụng, quản lý, thực hiện, vận hành, mở rộng, bán hoặc biện pháp định đoạt khác đối với khoản đầu tư này.
Điều 8 Thế quyền
Khi một Bên ký kết hoặc cơ quan được ủy quyền của Bên ký kết đó thanh toán cho các nhà đầu tư của mình trên cơ sở một bảo đảm được bên đó cấp cho một khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, thì Bên ký kết kia phải, trong khi không làm ảnh hưởng đến các quyền của Bên ký kết ban đầu theo Điều 10, công nhận việc chuyển giao bất kỳ quyền hoặc quyền sở hữu nào của nhà đầu tư cho Bên ký kết ban đầu hoặc cơ quan được uỷ quyền của Bên ký kết ban đầu và quyền của Bên ký kết ban đầu hoặc cơ quan được uỷ quyền của Bên ký kết ban đầu thực hiện, do hiệu lực của việc thế quyền, bất kỳ quyền hoặc quyền sở hữu nào trong phạm vi quyền của nhà đầu tư.
Điều 9
Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và một Bên ký kết
(1) Bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến một khoản đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định giữa một nhà đầu tư của một Bên ký kết và Bên ký kết kia, trong chừng mực có thể, sẽ được giải quyết thông qua thương lượng.
(2) Nếu bất kỳ một tranh chấp đầu tư nào nêu trên không thể giải quyết trong vòng sáu tháng kể từ khi nhà đầu tư gửi thông báo bằng văn bản về việc giải quyết tranh chấp cho Bên ký kết, mỗi Bên ký kết sẽ chấp thuận đưa vụ tranh chấp ra giải quyết thông qua trọng tài quốc tế tại một trong các cơ quan sau, tuỳ theo sự lựa chọn của nhà đầu tư:
(i) Trung tâm Quốc tế Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID) để giải quyết bằng trọng tài theo Công ước Washington ngày 18 tháng 3 năm 1965 về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa Nhà nước và Công dân của Nhà nước khác, nếu cả hai Bên ký kết đều đã gia nhập Công ước này; hoặc
(ii) giải quyết theo Cơ chế Phụ trợ của Trung tâm, nếu Trung tâm không giải quyết theo quy định của Công ước; hoặc
(iii) một toà trọng tài theo vụ việc (ad-hoc) được thành lập theo Quy tắc Trọng tài của Uỷ ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL). Người có thẩm quyền chỉ định theo quy định của Quy định này sẽ là Tổng thư ký của ICSID.
Nếu các bên tranh chấp có ý kiến khác nhau về việc tranh chấp cần được giải quyết bằng trọng tài hay thương lượng, nhà đầu tư sẽ có quyền lựa chọn.
(3) Để áp dụng cho Điều này và Điều 25(2)(b) của Công ước Washington nói trên, bất kỳ pháp nhân nào được thành lập theo pháp luật của một Bên ký kết, và trước khi phát sinh tranh chấp, được kiểm soát bởi một nhà đầu tư của Bên ký kết kia, sẽ được coi là mang quốc tịch của Bên ký kết kia.
(4) Bất kỳ việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài nào theo Quy tắc của Cơ chế Phụ trợ hoặc theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL, theo yêu cầu của một bên tranh chấp, sẽ được tổ chức ở một quốc
gia là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Công nhận và thi hành các Phán quyết của trọng tài nước ngoài ký tại New York ngày 10 tháng 6 năm 1958 (Công ước New York ).
(5) Sự đồng ý của mỗi Bên ký kết theo khoản (2) và việc nhà đầu tư đưa tranh chấp ra giải quyết theo quy định của khoản (2) nói trên sẽ được coi là sự đồng ý bằng văn bản và thoả thuận bằng văn bản của các bên tranh chấp về việc đưa tranh chấp ra giải quyết như quy định tại chương II của Công ước Washington (Thẩm quyền của Trung tâm) và Quy tắc của Cơ chế Phụ trợ, Điều 1 của Quy tắc Trọng tài UNCITRAL và Điều II của Công ước New York.
(6) Trong quá trình tố tụng liên quan đến tranh chấp, Bên ký kết sẽ không sử dụng việc bồi thường hoặc đền bù khác cho toàn bộ hoặc một phần thiệt hại đã được trả theo một hợp đồng bảo hiểm hoặc bảo lãnh làm lý do để biện hộ, để khởi kiện ngược, để đòi quyền bù trừ hoặc các lý do khác, nhưng Bên ký kết đó có thể yêu cầu chứng minh rằng bên đền bù đồng ý với việc nhà đầu tư thực hiện quyền đòi đền bù.
(7) Bất kỳ quyết định trọng tài nào được đưa ra theo quy định của Điều này sẽ là cuối cùng và bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Mỗi Bên ký kết phải thực hiện các quy định của quyết định này một cách không chậm trễ và thi hành quyết định này trên lãnh thổ nước mình.
Điều 10
Giải quyết tranh chấp giữa các Bên ký kết
(1) Bất kỳ tranh chấp nào giữa các Bên ký kết liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này, nếu có thể, sẽ được giải quyết bằng đàm phán giữa Chính phủ của hai Bên ký kết.
(2) Nếu tranh chấp đó không giải quyết được bằng cách trên trong vòng sáu tháng kể từ ngày một Bên ký kết yêu cầu đàm phán, thì theo yêu cầu của một Bên ký kết, vụ tranh chấp được đưa ra giải quyết tại một toà trọng tài.
(3) Một Toà trọng tài sẽ được thành lập cho từng trường hợp cụ thể, mỗi Bên ký kết chỉ định một thành viên. Hai thành viên này sẽ chọn một công dân của nước thứ ba để Chính phủ của hai Bên ký kết cử làm chủ tịch toà trọng tài. Các thành viên sẽ được chọn trong vòng 2 tháng và chủ tịch toà trọng tài sẽ được chọn trong vòng 4 tháng kể từ ngày một Bên ký kết đề xuất với Bên ký kết kia việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại toà trọng tài.
(4) Nếu các thời hạn nêu tại khoản (3) của Điều này không được tuân thủ, nếu không có sự thoả thuận nào khác, mỗi Bên ký kết có thể mời Chủ tịch Toà án quốc tế để tiến hành sự chỉ định cần thiết.
(5) Nếu Chủ tịch Toà án quốc tế không thực hiện được chức năng nêu ở khoản (4) hoặc là công dân của một Bên ký kết, Phó Chủ tịch Toà án quốc tế sẽ được mời để tiến hành sự chỉ định cần thiết. Nếu Phó Chủ tịch Toà án quốc tế không thực hiện được chức năng nêu trên hoặc là công dân của một Bên ký kết, thành viên cao cấp tiếp theo của Toà án quốc tế có khả năng thực hiện chức năng nói trên và không phải là công dân của một Bên ký kết sẽ được mời để tiến hành sự chỉ định cần thiết.
(6) Toà trọng tài ra quyết định bằng biểu quyết theo đa số. Quyết định này sẽ là cuối cùng và bắt buộc đối với các Bên ký kết. Mỗi Bên ký kết sẽ chịu chi phí cho thành viên do mình chỉ định trong Toà trọng tài và chi phí cho việc đại diện của mình trong tố tụng trọng tài; chi phí cho Chủ tịch và các chi phí khác do mỗi Bên ký kết chịu bằng nhau. Tuy nhiên toà trọng tài có thể quyết định một trong hai Bên ký kết sẽ phải chịu phần chi phí cao hơn. Đối với tất cả các vấn đề khác, toà trọng tài sẽ tự xác định thủ tục của mình.
Điều 11
Áp dụng Hiệp định
(1) Hiệp định này áp dụng đối với tất cả các đầu tư được thực hiện trước hoặc sau khi Hiệp định có hiệu lực, nhưng không áp dụng đối với bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến đầu tư đã phát sinh hoặc khiếu nại nào liên quan đến đầu tư đã được giải quyết trước khi Hiệp định có hiệu lực.
(2) Hiệp định này sẽ không hạn chế các quyền và lợi ích mà nhà đầu tư của một Bên ký kết được hưởng theo pháp luật quốc gia hoặc pháp luật quốc tế trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
(3) Các nghĩa vụ của một Bên ký kết theo Hiệp định này sẽ áp dụng cho cơ quan nhà nước được Bên đó uỷ quyền thực hiện các thẩm quyền về điều tiết, hành chính hoặc các thẩm quyền khác của chính quyền.
Điều 12
Hiệu lực, thời hạn và kết thúc
(1) Các Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực kể từ ngày đầu tiên của tháng thứ hai kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng.
(2) Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn là hai mươi năm. Hiệp định sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi kết thúc thời hạn mười hai tháng kể từ ngày một Bên ký kết thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia về quyết định chấm dứt Hiệp định này.
(3) Đối với những khoản đầu tư được thực hiện trước ngày thông báo chấm dứt Hiệp định có hiệu lực thì những qui định trong các Điều từ 1 đến 11 của Hiệp định này vẫn tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn là hai mươi năm kể từ ngày đó.
Để làm chứng, những người ký tên dưới đây, được uỷ quyền hợp thức, đã ký Hiệp định này.
Làm tại Hà Nội ngày 16 tháng 01 năm 2007, thành hai bản bằng tiếng Việt, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh, cácvăn bản đều có giá trị ngang nhau. Trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.